Kinh tế

Nông dân Nghệ An sáng chế máy sấy lúa từ ký ức đói nghèo

Thanh Phúc 28/05/2025 10:39

Cuối tháng 5/2025, ông Trần Hoài Nam ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã cho ra đời chiếc máy sấy lúa đầu tiên ở địa phương. Không phải phòng thí nghiệm, cũng chẳng phải nhà xưởng hiện đại, mà chính từ sân nhà, nông dân này đang dần hiện thực hóa giấc mơ nâng cao giá trị hạt gạo quê hương bằng chiếc máy sấy do mình sáng chế.

Clip: Thanh Phúc

Ở tuổi 60, ông Trần Hoài Nam vẫn lấm lem bùn đất, xắn tay áo giữa sân, nhưng trong mắt bà con, ông là “kỹ sư của làng”. Vốn là một người lính quân khí, sau khi rời quân ngũ, ông Nam từng làm nghề sửa chữa ô tô ở thành phố Vinh, rồi về quê sản xuất nông nghiệp. Nhưng trong ông luôn đau đáu một điều, đó là thời đói khổ, vào mùa giáp hạt, lúa trên đồng chỉ chín bói đôi bông, cha mẹ ông gặt tỉa từng nhánh, tuốt bằng tay, bắc chảo rang từng hạt để lấy gạo nấu cơm chống đói.

bna_2(3).jpg
Ông Trần Hoài Nam kể về thời gian khổ vào mùa giáp hạt và ý tưởng về máy sấy lúa. Ảnh: T.P

“Hồi ấy, rang gạo bằng chảo gang, rồi giã bằng chày, cơ cực lắm. Nhưng kỳ lạ là cơm nấu từ gạo rang ấy lại ngon, thơm hơn gạo phơi ngoài nắng”, ông Nam kể lại, ánh mắt xa xăm. Sau này, có dịp đi nhiều nơi, từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Thái Lan, ông nhận ra một điểm chung: Chất lượng gạo ngon phụ thuộc rất lớn vào công nghệ sấy sau thu hoạch.

Nghĩ là làm, năm 2024, ông bắt tay nghiên cứu chế tạo máy sấy lúa – điều mà ít người tin một nông dân có thể làm được. Không vốn, không bản thiết kế chuẩn, cũng chẳng có thiết bị công nghệ hiện đại, ông mày mò học từng nguyên lý, xem video trên mạng, chụp lại mô hình máy sấy của các nhà máy, ghi chú tỉ mỉ vào từng trang vở cũ và thử nghiệm.

“Khó của người nông dân làm sáng chế không phải là tư duy mà là vốn và thiết kế, còn lại, chỉ cần nắm được nguyên lý là làm được”, ông Nam chia sẻ.

bna_3(4).jpg
Ông tự lên ý tưởng, tự thiết kế, tự gò, hàn, lắp ráp và vận hành. 1 năm ròng rã, cuối cùng chiếc máy sấy lúa tự chế của ông cũng đi vào hoạt động. Ảnh: T.P

Suốt 1 năm trời, sân nhà ông không ngày nào ngớt tiếng máy cắt, mùi khói hàn, đống sắt vụn xếp chồng. Ông gò, hàn, lắp ráp, chạy thử, rồi lại tháo ra chỉnh sửa. Đến cuối tháng 5/2025, chiếc máy sấy lúa đầu tiên của ông chính thức vận hành trơn tru. Không ai ngờ, chiếc máy của ông lại được “thử lửa” đúng lúc Nghệ An hứng chịu những đợt mưa trái mùa kéo dài, khiến hàng loạt diện tích lúa không thể phơi, ẩm mốc, thậm chí mọc mầm.

Khi người dân đang gồng mình lên để cứu lúa thì chiếc máy sấy của ông Nam trở thành “phao cứu sinh”. “Khi nghe tin ông Nam chế thành công máy sấy, ai cũng mừng rỡ. May nhờ máy của ông, 5 tấn lúa nhà tôi thoát cảnh mọc mầm”, bà Nguyễn Thị Hương ở xóm Hùng Sơn, xã Kim Liên cho biết.

bna_may.jpg
Chiếc máy sấy có công suất 1,5 tấn/mẻ, thời gian sấy 4 tiếng/mẻ. Ảnh: T.P

Máy sấy lúa của ông Nam có công suất 1,5 tấn mỗi mẻ, thời gian sấy 4 tiếng, dùng nhiên liệu than củi, nhưng được thiết kế thu nhiệt khép kín, không tạo khói, không ô nhiễm môi trường. Lò sấy có hệ thống quạt thổi hơi nóng, đi qua biến tần, hút ẩm để làm khô đều hạt lúa. Mỗi mẻ chỉ tiêu tốn khoảng 15 kg củi và vài số điện, chi phí thấp hơn nhiều so với các loại máy sấy trên thị trường.

Ông Nguyễn Đức Thuận – một tư thương chuyên thu mua, xuất khẩu gạo chia sẻ: “Tôi mang mẻ lúa đầu tiên sấy thử bằng máy của ông Nam. Kết quả không ngờ: Lúa đạt độ ẩm lý tưởng, gạo thơm, dẻo, chắc hạt, đẹp mã và lợi gạo hơn phơi nắng. Nếu thêm cơ chế đổ – ra lúa tự động thì quá tuyệt”.

bna_5(1).jpg
Nhiên liệu đầu vào là củi, than. Ảnh: T.P

Giữa lúc máy vừa chạy thử, cả làng kéo đến xem, ai cũng trầm trồ. Người mang bao lúa chờ sấy, người chụp ảnh, quay video chia sẻ. Ông Nam thì vừa vận hành máy, vừa tranh thủ chỉnh nhiệt, theo dõi đồng hồ, không để quá lửa hay thiếu hơi. Vận hành quá tải, không có nhân công phụ, nhưng ông Nam vẫn không từ chối bà con nào. Bởi ông hiểu, mỗi hạt lúa là công sức cả mùa vụ, để lúa hấp hơi, nảy mầm vì mưa mà đổ bỏ thì xót xa lắm.

Không chỉ dừng lại ở giải pháp kỹ thuật, máy sấy còn thay đổi nhận thức canh tác, bảo quản sau thu hoạch cho bà con. “Độ ngon của gạo là nhờ vào lớp cám. Khi sấy đúng cách, cám gạo hóa tinh dầu, thấm vào trong, làm gạo dẻo, thơm hơn. Sấy còn giúp diệt mầm, chống mối mọt, tăng thời gian bảo quản”, ông Nam phân tích.

bna_1(3).jpg
Người dân huyện Nam Đàn phấn khởi khi trên địa bàn có máy sấy lúa, giúp bảo quản nông sản sau thu hoạch, đồng thời, nâng chất lượng gạo. Ảnh: T.P

Ông Trần Văn Thiện – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Liên khẳng định: “Sáng chế máy sấy của ông Nam là bước tiến lớn với nông dân vùng lúa. Trong mùa mưa, nếu không có lò sấy, hàng trăm tấn lúa có thể hư hỏng. Chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị công nhận ông là ‘Nhà khoa học của nhà nông”.

Còn ông Nam, sau 1 năm ròng mày mò sáng chế, chỉ mong muốn giản dị: “Hiện máy đang vận hành thử và hoàn thiện dần. Tôi sẵn sàng chia sẻ toàn bộ thiết kế, quy trình vận hành máy sấy lúa. Chỉ mong mỗi xóm, mỗi hợp tác xã có 1 máy sấy như thế, để bà con không còn lo mùa mưa hạt lúa đổi màu trên sân, và gạo quê mình có thể vươn xa hơn”.

sấy 2
Nông dân huyện Nam Đàn đưa lúa đến sấy tại lò sấy của ông Nam. Ảnh: T.P

Giữa thời tiết thất thường, giữa cánh đồng còn loay hoay với chuyện “được mùa, mất giá – được giá, mất mùa”, sáng chế của ông Nam không chỉ làm khô lúa mà còn minh chứng rằng, người nông dân hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, và tạo ra giá trị từ chính mảnh ruộng quê mình.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An sáng chế máy sấy lúa từ ký ức đói nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO