Nông dân Thanh Chương gặt lúa hè thu chạy lũ

20/08/2017 06:40

(Baonghean.vn) - Để né tránh mưa lụt, triển khai vụ đông kịp thời, hiệu quả, người dân huyện Thanh Chương đang tranh thủ gặt lúa hè thu.

Người dân thôn Lĩnh Sơn, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) dùng bè mảng thu hoạch hè thu chạy lũ. Ảnh: Đình Hà
Người dân thôn Lĩnh Sơn, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) dùng bè mảng thu hoạch hè thu chạy lũ. Ảnh: Đình Hà

Mặc dù trời đang mưa nhưng chị Hoàng Thị Thùy ở Thôn Lĩnh Sơn, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) vẫn tranh thủ ra đồng để gặt lúa hè thu, bởi thửa ruộng nhà chị chân ruộng sâu, chiều hôm trước nước mới xăm xắp, sáng mai ra đã lên ngang cổ bông lúa. Kinh nghiệm nhà nông cho thấy, “xanh nhà hơn già đồng", chị phải tranh thủ gặt, nếu không kịp có khi mất trắng.

Thời điểm này, chị Ngô Thị Huệ ở xóm 7, xã Xuân Tường cũng đang thuê nhân công khẩn trương gặt số diện tích lúa bị mưa to làm đổ rạp; nếu không nhanh chóng thu hoạch cả lúa và rơm ngập úng trong nước sẽ hư hỏng.

Niềm vui được mùa lúa hè thu. Ảnh: Đình Hà
Niềm vui được mùa lúa hè thu. Ảnh: Đình Hà

Cách xã Xuân Tường không xa, vợ chồng anh Nguyễn Sĩ Lục ở xóm 7, xã Thanh Lương đã gặt hơn 3 sào lúa hè thu, đang tranh thủ phơi rơm rạ để làm thức ăn cho bò. Anh Lục cho biết, vì mưa nhiều nên phơi lúa, rơm rất vất vả; lúa tuốt xong có thể “re”, xới xáo trong nhà chờ nắng, còn rơm phải tranh thủ phơi ngay để có thức ăn cho trâu bò.

Theo đề án sản xuất, vụ hè thu năm nay huyện Thanh Chương gieo cấy khoảng 5. 500 ha lúa. Nhờ thời tiết ủng hộ và thâm canh tốt, đến nay trà sớm dự ước khoảng 3.000 ha ở các xã Thanh Lĩnh, Đồng Văn, Thanh Dương, Thanh Lương, Xuân Tương, Thanh Liên... đã cho thu hoạch. Đây là số diện tích thường xuyên chắc ăn nhờ gặt sớm.

Sau khi gặt xong, lúa được tuốt ngay để tránh bị mọc mầm. Ảnh: Đình Hà
Sau khi gặt xong, lúa được tuốt ngay để tránh bị mọc mầm. Ảnh: Đình Hà

Theo tính toán sơ bộ, sau 3 ngày xuống đồng toàn huyện đã gặt được khoảng 800 ha. Ông Nguyễn Hoài Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh chia sẻ: "Muốn có lúa hè thu trà sớm phải thực hiện gieo mạ từ khi lúa xuân mới trổ bông, gặt xong là cấy ngay, khác với trà muộn là gieo thẳng phải chờ gặt xong mới gieo. Trong bối cảnh lúa hè thu luôn bị thiên tai đe dọa vào cuối vụ thì đây là một cách làm sáng tạo, phù hợp".

Tranh thủ phơi rơm để làm thức ăn cho trâu bò. Ảnh: Đình Hà
Tranh thủ phơi rơm để làm thức ăn cho trâu bò. Ảnh: Đình Hà

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết thêm: "Sau nhiều năm đưa vào thành vụ sản xuất chính, vụ hè thu năm nay Thanh Chương vẫn gieo cấy ổn định trên các diện tích ổn định nguồn nước. Nhờ gieo cấy đúng thời vụ và chăm sóc tốt nên vụ này tiếp tục được mùa. Huyện đang chỉ đạo người dân nơi nào lúa đã chín thì tranh thủ gặt theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" vừa để né tránh lũ lụt, vừa tranh thủ sản xuất vụ đông. Năm sau huyện sẽ kiên quyết hơn trong chỉ đạo để có nhiều diện tích lúa trà sớm đảm bảo né tránh được lũ lụt”.

Đình Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nông dân Thanh Chương gặt lúa hè thu chạy lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO