Nông dân gặp khó vì giá hoa giống tăng vọt
(Baonghean.vn) - So với các năm trước, giá các loại giống hoa Tết tăng 30-40%, thậm chí, có loại tăng thêm 50%.
Giá cúc giống tăng mạnh, có loại tăng gấp đôi so với các năm trước. Ảnh: Thanh Phúc |
Trồng 1.000 gốc hoa ly để cung ứng ly cắt cành thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, anh Nguyễn Khắc Thẩm (xã Trung Phúc Cường, Nam Đàn) đang làm đất và chuẩn bị xuống giống. Đồng thời, anh cũng cung cấp củ giống hoa ly cho người dân có nhu cầu.
Theo anh Thẩm, giá các loại hoa giống tăng giá khá mạnh, riêng hoa ly tăng thêm 40% so với các năm trước. “Nếu như năm 2022, mỗi củ ly giống có giá 8.000-10.000 đồng thì nay tăng lên 12.000 – 14.000 đồng/củ. Giá củ giống tăng, giá phân bón cũng tăng trong khi thị trường hoa rất khó đoán định. Do đó, tôi chỉ dám xuống giống 1.000 củ, diện tích còn lại chủ yếu trồng dưa lưới”, anh Thẩm cho biết.
Củ giống các loại hoa ly cũng tăng thêm từ 3.000-5.000 đồng/củ. Ảnh: Thanh Phúc |
Sau 2 vụ hoa Tết (năm 2021, 2022) do e ngại bởi tác động dịch Covid 19, nông dân các vùng trồng hoa trong tỉnh đều tiết giảm diện tích thì vụ hoa Tết năm nay, nhiều địa phương tăng diện tích trồng hoa phục vụ Tết.
Ngoài các vùng trồng hoa truyền thống như Nghi Liên, Nghi Ân, Hưng Đông, Đông Vĩnh (TP.Vinh), vùng bãi bồi ở Hưng Nguyên, Nam Đàn và các huyện vùng đồng bằng Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, nhiều địa phương miền núi cũng đã đưa cây hoa cúc, thược dược, hướng dương vào trồng trên các cánh đồng màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện giá hoa giống đang rất cao khiến nhiều nhà vườn gặp khó.
Giá giống tăng cao nên nhiều nơi giảm diện tích trồng cúc. Ảnh: Thanh Phúc |
Bà Nguyễn Thị Lợi, một hộ chuyên trồng hoa cúc Tết ở thị trấn Yên Thành (huyện Yên Thành) cho biết: “Năm nhiều nhất tôi trồng khoảng 2 vạn cây cúc các loại phục vụ Tết Nguyên đán. Chưa năm nào, giá cúc giống lại tăng cao như năm nay, hiện các vườn ươm ở Hà Nội báo giá cúc giống như: cúc mai cam, cúc đại đoá, cúc chén, cúc ru-by, cúc nữ hoàng… dao động từ 55.000 -65.000 đồng/100 cây; tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi năm ngoái. Giá cúc giống tăng, tiền công tăng và chưa nắm chắc thị trường năm nay diễn biến thế nào nên tôi chỉ dám làm 2/3 diện tích hoa, còn lại trồng các loại rau màu khác”.
Theo ông Trần Ngọc Quyết, một nhà vườn ở xóm Trung Mỹ (xã Hưng Đông, TP.Vinh) chuyên cung ứng hoa giống cho thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, thị trường các loại giống hoa Tết năm nay tăng vọt. Trong đó, tăng mạnh nhất là các loại cúc.
Ngoài giá giống tăng cao, người trồng hoa Tết năm nay còn đối mặt với nhiều khó khăn khi thời tiết bất lợi. Ảnh: Thanh Phúc |
Nguyên nhân chính là do thời tiết trong những tháng qua bất lợi, nhiều vườn ươm bị ảnh hưởng bởi mưa bão nên phải ngừng sản xuất. Như các vườn ươm ở Nam Định, năm nay, không đủ lượng cúc giống để cung ứng ra thị trường, do đó, chúng tôi phải nhập từ các tỉnh phía Bắc khác và một phần từ Đà Lạt, Sa Đéc về.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển tăng cao từ khi giá xăng lên đỉnh điểm đến nay vẫn chưa hạ, tác động không nhỏ đến giá thành cây hoa giống.
Vụ Tết 2022, nhiều nhà vườn "thắng lớn" khi hoa tăng giá cao vẫn "cháy hàng". Tuy nhiên, năm nay, thị trường hoa Tết lại rất khó đoán định. Ảnh: Thanh Phúc |
Không chỉ gặp khó khi giá hoa giống tăng cao, chi phí đầu vào tăng mà hiện nay, người trồng hoa Tết phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Trước hết là bất lợi về thời tiết khi mưa bão liên tục xảy ra từ cuối tháng 9 đến nay khiến đất trồng hoa bị ngập, úng, hiện nhiều vùng đồng đất ướt, nhão nên không thể trồng hoa. Một số diện tích đã trồng gặp phải mưa lớn kéo dài, hoa ngập nước nên bị nghẹt rễ, khó phát triển.
Nhiều nhà vườn đã thực hiện phương án trồng rải vụ, đa dạng các loại hoa phục vụ thị trường. Ảnh: Thanh Phúc |
Để ứng phó với việc giá hoa giống tăng cao trong khi thị trường hoa Tết dự báo là khó lường, do đó, nhiều nhà vườn chuyên nghiệp đã tính đến phương án trồng rải vụ, đồng thời, đa dạng các loại hoa để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.