Nông dân gieo mạ sớm hơn lịch thời vụ
(Baonghean.vn) - Hiện nay, nông dân tại nhiều địa phương đã tiến hành bắc mạ để gieo cấy vụ xuân. Tuy nhiên, bà con một số nơi đã bất chấp khuyến cáo bắc mạ sớm so với lịch thời vụ và không chấp hành cơ cấu giống.
Tranh thủ thời tiết bắc mạ sớm
Đi dọc các cánh đồng Nghi Xuân, Nghi Thái (Nghi Lộc)… chúng tôi chứng kiến những thửa mạ được nông dân phủ trắng nilon, chuẩn bị cho vụ xuân sắp tới. Hầu hết những nương mạ này mới chỉ làm được vài ngày.
Bà Trần Thị Thường đang chăm sóc luống mạ của mình. |
Bà Trần Thị Thường ở xóm Thái Thọ, Nghi Thái, Nghi Lộc cho biết: “Do thời tiết thuận lợi, nên gia đình tôi đã bắc mạ cho 5 sào ruộng từ ngày 15/12 dương lịch. Khoảng 15/1 tới là gia đình có thể cấy được”.
Nhiều ruộng mạ đã được phủ ni lông. |
Bà cho biết thêm, với các luống mạ đã lên xanh tốt, có thể sử dụng thêm các loại phân bón qua lá, vừa giúp tăng sức đề kháng, chống rét cho mạ, vừa để mạ khỏe cây, ra rễ tốt trước khi cấy.
Không chỉ Nghi Lộc mà các xã Phú Sơn, Nghĩa Dũng, Nghĩa Bình… Tân Kỳ nông dân cũng đang tiến hành bắc mạ sớm. Ông Hoàng Đình Lý, xóm Tân Lâm, xã Phú Sơn, Tân Kỳ cho biết: “Nghề làm nông chúng tôi chủ yếu là phụ thuộc vào thời tiết, do khí hậu chuyển biến thất thường nên chúng tôi tranh thủ những lúc nắng đẹp để tiến hành bắc mạ cho 7 - 8 sào ruộng. Nhưng để có một mùa bội thu thì quy trình làm giống đều phải được chú trọng như khâu chọn giống tốt phù hợp với đất, sau đó đem ngâm 24 tiếng và ủ cho nó lên mầm rồi vại. Đất cần được làm mịn và làm luống, mới vại xong thì trùm nilon. Sau 15 - 20 ngày là có thể tiến hành cấy được. Chúng tôi chỉ hy vọng năm nào thời thiết cũng mưa thuận gió hòa, để nông dân đỡ vất vả và có mùa bội thu.”
Không chấp hành cơ cấu giống
Vụ xuân 2017, Hưng Nguyên lên kế hoạch sản xuất 5600 ha lúa. Ngay từ đầu vụ huyện tập trung chỉ đạo đưa các giống lúa mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao và hiệu quả vào sản xuất trên diện rộng. Kiên quyết đưa ra khỏi cơ cấu các giống lúa dài ngày như IR1820, X23, X30… Thời gian bắc mạ trà sớm nhất bắt đầu từ ngày 5/1/2017-10/1/2017.
Như vậy theo đề án sản xuất của huyện thì 1 tuần nữa mới đến thời gian bắc mạ lúa xuân, thế nhưng hiện nay nông dân đã bắc gần 50 ha mạ, tương đương 1.000 ha lúa cấy, chủ yếu là các giống lúa dài ngày như IR 1820, X23, X30, P 6 và nếp, tập trung ở các xã Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Châu, Hưng Nhân, Hưng Phúc, Hưng Thịnh, Hưng Lợi và thị Trấn Hưng Nguyên.
Nhiều ruộng mạ ở xóm 7, Hưng Thịnh đã lên xanh tốt. |
Chị Nguyễn Thị Hoa ở khối 6 thị trấn Hưng Nguyên có 7 sào ruộng, cách đây hơn 1 tháng chị đã bắc mạ IR1820 để cấy trên diện tích 3 sào, còn lại 4 sào làm thiên ưu khoảng 20 ngày nữa mới bắt đầu bắc mạ.
“Ở đây hầu như nhà nào cũng cấy 2-3 dài ngày chủ yếu là IR1820. Lúa này 3 năm nay không thấy bán nữa nên đến mùa thu hoạch về tự cất giống để vụ sau đưa sản xuất”. Chị Nguyễn Thị Hoa ở khối 6 thị trấn Hưng Nguyên cho biết.
“Xã đã tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không đưa các giống lúa dài ngày vào gieo cấy nhưng đến nay nông dân cũng đã bắc mạ lúa dài ngày để cấy trên 60% diện tích ruộng rồi. So với năm 2016 thì năm nay có giảm hơn 1 ít nhưng cũng không đáng kể.” Ông Trương Văn Tám phó chủ tịch xã Hưng Thịnh nói.
Ông Lê Việt Hùng - Trạm trưởng trạm trồng trọt bảo vệ thực vật huyện Hưng Nguyên cho biết: Các giống lúa dài ngày như IR 1820, X23, X33, P6 huyện không đưa vào cơ cấu nhưng ở các vùng đặc thù ngoài đê, sâu trũng bà con vẫn trồng, đặc biệt là ở những vùng sản xuất rươi không thể đưa giống gì vào thay thế phù hợp nên nông dân vẫn tiếp tục cấy lúa IR1820 và X23, X33...
Một số diện tích bắc mạ sớm nữa là nếp sớm trên diện tích đất nương mạ. Trong số 50 ha mạ gieo sớm thì có khoảng 20% là nếp trên diện tích đất nương mạ./.
Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN |
---|