Nông dân Nghệ An chống rét cho vật nuôi, cây trồng
(Baonghean.vn) - Gần 1 tuần nay, tại Nghệ An, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm sâu. Trong 2 ngày 1 và 2/3, ở các huyện miền núi, nhiệt độ có lúc xuống dưới 10 độ C, trời rét đậm, rét hại. Người dân phải tìm cách ứng phó, phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi…
Bán xong đàn gà trống mía vào dịp Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết nắng ấm chị Hoàng Thị Cúc ở xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh (Thanh Chương) đã kịp tái đàn. “Vừa vào đàn được 1 tuần thì gặp mưa rét. Gà rất dị ứng với thời tiết thất thường nên tôi vừa phải rải đệm trấu cho gà, cho gà vào phòng kín để sưởi ấm bằng bóng đèn sưởi chuyên dụng, nước cho gà uống cũng phải pha ấm”, chị Cúc cho biết.
Những ngày này, nhiệt độ ở vùng núi xuống thấp. Do đó, anh Hoàng Kim Tùng -một thương lái chuyên cung ứng lợn giống ở huyện Kỳ Sơn vừa chở lợn vào bán cho dân bản, vừa cung cấp thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn cách bà con chống rét cho lợn. Chỉ tính riêng từ ngày mồng 10 tháng Giêng đến nay, anh đã cung ứng khoảng 1.500 con lợn giống cho các hộ đồng bào ở địa bàn 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn tái đàn sau Tết.
Theo anh Tùng, lợn đen bản địa chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, nên lợn đen lai được nhập về cần có thời gian thích ứng với khí hậu khắc nghiệt nơi đây. “Nhu cầu tái đàn cao, bà con vào đàn trúng đợt mưa rét nên khi cấp giống, tôi đã hướng dẫn người dân cách bổ sung dinh dưỡng, trải rơm cho lợn nằm và che chắn chuồng trại, thắp thêm đèn sưởi cho đàn lợn. Đồng thời, khuyến cáo bà con nên chọn lợn giống có trọng lượng cao, đã tiêm phòng vắc- xin đầy đủ để tránh rủi ro”, anh Tùng cho biết.
"Mặc dù đợt rét này nhiệt độ không xuống thấp, chúng tôi đã có thông báo đến tận hộ dân, yêu cầu người dân lùa bò về chuồng, che chắn và có các phương án dự trữ thức ăn, không thả rông trâu, bò trong đợt rét này”, anh Lương Văn Huy- công chức nông nghiệp ở huyện Quỳ Châu cho biết.
Ở vùng đồng bằng, nhiệt độ vẫn duy trì trên 16 độ C, song do trời mưa kèm theo sương muối nên việc chăm sóc cho rau màu, các loại cây trồng khác cũng khá vất vả. Theo đó, ở vùng màu chuyên canh, người dân tăng cường che chắn cho cây bằng cách phủ ni lông, che lưới đen chống sương muối, tủ ấm gốc cây bằng rơm, rạ…
Riêng đối với diện tích lúa đang thời kỳ phân nhánh, đẻ nhánh, ngoài việc hoàn thành tỉa dặm; nông dân cũng tăng cường thăm đồng, có biện pháp chống rét cho cây lúa. Ông Phan Duy Hải -Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Dù năm nay được nhận định là một năm ấm nhưng việc xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại là không thể tránh khỏi. Đặc biệt, đối với những cây con, cây mới trồng bị sương giá, các tế bào của cây có thể bị phá hủy, các lá non bắt đầu có những dấu hiệu như quăn đầu lá, vàng, rụng lá,… dẫn tới cây trồng có thể bị chết. Như vậy, để bảo vệ cây trồng trong các đợt rét hại bà con nên căn cứ thực tế, khả năng cũng như đối tượng cụ thể để lựa chọn biện pháp phù hợp.
Cụ thể, đối với lúa cần giữ mực nước trong chân ruộng 3-5 cm, ngưng bón đạm, tăng bón lân NPK cho lúa với liều lượng phù hợp; đối với rau màu thì bón thêm tro, trấu, phủ ni lông, che bằng lưới đen. Nếu sương muối dày mà ngày không có mưa thì phải bơm tưới để rửa lá, tránh gây cháy lá, thối rễ.
"Theo dự báo, thì đợt rét này sẽ kết thúc trong vài ngày tới, thời tiết nắng ấm trở lại và sau đó lại có đợt rét sâu, thời tiết nắng ấm – mưa rét xen kẽ, rất thuận lợi để sâu bệnh gây hại phát triển, bà con cần chú ý theo dõi để có phương pháp phòng trừ kịp thời” - đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo.