Nông dân Nghệ An đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ

Thanh Phúc 29/05/2022 11:40

(Baonghean.vn) - Gần 1.600 câu hỏi của nông dân cả nước gửi đến người đứng đầu Chính phủ. Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại với nông dân các nội dung: Nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao; Vấn đề đất đai và cơ chế để nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất...

Sáng 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4, tổ chức tại Sơn La.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành điều hành Hội nghị đối thoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham gia hội nghị có các đồng chí Bộ trưởng các ngành; 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 12 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và 62 điểm cầu tại các địa phương trong cả nước.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham gia còn có các sở, ngành, đại diện hội viên nông dân và HTX trên địa bàn tỉnh.

8 nhóm vấn đề được đưa ra tại hội nghị đối thoại

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" là sự kiện chính trong chuỗi hoạt động được tổ chức tại tỉnh Sơn La.

Đây là diễn đàn để các đại diện nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhất là quá trình thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19; việc thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chi phí đầu vào như: Vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu tăng phi mã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Vụ Xuân năm 2022, giá dịch vụ máy gặt tăng cao do giá dầu tăng mạnh. Ảnh: Thanh Phúc

Thông qua Ban tổ chức hội nghị, đã có gần 1.600 câu hỏi gửi đến người đứng đầu Chính phủ. Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại với nông dân các nội dung: Nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao; Vấn đề đất đai và cơ chế để nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất.

Các vấn đề về thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp; Vấn đề về vốn, tín dụng; môi trường nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; di cư lao động từ nông thôn lên thành phố gắn với câu chuyện ly nông không ly hương; Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp... cũng được trao đổi thẳng thắn.

Đặc biệt, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4 này có nhiều điểm mới như: Có sự tham gia của các HTX, chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đặt câu hỏi, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến chính sách tam nông, tham mưu, quyết sách giải quyết bất cập hiện nay…

Thu hút doanh nghiệp đầu tư và chế biến là vấn đề mà nông dân quan tâm hiện nay. Ảnh: Thanh Phúc

Tại hội nghị, Thủ tướng và đại diện các bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp các băn khoăn, vướng mắc của nông dân; chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; các kiến nghị, đề xuất của nông dân, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ được tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định để đưa ra các chính sách, giải pháp đồng bộ, hợp lý, sát thực tiễn nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

10 kiến nghị của nông dân Nghệ An gửi đến hội nghị

Đại diện hội viên nông dân, các hộ sản xuất, kinh doanh tham gia hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc

Để tham gia hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp Hội lấy ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh. Theo đó, có 44 nguyện vọng, kiến nghị, Hội Nông dân tỉnh đã tổng hợp 10 ý kiến để đề xuất tại hội nghị.

Theo đó, các kiến nghị tập trung vào những nội dung: Chính sách hỗ trợ bình ổn giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu; Vấn đề quản lý chất lượng phân bón, nạn sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng; Các giải pháp để thúc đẩy liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Thu hút đầu tư vào nông nghiệp; Vấn đề quy hoạch vùng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; Vấn đề hỗ trợ nông dân khi thu hồi đất sản xuất…

Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chăn nuôi cần được đẩy mạnh, nhân rộng. Ảnh: Thanh Phúc

Tham gia chuỗi sự kiện lần này, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa 942 sản phẩm trên địa bàn lên sàn posmat và lựa chọn gần 100 sản phẩm của 7 đơn vị doanh nghiệp tham gia 4 gian hàng tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP ở Sơn La.

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO