Nông dân Nghệ An tiên phong trồng dâu tây hữu cơ trên đất nhiễm mặn

Thanh Thủy (Trung tâm VH-TT&TT thị xã Hoàng Mai) 04/01/2024 09:24

(Baonghean.vn) - Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây thuốc lào kém hiệu quả sang trồng dâu tây hữu cơ giống Nhật Hana đã giúp gia đình anh Nguyễn Văn Quyền và chị Trần Thị Hương ở khối Đông Triều, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai bước đầu có nguồn thu nhập ổn định.

Từ bao đời nay, người dân phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai chỉ trồng cây thuốc lào bởi vùng đất thịt này bị nhiễm mặn, rất khó để trồng các loại rau màu khác, nếu trồng thì năng suất và hiệu quả cũng không cao. Trong một lần tham quan vườn dâu tây của một người bạn, nhận thấy thu nhập từ loại cây này khá cao nên gia đình anh Quyền đã quyết định phá bỏ cây thuốc lào, mạnh dạn mua giống dâu tây về trồng thử nghiệm.

bna-bien1-6107.jpeg
Vườn dâu tây xanh tốt trồng trên đất nhiễm mặn của gia đình anh Quyền được phủ nilon để giữ độ ẩm. Ảnh: Thanh Thuỷ

Khi mới bắt tay vào trồng, anh Quyền gặp nhiều khó khăn về vốn, cây giống, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc dâu tây. Do đó, anh đã dành nhiều thời gian tra cứu, học tập cách trồng dâu tây trên Internet và đi tham quan những mô hình có hiệu quả. Sau khi trồng thử nhiều loại giống, anh quyết định chọn loại giống dâu tây Hana có nguồn gốc từ Nhật Bản (tên gọi "tochiotome"). Giống được trồng phổ biến ở Mộc Châu - Sơn La, được nhà vườn vận chuyển cây giống về tận nơi.

Để cây dâu tây phát triển tốt, không bị sâu bệnh, đạt năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, anh Quyền cho biết, điều đầu tiên là phải xử lý đất. Dâu tây thích hợp với đất thịt nhẹ, cao ráo và thoát nước tốt. Khu đất trồng dâu tây phải được thu dọn tàn dư thực vật, vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng. Cày ải, phơi đất, lên luống cao để cây dâu không bị úng nước; đồng thời bón lót vôi, phân lân và phân chuồng trước khi trồng 15 - 20 ngày.

Bên cạnh đó, phải trải nilon lên trên mặt luống, phủ bên ngoài gốc cây, vừa có tác dụng giữ độ ẩm vừa tạo ngăn cách quả với đất cho sạch và hạn chế được sâu bệnh gây hại quả.

bna-2-8657.jpeg
Những quả dâu tây chín đỏ bắt đầu vào vụ thu hoạch. Ảnh: Thanh Thuỷ

Dâu tây được trồng chính vụ vào tháng 9 hàng năm, sau khoảng 3 tháng, cây sẽ cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 3 đến 4 tháng tuỳ vào thổ nhưỡng và việc chăm sóc. Trong giai đoạn thu hoạch, để quả lớn đều, cách 5-7 ngày phải tỉa bớt các lá già, sâu bệnh, lá bị che khuất tầng dưới và tỉa bỏ những nụ, hoa, quả dị dạng và sâu bệnh.

Để có được vườn dâu tây đạt năng suất, chất lượng cao, quả to, mẫu mã đẹp, gia đình anh đã tốn rất nhiều công sức, tâm huyết. Toàn bộ đất hơn 1 sào của gia đình anh Quyền được áp dụng sản xuất dâu tây theo tiêu chuẩn VietGAP, hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ. Điểm khác biệt ở đây là toàn bộ phân bón đều là chế phẩm sinh học như đạm cá (ủ cá tươi lên men rồi pha loãng với nước để làm phân bón), dịch chuối và trứng sữa nên độ màu mỡ trong đất rất cao.

bna-bien3-5633.jpeg
Giống dâu tây Nhật Hana có trọng lượng lớn hơn so với những giống dâu phổ biến khác. Ảnh: Thanh Thuỷ

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chế độ chăm sóc nên vườn dâu tây của anh Quyền phát triển xanh tốt, sai quả, chất lượng tốt. Dâu Hana có vị ngọt đậm, rất được người tiêu dùng ưa chuộng, vị ngọt này nổi bật hơn hẳn so với dâu tây Hàn Quốc hay dâu tây Đà Lạt.

Dâu tây Hana có trọng lượng lớn hơn so với những giống dâu phổ biến khác, cân nặng 35 đến 40 quả/kg. Sau khi thu hoạch, anh phân loại và bán những quả lớn với giá 250.000 đồng/kg, quả bé hơn có giá trung bình 120.000- 150.000 đồng/kg. Vụ trồng thử nghiệm năm đầu tiên, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng cây thuốc lào trước đó.

Sau thành công của vụ đầu tiên, năm nay, vườn dâu tây của gia đình anh Quyền đã bước vào thời điểm thu hoạch những chùm quả đỏ chín mọng. Theo anh Quyền, thời gian từ khi gieo trồng cho đến khi cây cho trái chỉ 100 ngày, chi phí chủ yếu là cây giống, còn lại khâu chăm sóc thì tranh thủ lúc nông nhàn. Vụ chính sẽ bán vào đúng dịp Tết nên khá đắt khách, không đủ cung cấp cho bà con. Nếu có thêm đất, anh rất muốn nhân rộng thêm mô hình này.

bna-bien-4-3756.jpeg
Dâu tây loại quả to có giá 250.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Thuỷ

Không chỉ trồng để thu quả, cây dâu tây còn được gia đình anh Quyền ươm để làm giống, đóng vào các bầu để phục vụ nhu cầu chơi Tết của khách hàng. Mỗi bầu cây như vậy được bán với giá 35-40.000 đồng/bầu.

Ngoài ra, vào dịp Tết, việc đến tận vườn, tận mắt xem cách người dân chăm sóc, tận tay hái những trái dâu tây chín mọng đang là lựa chọn của nhiều khách hàng ưa khám phá và trải nghiệm. Sau khi thu hoạch dâu, gia đình sẽ trồng dưa lê để tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất.

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An tiên phong trồng dâu tây hữu cơ trên đất nhiễm mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO