Với quy mô gia trại, nuôi mỗi lứa khoảng 30-40 con lợn rừng, ông Nguyễn Văn Thành (xóm 1, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) lựa chọn bèo tấm, bèo hoa dâu làm thức ăn xanh cho lợn. Theo đó, trong vườn, ngoài diện tích ao 2 sào vừa nuôi bèo hoa dâu, vừa nuôi ốc thì để tiện cho việc vớt bèo, ông còn bố trí 500m2 ao lót bạt để nuôi bèo tấm.
“Thức ăn ưa thích của lợn rừng là các loại bèo, nhất là bèo tấm rất thích hợp cho lứa lợn sơ sinh đến 2 tháng tuổi. Hai ao bèo tấm 500m2, đổ thêm bùn, thi thoảng thay nước là tự sinh sôi, không tốn giống, không tốn thức ăn cho bèo. Bèo chỉ cần vớt lên, đổ vào máng hoặc trộn thêm cám gạo, ngô là đảm bảo lợn đủ chất dinh dưỡng. Vừa tiết kiệm chi phí chăn nuôi lại tiết kiệm công thái rau. Đồng thời, nhờ ăn thức ăn tự nhiên, sạch nên sức đề kháng của lợn rừng cũng cao hơn”.
Với quy mô trang trại 6ha, nuôi 100 nái rừng và lợn rừng lai, mỗi năm sản xuất 2.000 con lợn thịt, chị Nguyễn Kim Tiến (phường Hoà Hiếu, thị xã Thái Hoà) dành 1ha ao thả bèo tây, bèo dâu và bèo tấm để làm thức ăn cho lợn. Mỗi ngày, 600 con lợn (bao gồm lợn nái và lợn con) của trang trại ăn hết khoảng 1-2 tấn bèo tây.
Trong 6 lao động thường xuyên ở trang trại thì có 2 người chuyên vớt bèo tây. Bèo được vớt từ ao lên, loại bỏ gốc, rửa sạch và bó từng bó gọn. Sau đó, chuyển đến từng phân khu, phân phối bèo theo số lượng lợn tương ứng và chỉ việc thả bèo vào chuồng cho lợn tự ăn.
“Đây là nguồn thức ăn xanh, thô chủ yếu của trang trại lợn chúng tôi. Tận dụng và chủ động được nguồn nên tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn. Bèo tây là loại dễ tính, sinh trưởng, phát triển nhanh, mạnh nên cứ vớt lớp này thì lên ngay lớp khác, lợn có ăn quanh năm.
Thức ăn xanh hầu như không phải mua; cũng không phải thái, xay nên không tốn công. Lợn ăn bèo, ăn các loại lá ổi, lá nhót, cây cỏ sữa, cỏ mực… nên chất đề kháng tốt hơn, thịt thơm ngon hơn”, chị Nguyễn Kim Tiến, chủ trang trại cho biết.
Vào mùa Đông khắc nghiệt, để trữ thức ăn cho lợn, chị cho công nhân vớt hàng tấn bèo, sau khi làm sạch, bỏ vào máy băm nhỏ, phơi héo. Sau đó, cân nguyên liệu phối trộn theo tỷ lệ: 100kg lục bình héo +10kg cám gạo (bột ngô, bột sắn)+ 0,5kg muối. Sau 2 tuần, thức ăn lên men thì cho lợn ăn dần. “Cao điểm, lúc giá thức ăn lên cao, giá lợn xuống thấp thì dùng thức ăn ủ chua từ bèo tây giúp trang trại bước qua giai đoạn khó khăn này, đảm bảo chăn nuôi có lãi”, chị Tiến cho biết.
Làm mô hình V-A-C nên anh Nguyễn Văn Mạnh (bản Na Đười, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông) chọn lợn rừng, lợn đen bản địa làm con đặc sản để phát triển kinh tế. Có ao cá 2.000m2, anh khoanh vùng 200m2 nuôi bèo tây để làm thức ăn xanh cho lợn. Đồng thời, tận dụng lá keo non khi phát sẻ để cho lợn ăn.
Anh Mạnh cho biết: “Với quy mô 40 con lợn rừng, lợn đen bản địa, đầu ra khá ổn định, giá luôn ở mức 140.000 đồng - 170.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại vật nuôi khác. Đặc biệt, tận dụng được nguồn thức ăn xanh sẵn có nên tiết kiệm được chi phí chăn nuôi, thịt lợn ít mỡ, săn chắc nên rất được thị trường ưa chuộng”.
Hiện nay, xu hướng chăn nuôi sạch, nuôi thuần tự nhiên nhất là các vật nuôi đặc sản như lợn rừng, lợn đen bản địa được thị trường ưa chuộng. Do đó, rất nhiều hộ, nhiều gia trại, trang trại quan tâm đến việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi, không phụ thuộc cám công nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí lại nâng cao phẩm chất thịt, nâng giá thành sản phẩm.