Nông dân Nghệ An phấn khởi vì giá cao su lập đỉnh
Hiện nay, đang vào giai đoạn cuối vụ khai thác mủ cao su, nông dân Nghệ An phấn khởi vì giá cao su “lập đỉnh”, tăng cao ổn định trong thời gian dài.
Cao su tăng giá ổn định
![van truong 3](https://bna.1cdn.vn/2025/02/09/bna_van-truong-3.jpeg)
Những ngày đầu xuân, tại xã Tân Long, Tân Kỳ, bà con đang tích cực khai thác mủ cao su. Bà Lê Thị Lan, một chủ hộ vườn cao su ở xã Tân Long cho biết: Gia đình hiện có trên 2 ha cao su, trong năm 2023, có những thời điểm phải ngừng khai thác do giá quá rẻ. Tuy nhiên, từ tháng 7/2024 đến nay, giá mủ cao su bỗng liên tiếp tăng giá, từ chỗ giá mủ chỉ đạt 13.000-15.000 đồng/kg (mủ tươi qua cán) thì nay tăng lên từ 23.000-25.000 đồng/kg, giá đã lập đỉnh thời hoàng kim như trước đây.
Ông Nguyễn Quốc Mão - Phó Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Sông Con cho biết: Đơn vị hiện có trên 700 ha cao su (của trên 1.000 hộ dân trồng cao su), chủ yếu tập trung ở 2 xã Tân Phú và xã Tân Long. Trước đây giá thấp, đơn vị chỉ thu mua từ 10-15 tấn mủ/tháng. Do khai thác mủ không đủ trả chi phí thuê nhân công nên người dân ngừng khai thác, thậm chí xin chuyển đổi thay thế từ cây cao su sang cây trồng khác như mía, keo…
![bna_van-truong-m2344-c79328b3ebc7efc7d947df0e62870087(1).jpeg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/09/bna_van-truong-m2344-c79328b3ebc7efc7d947df0e62870087(1).jpeg)
Hiện giá mủ cao su tăng giá cao nhưng ổn định kéo dài nên người trồng cao su ở địa phương rất phấn khởi, qua đó, mạnh dạn chăm sóc, bón phân nhằm mang lại năng suất mùa vụ cao. Những ngày qua, nhà máy hoạt động hết công suất, đạt gần 70 tấn mủ/tháng. Dự kiến trong năm 2025, công ty chế biến tiêu thụ được 400 tấn cao su thành phẩm (tăng hơn năm trước 160 tấn).
Tại địa bàn huyện Nghĩa Đàn, bà con đang tích cực kết thúc vụ khai thác mủ cao su. Ông Trần Văn Tình ở xã Nghĩa Minh cho biết: Gia đình làm gần 2,5 ha cao su, với giá mủ cao như hiện nay đạt thu nhập 55-60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, người dân rất mong giá cao su tăng cao nhưng cần ổn định để có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH -MTV Cà phê - Cao su Nghệ An cho biết: Đơn vị có trên 1.800 ha cao su chủ yếu tập trung ở huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa. Trước đây, giá xuống thấp nhưng 8 tháng qua giá cao su tăng cao và ổn định.
Nhà máy chế biến đạt trên 300 tấn/tháng (cho ra trên 1.200 tấn cao su thành phẩm). Sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
![bna_van-truong-2-0cf60123fa18d132a7024fc546bdd3f2(1).jpeg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/09/bna_van-truong-2-0cf60123fa18d132a7024fc546bdd3f2(1).jpeg)
Giá mủ cao su tăng cao như vậy, người trồng cao su đã có lãi và yên tâm để chăm sóc vườn cây. Theo đó, Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quy trình cạo mủ, khuyến cáo người dân tập trung chăm sóc vườn cao su đang kỳ thu hoạch và sau thu hoạch.
Theo tìm hiểu, cuối năm 2024 và đầu năm 2025 có những thời điểm cao su “cháy hàng” một số tư thương vào Nghệ An cạnh tranh để mua hàng. Ông Nguyễn Văn Thuật - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH MTV 1/5 (Nghĩa Đàn) cho biết: Đơn vị có nhà máy chế biến cao su, nhưng do diện tích vùng nguyên liệu quá ít, không đáp ứng được cho nhà máy chế biến mủ cao su, nên chúng tôi phải đi mua mủ cao su ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh khác với giá cao hơn. Dù vậy vẫn khó mua do có nhiều tư thương khác vào cạnh tranh, vì vậy năm nay sản lượng chế biến đạt thấp chỉ được 500 tấn cao su thành phẩm.
Cần đầu tư nhà máy chế biến sâu mủ cao su
![bna_van-truong-1-911e842898e44e7373f99d94a0273da2(1).jpeg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/09/bna_van-truong-1-911e842898e44e7373f99d94a0273da2(1).jpeg)
Nghệ An hiện có trên 10.000 ha cao su, tập trung chủ yếu ở các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quế Phong, hàng năm sản xuất được khoảng trên 6.500 tấn cao su sơ chế. Mặc dù cao su ở Nghệ An đang tăng giá, vẫn đang còn những hạn chế, như hầu hết hệ thống máy móc của các nhà máy chế biến mủ cao su đều có tuổi thọ quá lâu, máy móc cũ kỹ và lạc hậu, vì thế chất lượng sản phẩm chưa cao.
Một số lô hàng cao su khi xuất bán đi các nước đã bị trả lại, do bị lỗi dính tạp chất. Hầu hết các sản phẩm mủ được các tư thương thu mua được đưa về chế biến tại các nhà máy chế biến mủ cao su hiện đại ở Quảng Trị, Bình Dương… Sau khi chế biến, phân loại, thường xuất khẩu đi châu Âu nên giá cao hơn, qua chế biến có thể bán với giá cao hơn 36.000 đồng/kg.
Vì vậy, để cây cao su phát triển hiệu quả, ngoài việc tập trung thâm canh, nâng cao hiệu quả của những vườn cây hiện có Nghệ An cần thu hút dự án đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến mủ cao su theo hướng chuyên sâu, nâng cao chất lượng, sản phẩm mủ; cần ưu tiên xây dựng một nhà máy chung với quy mô lớn nhằm thu mua chế biến mủ nguyên liệu cho cả tỉnh.