Nông dân Nghệ An tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro từ biện pháp trồng xen canh
(Baonghean.vn) -Trồng xen canh các loại cây như: Bí xanh, bí đỏ, lạc, vừng, ngô… dưới tán cây ăn quả đem lại lợi ích kép: Hạn chế cỏ dại, giữa độ ẩm cho đất, chống xói mòn và có nguồn thu không nhỏ để “lấy ngắn nuôi dài”…
Trồng xen canh bí xanh trong vườn bưởi Diễn của anh Phan Bá Thắng (xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc |
Năm 2017, khi nhận 1,3ha đất đấu thầu ở vùng đồng Liên Đức, anh Phan Bá Thắng (SN 1977, xóm Liên Đức, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương) đã quy hoạch thành mô hình gia trại trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi Diễn, ổi lê và mít Thái. Đây là những loại cây lâu năm, mất 3-4 năm mới cho thu hoạch, do đó, khi bưởi chưa khép tán, mít chưa phát triển khoảng đất trống giữa hàng với hàng, cây với cây nếu để hoang thì rất lãng phí.
Sau khi tìm hiểu một số nơi, tìm kiếm thông tin trên báo, đài, anh Thắng quyết định trồng xen canh các loại cây như: Bí xanh, dưa chuột, ngô… trong vườn bưởi khi cây còn thấp; khi bưởi bắt đầu ra quả bói, tán bắt đầu khép thì anh trồng các loại cây thấp, không cần làm dàn như bí đỏ, đậu nành, gừng… Khi các loại cây ăn quả như bưởi, vải tán đã cao, khép kín, không đủ ánh sáng, chất dinh dưỡng để trồng xen nên chuyển sang nuôi gà, vịt và lợn dưới tán cây, vừa đảm bảo nguồn thu, vừa có nguồn phân bón bổ sung cho đất.
Nhờ trồng xen nên giảm được chi phí sản xuất khi giữ được độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Thanh Phúc |
Anh Phan Bá Thắng chia sẻ: “Cách trồng xen này rất có lợi. 3 năm đầu, nguồn thu chủ yếu của gia trại là từ bí xanh, dưa chuột, năm được mùa, được giá thu nhập hàng chục triệu đồng. Hiện, bưởi ra quả bói, tán bắt đầu khép kín nên sau khi thu hoạch bí sẽ chuyển sang trồng bí đỏ hoặc các cây họ đậu. Đặc biệt, nhờ trồng xen nên ngăn được cỏ dại, giữ được độ ẩm cho đất và hạn chế dùng thuốc BVTV. Do đó, các nông sản đảm bảo an toàn, được thị trường ưa chuộng, giá bán cũng nhỉnh hơn. Mặt khác, nó cũng giảm rủi ro cho người trồng khi có sự bù – trừ lẫn nhau trong nguồn thu mỗi mùa vụ”.
Mỗi năm, từ trồng xen bí trong vườn bưởi giúp anh Thắng có nguồn thu 100 triệu đồng để "lấy ngắn nuôi dài". Ảnh: Thanh Phúc |
Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về diện tích trồng cây xen canh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, mô hình trồng xen canh cây ngắn ngày trên diện tích trồng cây ăn quả ngày càng được mở rộng. Có thể khẳng định, việc trồng xen canh các loại cây ngắn ngày trên những diện tích cây trồng lâu năm, hoặc trồng xen canh nhiều loại cây trên cùng một diện tích đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với việc chỉ trồng một loại cây trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.
Đây không chỉ là một hình thức lấy ngắn nuôi dài, tận dụng diện tích đất trống tạo ra thu nhập ổn định trong thời gian cây ăn quả chưa cho thu hoạch, mà việc trồng xen canh này còn tạo ra một số hiệu quả cải tạo đất, như giúp che phủ mặt đất trong thời gian cây ăn quả đang trong giai đoạn sinh trưởng, giúp chống xói mòn, diệt cỏ dại (không cần dùng thuốc diệt cỏ gây ô nhiễm môi trường), góp phần cải tạo đất, tăng nguồn đạm trong đất; chống xói mòn; giúp quản lý dịch bệnh gây hại tốt hơn…
Mô hình trồng ổi xen sả cũng đang được nhiều nông dân ở Nghĩa Đàn áp dụng. Ảnh: Thanh Phúc |
Tuy nhiên, để việc trồng xen canh đem lại hiệu quả cao thì cần lưu ý về thổ nhưỡng, đặc tính của từng loại để có sự lựa chọn phù hợp; chọn đối tượng trồng xen canh phù hợp với từng gia đoạn phát triển của cây trồng chính. Ngoài ra, khi trồng xen canh, cần chú ý đến khoảng cách giữa các cây trồng, sự phù hợp giữa cây được trồng xen canh với cây trồng chính, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất.