Kinh tế

Nông dân Nghệ An tích cực phòng trừ sâu bệnh hại lúa ở giai đoạn cao điểm

Phú Hương 02/04/2025 14:36

Hiện lúa vụ Xuân đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng, là thời kỳ rất nhạy cảm với các loại sâu bệnh hại. Đặc biệt, sau đợt mưa rét cuối tháng 3, đầu tháng 4, ẩm độ không khí cao, khả năng các đối tượng phát sinh gây hại mạnh là rất lớn.

Tiềm ẩn nguy cơ phát sinh gây hại mạnh

Ra ruộng phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cho 3 sào lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, bà Nguyễn Thị An ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành cho biết, bà phát hiện lúa có dấu hiệu của bệnh đạo ôn lá từ ngày 20/3. “Từ nay đến cuối vụ, lúa rất hay bị bệnh đạo ôn, khô vằn và nhất là chuột hại rất nhiều”, bà An lo lắng.

 Hiện tại, lúa Xuân của Yên Thành đang ở giai đoạn đứng cái- làm đòng. Ảnh- Phú Hương
Hiện tại, lúa vụ Xuân của huyện Yên Thành đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng. Ảnh: Phú Hương

Hiện nay, 12.790 ha lúa vụ Xuân của huyện Yên Thành đang ở giai đoạn phân hóa đòng, dự kiến lúa trà sớm sẽ trổ từ ngày 7- 15/4. Thời gian qua, trên đồng ruộng đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại như chuột, bệnh vàng lá, xám nâu, bệnh khô vằn, đạo ôn lá…

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Trước dự báo từ nay đến cuối vụ có nhiều điều kiện thuận lợi để các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh gây hại mạnh, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, dự tính, dự báo kịp thời để hướng dẫn nông dân phòng trừ, bảo vệ tốt năng suất lúa vụ Xuân.

Trên một số diện tích lúa của huyện Yên Thành đã xuất hiện hiện tượng vàng lá. Ảnh: Phú Hương
Lãnh đạo tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại huyện Yên Thành. Ảnh: Phú Hương

Mặc dù sâu bệnh hại lúa mới chỉ xuất hiện rải rác trên địa bàn một số xã gieo cấy sớm như Minh Châu, Diễn Nguyên, Diễn Thái…, nhưng theo ông Nguyễn Văn Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Diễn Châu, sau đợt mưa rét cuối tháng 3 và đầu tháng 4, ẩm độ không khí cao, khả năng các đối tượng phát sinh gây hại mạnh là rất lớn.

“Dự báo chuột sẽ gây hại mạnh trong giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng; bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên một số giống như Thái xuyên 111, TBR225… sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan trong thời gian tới khi thời tiết thuận lợi; ngoài ra, nếu không phòng trừ sớm, bệnh khô vằn, bạc lá đốm sọc vi khuẩn sẽ lây lan ra diện rộng”, ông Phú cho hay.

Trước nguy cơ đó, để có thể đảm bảo an toàn cho lúa vụ Xuân thời kỳ “cao điểm”, huyện Diễn Châu tiếp tục phát động diệt chuột, đồng thời, tăng cường khuyến cáo các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, nhất là những diện tích đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá phải kiểm tra đồng thường xuyên và tranh thủ thời tiết tạnh ráo để phun phòng trừ.

 Nông dân kiểm tra sâu bệnh hại trên ruộng lúa của gia đình. Ảnh- Phú Hương
Nông dân kiểm tra sâu bệnh hại trên ruộng lúa vụ Xuân. Ảnh: Phú Hương

Không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Vụ Xuân 2025, toàn tỉnh gieo cấy hơn 90.827 ha lúa. Đến nay, các trà lúa đang bước vào thời kỳ làm đòng, là thời kỳ rất nhạy cảm với các loại sâu bệnh hại như đạo ôn, bạc lá, khô vằn… Thời gian qua, chuột đã phát sinh gây hại trên diện rộng với hơn 2.250 ha, trong đó, hơn 245 ha bị hại nặng. Toàn tỉnh có hơn 320 ha lúa bị bệnh đạo ôn, tập trung trên những giống lúa hay bị nhiễm bệnh như AC5, Thái xuyên 111… ở các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn và TP. Vinh…

Ngoài ra, có gần 600 ha lúa nhiễm bệnh khô vằn; các loại bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá, dòi đục nõn, ốc bươu vàng, bọ xít đen đã phát sinh gây hại lúa rải rác tại nhiều địa phương.

 Nông dân Nam Đàn phun thuốc diệt cỏ cho lúa vụ Xuân. Ảnh- Phú Hương
Nông dân huyện Nam Đàn phun thuốc diệt cỏ cho lúa vụ Xuân. Ảnh: Phú Hương

Đáng lo ngại hiện nay, theo ông Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Từ nay đến cuối vụ, nhiều đối tượng sâu bệnh hại lúa khả năng cao sẽ phát sinh gây hại ra diện rộng, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Trong đó, thời kỳ lúa làm đòng đến trổ là thời kỳ chuột gây hại mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Khi cây lúa vào thời kỳ làm đòng - trổ nếu gặp thời tiết âm u thiếu ánh sáng, ẩm độ cao sẽ rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên diện rộng, nhất là những vùng đã bị bệnh đạo ôn lá, vùng gieo trồng giống lúa nhiễm bệnh, ruộng bón lai rai thừa đạm. Bà con cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động phòng trừ theo liều khuyến cáo, trước và sau khi lúa trổ hết.

Ngoài ra, bệnh khô vằn cũng có khả năng phát sinh trên tất cả các giống và gây hại nặng từ giai đoạn lúa trổ đến chín, nhất là ruộng bón nhiều đạm, ruộng thường khô nước, ruộng gieo cấy dày; bệnh đen lép hạt phát sinh gây hại nặng giai đoạn lúa trổ, nhất là khi có kiểu thời tiết mưa ẩm kéo dài; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên ruộng bón thừa đạm, giống lúa lai, giống thuần chất lượng cao, nhất là khi có kiểu thời tiết giông lốc, mưa gió. Rầy nâu, rầy lưng trắng cũng phát sinh gây hại nhiều từ tháng 4 khi lúa trổ đến chín, nhất là ruộng lúa bón thừa đạm, ruộng có mực nước cao cây lúa mềm yếu, rầy sẽ tích lũy mật độ và hay gây cháy ở cuối vụ thời kỳ lúa ngậm sữa đến chín.

Bà con nông dân chỉ phòng trừ bệnh khi đã đến ngưỡng phòng trừ. Nếu phát hiện hiện tượng lạ trên lúa, cần thu mẫu báo cho cán bộ kỹ thuật để tránh hiện tượng xác định bệnh không đúng dẫn đến phòng trừ bệnh sai, không hiệu quả. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần dùng đúng thuốc, đúng đối tượng, liều lượng, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây kháng thuốc, tăng chi phí đầu tư ảnh hưởng lợi nhuận của nông dân.

Ông Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An tích cực phòng trừ sâu bệnh hại lúa ở giai đoạn cao điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO