" Nóng" câu chuyện nhận 7,2 tỷ tiền bồi thường án oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn
Câu chuyện khoản tiền đền bù 7,2 tỷ đồng cho án oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được báo chí đặc biệt quan tâm cuối tuần qua.
Vấn đề được quan tâm khi ông Nguyễn Văn Bốn – Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, trong phiên họp thường kỳ của Bộ Tư pháp sáng 16/10, đã khẳng định trước báo chí rằng các thủ tục chi trả tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn - người bị kết án oan suốt 10 năm - đã hoàn tất. Trong khi lại có nguồn tin cho rằng, gia đình ông Chấn chưa nhận được bồi thường.
Khẳng định chắc chắn thông tin khoản tiền đền bù cho án oan của ông Chấn đã được giải quyết xong, đại diện Bộ Tư pháp còn nhấn mạnh, Bộ Tài chính báo cáo "đã cấp tiền bồi thường". Còn việc tiền chưa đến tay ông Chấn, Bộ Tư pháp sẽ xem lại còn vướng mắc ở khâu nào.
Ông Nguyễn Thanh Chấn và vợ (trái) trong buổi được công khai xin lỗi. |
Tuy nhiên, đến chiều 16/10, bà Thân Thị Hải – người cùng gia đình ông Chấn đi kêu oan đã lên tiếng xác nhận gia đình ông Chấn đã nhận được tiền bồi thường oan sai từ TAND Cấp cao, tuy nhiên bà Hải không tiết lộ cụ thể khoảng thời gian gia đình ông Chấn nhận tiền. Cũng theo bà Hải, sở dĩ có thông tin nói rằng ông Chấn chưa nhận được tiền bồi thường là do ông Chấn đi điều trị tại bệnh viện khoảng 1 tháng nay nên gia đình chưa thông báo cho ông Chấn biết sự việc. Do vậy khi một số báo gọi điện hỏi, ông Chấn trả lời chưa nhận được.
Trả lời phóng viên, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon khẳng định, hiện tại số tiền bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn nhận được đang là một kỷ lục trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Tuy nhiên, ông Chấn không phải là trường hợp duy nhất được bồi thường oan sai với số tiền rất lớn do sai phạm của các cơ quan chức năng.
Báo cáo trước Quốc hội ngày 5/6/2015 về tình hình oan sai và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong 219.500 vụ án với hơn 338.000 bị can bị khởi tố, điều tra trong 3 năm qua có 71 trường hợp được xác định vô tội.
Có những vụ án đã xảy ra 7-10 năm, thậm chí tới 16 năm nhưng gần đây mới được phát hiện có dấu hiệu oan sai. Vì thế nhiều khả năng sẽ còn có những kỷ lục mới về số tiền bồi thường oan sai.
Trước khi ông Chấn được bồi thường số tiền 7,2 tỷ đồng, câu hỏi lớn nhất được đặt ra khoản tiền này sẽ được lấy từ đâu, từ ngân sách Nhà nước hay từ những cán bộ thi hành tố tụng gây oan sai.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (có hiệu lực năm 2010), người thi hành công vụ gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thi hành công vụ còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trên báo Đất Việt, ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp cho rằng nếu tòa án tuyên các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có lỗi cố ý trong việc làm oan ông Chấn thì các đối tượng này mới phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ.
Nhưng theo phân tích của ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, giữa lỗi cố ý và vô ý của các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là rất khó phân biệt. Ông Quyền giải thích: "Bởi người ta luôn luôn đổ vào năng lực hạn chế. Nhưng để chứng minh có thực sự là do năng lực hạn chế hay do tinh thần trách nhiệm, do lỗi cố ý là việc rất khó. Trừ trường hợp bắt quả tang anh có đi đêm ngầm với đương sự. Ngay cả lỗi cố ý đi chăng nữa thì việc bồi hoàn của cán bộ viên chức đối với mức độ bồi hoàn là rất nhỏ". Trong trường hợp bồi hoàn theo lỗi vô ý, trách nhiệm vật chất rất nhỏ. Việc bồi hoàn cũng không thấm gì so với ngân sách nhà nước phải bỏ ra. Tóm lại, theo ông Quyền, nếu cán bộ đó mẫn cán, không cố ý làm sai thì không phải bồi thường./.
Theo VOV