Kinh tế

Nông dân Nghệ An dùng drone phun thuốc dập dịch sâu cuốn lá trên diện rộng

Văn Trường 20/07/2025 15:50

Những ngày vừa qua, tình hình dịch sâu cuốn lá nhỏ có xu hướng gia tăng mạnh ở địa bàn Nghệ An. Ngành chuyên môn đã khẩn trương chỉ đạo, khuyến cáo chính quyền địa phương và bà con nông dân tăng cường theo dõi, chủ động phòng trừ sâu.

Dịch sâu cuốn lá bùng phát trên diện rộng

van truong m467
Các loại sâu cuốn lá, sâu đục thân trên cánh đồng xã Quan Thành. Ảnh: Văn Trường

Nguyên nhân chính được xác định là do thời tiết thời gian qua diễn biến bất thường, mưa nắng xen kẽ, độ ẩm cao, tạo điều kiện lý tưởng cho sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và phát triển trên diện rộng.

Tại xã Quan Thành (huyện Yên Thành cũ), ông Nguyễn Xuân Tăng – một hộ nông dân có hơn 5 sào lúa hè thu cho biết: "Gần một tuần nay sâu cuốn lá xuất hiện khá dày, đặc biệt ở những ruộng trũng thấp. Gia đình tôi đã phải phun thuốc ngay tại các diện tích bị sâu gây hại mạnh, đồng thời theo dõi sát tình hình để xử lý kịp thời".

van truong 4
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Yên Thành kiểm tra tình hình sâu bệnh trên địa bàn. Ảnh: Văn Trường

Không riêng hộ ông Tăng, nhiều nông dân tại các xã lân cận cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Tình hình dịch hại còn ảnh hưởng đến công việc chăm sóc và chi phí sản xuất trong giai đoạn cao điểm của vụ hè thu.

Bà Nguyễn Thị Hoa, chuyên viên Phòng Kinh tế xã Yên Thành cho biết, toàn xã có khoảng 1.000 ha hè thu, trong đó có trên 150 ha bị nhiễm sâu cuốn lá, chủ yếu là sâu ở tuổi 1 - 3, làm tổ ở phần lá non (lá đòng), nằm sâu dưới tán. Chính vì thế, việc phòng trừ cần được thực hiện sớm, đúng thời điểm để đạt hiệu quả cao.

van truong 5
Xã Quan Thành sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Ảnh: Văn Trường

Trước thực trạng đó, xã Quan Thành đã phối hợp cùng các hợp tác xã nông nghiệp tiến hành khoanh vùng, sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, trên địa bàn xã đã phun được hơn 150 ha, đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích phòng trừ, kết hợp xử lý cả sâu đục thân, rầy nâu và khô vằn bằng các loại thuốc đặc hiệu như Vitaco, Prevathon 5SC, Virtako 40WG…

Ông Nguyễn Trọng Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Yên Thành cho biết: “Từ đầu tháng 7 đến nay, trên khu vực do trung tâm phụ trách gồm 9 xã, với tổng diện tích lúa hè thu hơn 10.000 ha, trong đó đã ghi nhận trên 500 ha bị sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện và gây hại. Mật độ phổ biến từ 5 – 10 con/m2, nơi cao lên tới 20 – 40 con/m2, tập trung chủ yếu trên trà lúa cuối đẻ nhánh – phân hóa đòng. Chúng tôi đã tổ chức phun thuốc phòng trừ khẩn cấp được trên 200 ha và đang tiếp tục triển khai phun khoanh vùng dập dịch và triển khai các biện pháp đồng bộ để kiểm soát dịch”.

van truong rt
Một số diện tích lúa tại cánh đồng xã Quảng Châu bị sâu cuốn lá gây hại. Ảnh: Văn Trường

Tại xã Quảng Châu, sâu cuốn lá đang gây hại trên diện tích khá lớn, khiến nhiều hộ nông dân phải khẩn trương triển khai các biện pháp phòng trừ. Ông Nguyễn Xuân Hải – một hộ dân tại xã này cho biết: Gia đình ông canh tác 5 sào lúa hè thu, hiện không chỉ bị sâu cuốn lá mà còn xuất hiện sâu đục thân. Nhờ được chính quyền xã hướng dẫn kịp thời, gia đình đã tiến hành phun thuốc đặc trị theo đúng khuyến cáo để ngăn chặn sâu bệnh lây lan.

Bà Đinh Thị Trang - Trường phòng Kinh tế xã Quảng Châu cho biết: Toàn xã có trên 700 ha lúa thì có trên 550 ha bị nhiễm sâu cuốn lá. Trước tình hình đó, từ ngày 13/7 đến nay, xã đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống đồng ruộng, phối hợp cùng bà con khoanh vùng, hướng dẫn phun thuốc đúng loại, đúng thời điểm. Đồng thời, người dân cũng được tư vấn kết hợp các biện pháp chăm sóc kỹ thuật như bón thúc cân đối, tỉa dặm, tạo điều kiện cho cây lúa trong giai đoạn đẻ nhánh – đứng cái phát triển ổn định, đảm bảo năng suất vụ hè thu.

Nông dân xã Quảng Châu đang phun thuốc phòng chống sâu cuốn lá. Ảnh: Văn Trường
Nông dân xã Quảng Châu phun thuốc phòng chống sâu cuốn lá. Ảnh: Văn Trường

Đẩy mạnh điều tra, dự báo dịch hại, bảo vệ lúa hè thu

Ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cho biết: “Toàn tỉnh hiện đã gieo cấy hơn 77.000 ha lúa vụ hè thu – mùa. Trong đó, hơn 4.000 ha đã ghi nhận nhiễm sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 (chủ yếu tuổi 1–2) đang phát sinh và gây hại gồm các xã: Quỳnh Anh, Quỳnh Lưu, Quỳnh Phú, Yên Trung, Hưng Nguyên, Đông Thành, Yên Thành, Hợp Minh, Minh Châu, Quảng Châu, Kim Liên, Vạn An, Đại Huệ Đô Lương… Hiện chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương chủ động khoanh vùng, phun thuốc khẩn trương nhằm ngăn chặn dịch lan rộng”.

Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Nghệ An cũng đã phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, phối hợp với các bộ chuyên môn các địa phương trực tiếp điều tra, giám sát và hướng dẫn xử lý tại chỗ cho bà con. Đồng thời, các địa phương được yêu cầu tăng cường công tác điều tra, dự báo, cảnh báo sớm và khuyến cáo phòng trừ phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Chi cục hướng dẫn, đối với sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng và các bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, nông dân cần thực hiện chăm bón cân đối, đúng kỹ thuật, tuyệt đối tránh bón thừa đạm hoặc bón lai rai. Khi bệnh xuất hiện, cần phun thuốc phòng sớm bằng một trong các loại thuốc có hoạt chất như: Oxolinic acid (Starner 20WP), Bronopol (Xantoxin 40WP, Totan 200WP), Bismerthiazol (Xanthomix 20WP), Ningnamycin (Bonny 4SL, Kozuma 5WP), Kasugamycin (Kasumin 2SL)... Thuốc cần được phun đều trên toàn bộ ruộng, lặp lại lần 2 sau 5–7 ngày nếu tỷ lệ bệnh phổ biến đạt 3–5%. Lưu ý không sử dụng phân đạm, chất kích thích sinh trưởng hoặc phân bón lá trên diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh.

Với bệnh khô vằn, từ giai đoạn lúa làm đòng trở đi, nếu có từ 10% dảnh lúa bị nhiễm, cần giữ đủ nước trong ruộng và tiến hành phun thuốc bằng một trong các loại có hoạt chất: Validamycin (Jinggang meizu 5–10WP, Validacin 3–5L, Vida 5WP), Hexaconazole (Anvil 5SC…) theo đúng liều lượng khuyến cáo.

van truong 2
Cán bộ chuyên môn Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Yên Thành điều tra tình hình sâu bệnh tại cơ sở. Ảnh: Văn Trường

Dự báo khi lúa hè thu bước vào giai đoạn cuối đẻ - phân hóa đòng, thời tiết tiếp tục bất lợi, khả năng cao sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh tiếp tục phát sinh, gây hại trên diện rộng. Đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu... đều có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả và kịp thời.

Để bảo vệ an toàn cho sản xuất lúa hè thu 2025, ngành nông nghiệp Nghệ An khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh chính như sâu cuốn lá, rầy nâu, sâu đục thân… phát hiện sớm và phối hợp với ngành chuyên môn xử lý kịp thời.

Chính quyền các địa phương cũng cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, bảo đảm an toàn môi trường. Đồng thời, tận dụng tốt hệ thống thiết bị bay không người lái để nâng cao hiệu quả phòng trừ trên diện rộng.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An dùng drone phun thuốc dập dịch sâu cuốn lá trên diện rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO