Nông dân Nghệ An phải thể hiện rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Thanh Phúc 22/07/2021 12:41

(Baonghean.vn) - Đó là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại hội nghị trực tuyến sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh Nghệ An khóa IX, do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

Sáng 22/7, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh Nghệ An khóa IX, nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Ngọc Kim Nam, Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số ban ngành cấp tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Tạo nguồn vốn vay, giúp hội viên phát triển kinh tế

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã thông qua báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2018- 2023. Theo báo cáo, sau gần 3 năm thực hiện Nhị quyết đại hội, các cấp Hội đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, đạt hiệu quả cao.

Về công tác xây dựng tổ chức hội, tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh kết nạp được 26.584 hội viên. Tổng số hội viên đến nay là 501.153 hội viên, tỷ lệ tập hợp hội viên so với hộ nông dân đạt 78,47.%. Tính đến ngày 30/6/2021, toàn tỉnh đã thành lập được 19 chi hội nông dân nghề nghiệp, 355 tổ hội nông dân nghề nghiệp.

đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cấp Hội Nông dân đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cấp Hội Nông dân đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua. Ảnh: Thanh Phúc

Nhằm hỗ trợ hội viên có vốn phát triển kinh tế, Hội đã đứng ra vay ủy thác từ các kênh ngân hàng, các nguồn đầu tư. Tính đến nay, tổng dư nợ nhận ủy thác do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An quản lý đạt 2.798 tỷ đồng với gần 70 nghìn hộ vay vốn; tổng nguồn vốn hỗ trợ nông dân là gần 76 tỷ đồng, tăng 43,5% so với đầu nhiệm kỳ. Các mô hình vay vốn đều phát triển tốt, tăng thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, cho thu nhập bình quân của mỗi lao động thường xuyên từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, trong nửa nhiệm kỳ qua, các cấp hội nông dân đã trực tiếp và phối hợp mở 682 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 22.512 lao động nông thôn; có trên 78% học viên sau học nghề đã tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới; xây dựng được 1.036 mô hình kinh tế phát triển có hiệu quả.

Đặc biệt, hàng năm các cấp hội đã tuyên truyền vận động được 60% hộ gia đình hội viên nông dân đăng ký trở thành hộ nông dân SXKD giỏi, trong đó số hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt 50%.

Từ phong trào thi đua SXKD giỏi đã xuất hiện hàng trăm mô hình kinh tế có hiệu quả góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Hàng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm giúp đỡ cho trên 150.155 lao động có việc làm; giúp đỡ có hiệu quả 88.089 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.

Ý kiến tham luận của đầu cầu Cửa Lò. Ảnh chụp màn hình: Thanh Phúc
Ý kiến tham luận của đầu cầu Cửa Lò. Ảnh chụp màn hình: Thanh Phúc

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tính từ năm 2019 đến nay các cấp hội trong tỉnh đã tuyên truyền vận động nông dân đóng góp được 1.641.832 triệu đồng; làm mới, sửa chữa được 1.364,75 km đường giao thông nông thôn, 1.176,9 km kênh mương các loại, cải tạo nâng cấp hàng trăm công trình thủy lợi như bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi từ các điểm cầu: Kỳ Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Cửa Lò, Nghĩa Đàn... Các ý kiến tập trung về việc nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội; Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong việc liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; Cách gây quỹ hội từ việc tổ chức hội đứng ra nhận ruộng canh tác; Kinh nghiệm phát huy quỹ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế...

Phát huy vai trò chủ thể trong thực hiện Chương trình Quốc gia xây dựng NTM

Trong thời gian tới, các cấp hội xác định rõ nhiệm vụ, vai trò của mình là vận động nông dân phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Theo đó, các cấp Hội tập trung đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nông dân dồn điền đổi thửa, áp dụng các tiến bộ KHKT, đầu tư nguồn lực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, kinh doanh để từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của hội viên, nông dân từ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát sang hướng liên doanh, liên kết hợp tác, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.

Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, dạy nghề, tập huấn chuyển giao KHKT... để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong quá trình xây dựng NTM, Hội Nông dân các cấp thể hiện rõ vai trò chủ thể của mình, xây dựng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh tư liệu PV
Trong quá trình xây dựng NTM, Hội Nông dân các cấp thể hiện rõ vai trò chủ thể của mình, xây dựng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh tư liệu: PV

Đồng thời, tích cực triển khai hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, nông dân. Tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm, kiến thức bán hàng, nhất là bán hàng online để nông dân đưa nông sản lên sàn, mở rộng kênh tiêu thụ nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện tiêu chí về kinh tế tập thể trong xây dựng NTM, Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Đề án Hội Nông dân tham gia phát triển tổ hợp tác giai đoạn 2019- 2023” gắn xây dựng mô hình kinh tế tập thể với xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Trong đó, chú trọng đến việc xây dựng các sản phẩm OCOP được gắn sao do hội viên nông dân làm chủ thể...

Nhiều nơi, nông dân thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều nơi, nông dân thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Thanh Phúc

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cấp Hội Nông dân đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua. Về giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, các cấp Hội Nông dân cần chú trọng vào các vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần quan tâm vấn đề tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi tư duy sản xuất, hình thành tư duy thị trường hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp;

Thứ hai, xây dựng mối liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp;

Thứ ba, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn nhu cầu thực tiễn cho hội viên, dạy những nghề hội viên cần, xã hội cần, dạy nghề đi đôi với giải quyết việc làm;

Thứ tư, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới gắn với các đề án về môi trường, về tiêu thụ nông sản, về tổ hợp tác nông dân…

Nông dân Nghệ An phải thể hiện rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO