Nông dân và doanh nghiệp Nghệ An 'chia khó' tiêu thụ chè 'mùa dịch'

Thanh Phúc 04/07/2021 14:00

(Baonghean.vn) - Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và PTNT, chè là một trong bốn nông sản chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid - 19. Hiện, người dân và các doanh nghiệp đang cùng chia sẻ khó khăn, tìm cách tiêu thụ chè, vượt qua khó khăn.

CÙNG NHAU “CHIA KHÓ”

Dù gặp khó khăn về xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid 19 song các xưởng chè vẫn tìm cách xoay xở để tiêu thụ hết sản lượng chè búp tươi cho người dân. Ảnh: Thanh Phúc
Dù gặp khó khăn về xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid -19 song các xưởng chè vẫn tìm cách xoay xở để tiêu thụ hết sản lượng chè búp tươi cho người dân. Ảnh: Thanh Phúc

Vụ chè xuân 2021 được mùa nhưng do dịch Covid - 19 khiến giá chè xuống thấp, tiêu thụ chậm. Dù khó khăn do dịch bệnh mang lại, việc tiêu thụ chè chậm, giá vận chuyển tăng nhưng các chủ xưởng chè vẫn chủ động thu mua, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho người trồng.

Ông Nguyễn Văn Đường, HTX chè xanh Thanh Mai cho biết: “Giá vận chuyển chè bằng đường thủy sang các nước cao gấp 3 lần so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Trước đây một container chè vận chuyển bằng tàu thủy với thời gian đi 56 ngày có giá 51 triệu đồng thì nay tăng lên 140 triệu đồng (cao gần gấp 3 lần so với trước). Giá vận chuyển tăng, các chi phí khác đội lên song giá chè lại ở mức thấp, việc tiêu thụ cũng chậm hơn”.

Các hộ trồng chè cũng chủ động chia khó với doanh nghiệp về giá cả, nợ vốn, thậm chí hỗ trợ một số công đoạn chế biến chè. Ảnh: Thanh Phúc
Các hộ trồng chè cũng chủ động chia khó với doanh nghiệp về giá cả, nợ vốn, thậm chí hỗ trợ một số công đoạn chế biến chè. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy vậy, điều đáng ghi nhận là trong khó khăn chung, các HTX, các chủ xưởng chè vẫn thu mua chè tươi cho người trồng, cho người dân ứng tiền trước để mua vật tư, phân bón tái chăm sóc cây chè cho vụ thu hoạch sau.

Ông Phan Đình Đường, chủ xưởng chè ở Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết: “Vụ chè xuân vừa rồi, xưởng vẫn bao tiêu hàng nghìn tấn chè cho bà con, đảm bảo bà con thu hoạch đến đâu sẽ thu mua hết đến đấy. Xuất khẩu bị chậm lại nên nguồn tiền cũng hạn hẹp, gia đình đã huy động vốn vay để chi trả cho bà con kịp thời, giúp bà con có vốn tái đầu tư chăm sóc cây chè”.

Từ đầu năm 2021 đến nay, do dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nên các chuyên gia kỹ thuật của các đối tác không thể sang kiểm tra chất lượng chè, do vậy không xuất khẩu bởi thiếu thủ tục. Trước thực trạng đó, nhiều xưởng đã chủ động tìm cách xoay xở như gửi mẫu kiểm nghiệm, cam kết chất lượng chè, nếu không đảm bảo sẽ chịu mọi chi phí… Để gỡ khó trước mắt, nhiều xưởng chè chấp nhận bán “hòa vốn” hoặc lãi ít cho các công ty, doanh nghiệp lớn trong nước để thu hồi vốn, có tiền chi trả cho bà con.

Cán bộ xã Thanh Mai động viên, chia sẻ với người trồng chè xóm Đá Bia. Ảnh: Thanh Phúc
Cán bộ xã Thanh Mai động viên, chia sẻ với người trồng chè xóm Đá Bia. Ảnh: Thanh Phúc

Một số xưởng thì cùng liên kết lại và chia sẻ thị trường cùng nhau, cùng chung nhau xuất khẩu các container chè chất lượng, đồng thời, tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, các hộ trồng chè đã chia sẻ khó khăn bằng cách: nhiều hộ bán nợ chè cho các xưởng không lãi suất; tập trung chăm sóc và thu hái chè búp đạt chất lượng tốt nhất; vào lúc cao điểm chế biến, sẵn sàng hỗ trợ các xưởng chè trong vận chuyển, đóng gói và một số công đoạn chế biến...

Về phía chính quyền địa phương từ xóm, xã đến huyện cũng tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm động viên người dân vượt qua khó khăn khi giá chè xuống thấp, ổn định tư tưởng, tập trung chăm sóc cây chè và chuẩn bị tốt nhất cho việc thu hoạch chè mùa sắp tới, đồng thời chủ động các giải pháp chống hạn cho cây chè. Bên cạnh đó, phối hợp các ban, ngành tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay; kiến nghị giãn nợ, giảm lãi suất... để họ ổn định sản xuất, chế biến và bao tiêu chè búp tươi cho người dân.

CẦN THIẾT HÌNH THÀNH VÙNG NGUYÊN LIỆU CHÈ SẠCH

Vùng trồng chè VietGAP của HTX chè xanh Thanh Đức (Thanh Chương) rộng khoảng 10ha và hiện đang được mở rộng. Ảnh: Thanh Phúc
Vùng trồng chè VietGAP của HTX chè xanh Thanh Đức (Thanh Chương) rộng khoảng 10ha và hiện đang được mở rộng. Ảnh: Thanh Phúc

Theo như các chủ xưởng chè chia sẻ, về lâu dài, để nâng cao giá trị cây chè, nâng thu nhập cho người dân thì cần thiết phải thay đổi tư duy sản xuất. Đó là hình thành các vùng trồng chè theo chuẩn VietGAP, tạo ra vùng nguyên liệu an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh, từ đó chế biến chè khô chất lượng, sạch, đáp ứng các tiêu chí khắt khe từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Đồng thời, chế biến sâu thành nhiều sản phẩm khác từ chè xanh như: trà túi lọc, bột matcha, trà sữa hòa tan, trà thảo mộc…

Cụ thể như ở Thanh Chương, hiện đã triển khai trồng vùng chè nguyên liệu VietGAP ở Thanh Đức với quy mô gần 10ha. Kết quả cho thấy, chè trồng theo chuẩn VietGAP năng suất cao hơn, dư lượng thuốc BVTV trong chè và tồn dư kim loại nặng đều ở dưới mức cho phép. Đây là yếu tố quan trọng để sản phẩm chè Nghệ An cạnh tranh bình đẳng với chè trong nước và thế giới cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó, giúp người sản xuất và kinh doanh chè có thêm nhiều cơ hội gia tăng giá trị kinh tế từ cây chè.

“Xu thế hiện nay, để phát triển bền vững cây chè, tránh tình trạng trồng rồi chặt bỏ thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm chế biến, muốn vậy thì phải có vùng nguyên liệu sạch. Người dân phải thay đổi tư duy sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước cùng đồng hành, hỗ trợ”.

- Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương -


Thay vì dùng thuốc BVTV để diệt cỏ thì người dân Phúc Sơn vẫn cần cù cuốc cỏ chè, tránh dư lượng thuốc trừ sâu trong đất, ảnh hưởng đến chất lượng cây chè. Ảnh: Thanh Phúc
Thay vì dùng thuốc BVTV để diệt cỏ thì người dân Phúc Sơn vẫn cần cù cuốc cỏ chè, tránh dư lượng thuốc trừ sâu trong đất, ảnh hưởng đến chất lượng cây chè. Ảnh: Thanh Phúc

Về phía người dân, họ cũng rất đồng tình ủng hộ việc xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, theo chuẩn VietGAP. “Cái chúng tôi cần nhất là đầu ra ổn định. Do đó, nếu sản xuất sạch mà đảm bảo đầu ra thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ tập huấn quy trình trồng, cung ứng vật tư, phân bón, bao tiêu sản phẩm còn người dân chúng tôi cam kết tuân thủ theo đúng quy chuẩn đề ra”, ông Nguyễn Văn Dương, một hộ trồng chè ở thôn Quang Tiến (Hùng Sơn, Anh Sơn) cho biết.

Đến nay, diện tích trồng chè trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 12.000ha, năng suất đạt 130 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 156.000 tấn (tương đương 31.200 tấn búp khô). Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có một số nơi hình thành vùng trồng chè theo chuẩn VietGAP với quy mô nhỏ ở các huyện: Anh Sơn, Thanh Chương…


Mới nhất
x
Nông dân và doanh nghiệp Nghệ An 'chia khó' tiêu thụ chè 'mùa dịch'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO