Nông dân Pháp phản đối bán đất cho Trung Quốc; Trump - Putin gặp mặt 3 lần nữa trong năm

Hữu Quân 01/09/2018 06:13

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều sự kiện như: Trump - Putin có thể gặp mặt ba lần nữa trong năm nay; Tổng thống Philippines muốn người kế nhiệm là 'một độc tài'; Nông dân Pháp biểu tình phản đối bán đất cho Trung Quốc; Hàn Quốc cử phái viên đặc biệt tới Triều Tiên...

Trump - Putin có thể gặp mặt ba lần nữa trong năm nay

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki hồi tháng 7. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki hồi tháng 7. Ảnh: AFP

Các cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump có khả năng được tổ chức tại ba hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra trong năm nay, bao gồm ở Singapore, Pháp và Argentina, Reuters dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói với báo Izvestiya của Nga rằng Moskva rất mong muốn tổ chức những cuộc hội đàm như vậy nhưng "tất cả phụ thuộc vào mối quan hệ có đi có lại" giữa đôi bên.

Nông dân Pháp biểu tình phản đối bán đất cho Trung Quốc

Những nông dân tham gia cuộc biểu tình phản đối bán đất cho Trung Quốc hôm 29/8 ở làng Murs. Ảnh: AFP.

Những nông dân tham gia cuộc biểu tình phản đối bán đất cho Trung Quốc hôm 29/8 ở làng Murs. Ảnh:AFP.

Hơn 100 nông dân đã tập trung trên một cánh đồng do nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu ở khu vực Indre, miền trung nước Pháp, để biểu tình phản đối cái mà họ gọi là hành vì "đầu cơ tài chính". Những người tham gia biểu tình kêu gọi "lấy lại đất đai cho nông dân", AFP đưa tin.

Hồi năm 2016, Tập đoàn Hongyang, Trung Quốc, đã mua 1.700 hecta đất ở Indre, trồng lúa mỳ cung cấp cho thị trường quốc tế. Tập đoàn này cũng mua 900 hecta đất tại khu vực Allier lân cận, làm dấy lên mối lo âu ở vùng nông thôn Pháp rằng mô hình gia đình sở hữu đất nông nghiệp truyền thống của họ đang bị đe dọa bởi những thương vụ thu mua đất đai quy mô.

Phiến quân tại Idlib phá cầu ngăn bước tiến của quân chính phủ Syria

Chú thích ảnh

Cảnh đổ nát sau các cuộc xung đột ở thành phố Idlib, Syria ngày 25/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 31/8 cho biết các phiến quân tại tỉnh Idlib, miền Tây Bắc Syria, đã cho nổ tung hai cây cầu quan trọng nơi đây nhằm ngăn cuộc tấn công của lực lượng chính phủ nhằm giải phóng tỉnh cuối cùng còn nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân này.

Theo SOHR, hai cây cầu trên bắc qua sông Orontes nối các khu vực thuộc tỉnh Hama lân cận hiện nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, với khu vực bị phiến quân chiếm giữ ở Idlib. Giám đốc SOHR, ông Rami Abdel Rahman cho biết phiến quân thuộc Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF), một liên minh mới được thành lập bởi các nhóm nổi dậy ở Idlib, đã cho nổ tung các cây cầu này. Nằm ở vùng đồng bằng Al-Ghab và nối các tỉnh Hama và Idlib, hai cây cầu này có thể là một trong những mục tiêu tấn công đầu tiên của lực lượng chính phủ Syria.

Hàn Quốc cử phái viên đặc biệt tới Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái)bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc họp tại làng đình chiến Panmunjom thuộc khu phi quân sự liên Triều hôm 26/5. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái)bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc họp tại làng đình chiến Panmunjom thuộc khu phi quân sự liên Triều hôm 26/5. Ảnh:Reuters.

Phát ngôn viên Nhà Xanh Kim Eui-kyeom ngày 31/8 cho biết, phái viên đặc biệt của Tổng thống Moon Jae-in sẽ tới Bình Nhưỡng vào ngày 5/9 để sắp xếp hội nghị thượng đỉnh lần ba với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo Yonhap.

"Phái viên đặc biệt sẽ thảo luận một loạt vấn đề, bao gồm ngày tổ chức hội nghị sắp tới và các biện pháp thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", phát ngôn viên tuyên bố, nói thêm rằng Tổng thống Moon vẫn chưa chỉ định phái viên đặc biệt và chưa rõ chuyến đi sẽ kéo dài bao lâu, dù Triều Tiên đã chấp nhận đề xuất này.

Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Moon và Kim tại Bình Nhưỡng trong tháng 9 tại cuộc đối thoại cấp cao hồi đầu tháng. Tuy nhiên, từ đó tới nay chưa có thêm cuộc thảo luận nào liên quan đến vấn đề này.

Venezuela bắt giữ hơn 100 đối tượng âm mưu phá hoại kinh tế

Người dân Venezuela xếp hàng chờ đổi tiền bên ngoài ngân hàng trung ương ở Caracas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/8, Tổng chưởng lý Venezuela Tarek William Saab thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ 131 đối tượng bị cáo buộc âm mưu phá hoại những cải cách kinh tế do Tổng thống Nicolas Maduro đề ra nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tổng chưởng lý Tarek William Saab cho hay những đối tượng trên bị cáo buộc tìm cách gây mất ổn định nền kinh tế. Trong số những người này có một số giám đốc của các chuỗi cửa hàng lớn bị cáo buộc đầu cơ và tích trữ các sản phẩm tiêu dùng cơ bản đã được chính phủ ấn định giá. 29 người trong số này đã được thả tự do có điều kiện và 10 người được miễn trừ lệnh bắt.

Nga cáo buộc Mỹ xây căn cứ không quân lớn chưa từng có ở Syria

Lính Mỹ lắp đặt một đài radar cảnh giới ở đông bắc Syria hôm 28/8. Ảnh: Muraselon.

Lính Mỹ lắp đặt một đài radar cảnh giới ở đông bắc Syria hôm 28/8. Ảnh:Muraselon.


"Quân đội Mỹ đang triển khai nhiều hệ thống khí tài nhằm xây dựng một căn cứ quân sự lớn tại thành phố Al-Shaddadi thuộc tỉnh Al-Hasakah, đông bắc Syria. Nó có thể lớn hơn cả sân bay quân sự Hmeymim của Nga, trở thành căn cứ không quân lớn chưa từng có ở Syria", báo Nezavisimaya Gazeta của Nga dẫn nguồn tin quân sự và ngoại giao nước này tiết lộ.

Thành phố Al-Shadadi đang nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn, với thành phần gồm các nhóm dân quân người Kurd và phiến quân đối lập tại Syria.

Sputnik dẫn nhận định của một số chuyên gia Nga cho rằng Mỹ có thể sử dụng căn cứ này để thực hiện đòn tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào vị trí của quân đội chính phủ Syria, cũng như lập vùng cấm bay ở khu vực đông bắc nước này.

B-52 Mỹ tuần tra hai chuyến trong một tuần ở Biển Đông

Hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 của Mỹ. Ảnh: Business Insider.

Hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 của Mỹ. Ảnh:Business Insider.

Lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) xác nhận hai máy bay ném bom B-52 ngày 30/8 tiến hành nhiệm vụ duy trì sự hiện diện thường trực (CBP) ở Biển Đông.

Động thái này diễn ra chỉ ba ngày sau khi Mỹ triển khai biên đội hai chiếc B-52 bay tuần tra tại đây, theo Business Insider. Dữ liệu do Aircraft Spots, trang chuyên theo dõi hoạt động của các máy bay quân sự trên thế giới, cho thấy hai chiếc B-52 mang số hiệu DANTE 01 và 02 xuất phát từ căn cứ Andersen trên đảo Guam đã bay vòng qua Philippines, di chuyển xuống hướng nam ở Biển Đông, sau đó quay về vào ngày 27/8. Hai oanh tạc cơ này được tiếp dầu trên không bằng máy bay KC-135R.

Hoạt động tuần tra tăng cường của B-52 tại Biển Đông và Biển Hoa Đông được cho là một thông điệp mạnh mẽ mà Mỹ phát đi tới Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hành vi quân sự hóa gây lo ngại trên các vùng biển chiến lược.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị khoản ngân sách cao kỷ lục

bo quoc phong nhat ban de nghi khoan ngan sach cao ky luc hinh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera. Ảnh: AFP

Theo truyền thông Nhật Bản, ngày 31/8, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera và các quan chức cấp cao của Bộ này quyết định đề nghị khoản ngân sách trị giá 5.300 tỷ yên (khoảng 47,7 tỷ USD) cho năm tài khóa sắp tới, bắt đầu từ tháng 4/2019. Mức đề nghị này cao hơn 2,1% so với ngân sách ban đầu của năm tài khóa hiện tại.

Đề xuất này để giải quyết các vấn đề an ninh, trong đó có chương trình tên lửa của Triều Tiên và các hoạt động hàng hải gia tăng của Trung Quốc.

Tổng thống Philippines muốn người kế nhiệm là 'một độc tài'

Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Philippines hôm 12/6, tổ chức tại thành phố Kawit. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Philippines hôm 12/6, tổ chức tại thành phố Kawit. Ảnh:Reuters.

Duterte cho rằng chỉ những độc tài như cố tổng thống Ferdinand Marcos mới đủ năng lực tiếp quản cuộc chiến chống ma túy của ông. "Mọi người tốt hơn hết nên chọn một nhà độc tài như Marcos. Đó là đề xuất của tôi", Reuters dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Tổng thống Philippines cũng nhắc lại ý định từ chức trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2022, nhưng chưa sẵn sàng trao quyền lực cho Phó tổng thống Leni Robredo. "Theo hiến pháp thì người kế nhiệm là Robredo. Nhưng bà ấy không thể đảm đương được công việc", Tổng thống nhấn mạnh.

EU sẽ chấm dứt thông lệ chuyển đổi giờ theo mùa

Chú thích ảnh
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 31/8 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ quyết định chấm dứt thông lệ chuyển đổi giữa giờ mùa Đông và giờ mùa Hè sau cuộc khảo sát cho thấy phần lớn công dân EU phản đối thông lệ này.

Ông Juncker cho biết 80% công dân EU muốn hủy bỏ thông lệ chuyển đổi giờ theo mùa của EU và ủng hộ giữ giờ dùng cho mùa Hè cho cả năm. Ông cũng cho biết muốn đưa kế hoạch này ra thảo luận với các ủy viên trong Ủy ban châu Âu.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự thay đổi thời gian gây rối loạn thời gian ngủ và có thể ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc.

Theo Tổng hợp
Copy Link

Mới nhất

x
Nông dân Pháp phản đối bán đất cho Trung Quốc; Trump - Putin gặp mặt 3 lần nữa trong năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO