Nông dân Nghệ An phòng chống dịch bệnh cho tôm vào mùa mưa

19/08/2017 10:38

(Baonghean.vn) - Sau nắng gắt, bước vào mùa mưa, tôm mắc nhiều bệnh nguy hiểm do thời tiết thay đổi đột ngột. Hiện các hộ nuôi tôm ở Quỳnh Lưu đang chủ động nhiều biện pháp phòng chống.

Gia đình anh Lương Văn Tứ ở xã Quỳnh Lương có 3 ao nuôi tôm với diện tích 1 ha. Trong số 3 ao đó, anh dành 2 ao để nuôi tôm, còn lại làm ao lắng để xử lý nước trước khi đưa vào ao.

Sau khi thu hoạch tôm vụ 1, ngày 15/7, gia đình anh tiếp tục thả 25 vạn con tôm giống vụ 2 trên diện tích ao 2.800 m2. Sau hơn 1 tháng thả nuôi, tôm đạt 300 con/kg, dự kiến sẽ thu hoạch vào đầu tháng 10.

Anh Lương Văn Tứ ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) tăng cường dinh dưỡng giúp tôm ăn nhiều mồi, tiêu hóa tốt trong mùa mưa. Ảnh Việt Hùng
Anh Lương Văn Tứ ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) tăng cường dinh dưỡng giúp tôm ăn nhiều mồi, tiêu hóa tốt trong mùa mưa. Ảnh: Việt Hùng

Hai ngày qua, trời bắt đầu mưa, và đây là điều kiện phát sinh các dịch bệnh ở tôm do thời tiết thay đổi từ nắng nóng sang mưa lạnh. Để phòng bệnh cho tôm, anh Tứ thường xuyên kiểm tra ao để điều tiết mức nước trong ao phù hợp; đảm bảo lượng ô xy hòa tan đầy đủ; đặc biệt hạn chế không để nước mưa chảy xuống ao nuôi.

“Vào mùa mưa, tôm thường bị "stress" do thời tiết thay đổi đột ngột, điều này làm cho tôm yếu, giảm sức đề kháng và dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Người nuôi tôm cần hiểu rõ các biện pháp, thường xuyên theo dõi thời tiết để phòng ngừa”- anh Tú nói.

Điều tiết ô xy hòa tan là giải pháp hữu hiệu phòng bệnh cho tôm trong mừa mưa. Ảnh Việt Hùng
Điều tiết ô xy hòa tan là giải pháp hữu hiệu phòng bệnh cho tôm trong mùa mưa. Ảnh: Việt Hùng

Theo kế hoạch năm 2017, toàn huyện Quỳnh Lưu sẽ thả khoảng 642 ha diện tích tôm, tính đến ngày 18/8, bà con ở các địa phương đã thả được 700 ha tôm vụ 1 và vụ 2; vượt kế hoạch đề ra. Trong đó tôm vụ 2 thả được hơn 250 ha. Dự kiến, nhiều hộ nuôi ở xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương.. sẽ thu hoạch tôm vụ 2 trong khoảng từ 30 - 45 ngày tới.

Tuy nhiên trong điều kiện thời tiết thay đổi từ nắng sang mưa và ngược lại sẽ khiến nhiệt độ ao nuôi thay đổi làm cho tôm bị “stress”, sốc, đó là cơ hội để nhiều loại bệnh phát triển. Các dấu hiệu tôm mắc bệnh vào mùa mưa như: tôm vùi mình, tiêu hóa thức ăn và bắt mồi kém, dễ mắc các bệnh như vi khuẩn nấm, bệnh phân trắng... Nhằm hạn chế các dịch bệnh xảy ra ở tôm, các địa phương đang tích cực chỉ đạo bà con cần bám nắm kỹ thuật, theo dõi thời tiết để chủ động phòng bệnh.

Người dân xử lý vôi bột hòa xuống ao nuôi và rải trên bờ tránh dịch bệnh cho tôm. Ảnh Việt Hùng
Người dân xử lý vôi bột hòa xuống ao nuôi và rải trên bờ tránh dịch bệnh cho tôm. Ảnh: Việt Hùng

Ông Bùi Xuân Trúc- Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, trong điều kiện thời tiết có những diễn biến thất thường dễ gây ra một số loại bệnh nguy hiểm ở tôm. Nếu người dân không chủ động phòng tránh thì tôm rất dễ nhiễm bệnh. Để phòng ngừa cho tôm, ngoài đảm bảo mực nước trong ao hợp lý, bà con cần sử dụng vôi bột xử lý nước trong ao hoặc rải trên bờ; dùng túi vôi treo ở đầu nguồn nước cấp vào để hạn chế dịch bệnh xâm nhập. Vớt bỏ thức ăn thừa, vệ sinh khu vực cho ăn, sàng ăn, dụng cụ cho ăn đề phòng nấm mốc,... sẽ hạn chế được những tác động xấu của thức ăn thừa, nhất là khi trời mưa.

“Thuốc kháng sinh và hóa chất cũng có thể là một lựa chọn trong thời điểm này để dùng phòng ngừa và trị bệnh phát triển trong mùa mưa ở tất cả các giai đoạn của tôm. Tuy nhiên, sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về liều lượng, đối tượng điều trị, đặc biệt là không sử dụng các loại thuốc trong danh mục cấm” - ông Trúc khuyến cáo bà con./.

Việt Hùng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nông dân Nghệ An phòng chống dịch bệnh cho tôm vào mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO