Nông nghiệp góp phần “cứu” tăng trưởng
Năm 2012, tính theo dương lịch đã đi qua 5/6 thời gian, nhưng nếu tính theo nông lịch, thì gần như đã kết thúc. Nông nghiệp, nông thôn đã đóng góp tích cực trên nhiều mặt, từ sản xuất đến xuất khẩu, giá cả, lao động việc làm.
Nhìn một cách tổng quát và ở tầm cao hơn, nông nghiệp đã góp phần ổn định kinh tế- xã hội.
ƯỚC TỐC ĐỘ TĂNG/GIẢM MỘT SỐ CHỈ TIÊU NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN (%)
- Nguồn: Báo cáo của Chính phủ và Tổng cục Thống kê
Sản xuất nông, lâm nghiệp- thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá (9 tháng tăng 3,7%, ước cả năm tăng 3,9%). Sản lượng sản xuất nhiều loại cây, con đạt kỷ lục mới. Sản lượng lúa cả năm ước đạt trên 43 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm trước và cao nhất từ trước đây nay. Sản lượng nhiều cây công nghiệp đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Chăn nuôi bò sữa, lợn, gia cầm tăng cao. Chính do điều này mà có chuyên gia nói nông nghiệp đã góp phần “cứu” tăng trưởng kinh tế chung.
“Cứu” cán cân thanh toán
Xuất khẩu nông, lâm- thuỷ sản 10 tháng ước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 9,5% sovới cùng kỳ và chiếm 24,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mới qua 10 tháng, nông, lâm nghiệp- thuỷ sản đã có 7/21 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên (thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, gạo, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm sắn). Ước cả năm, xuất khẩu nông, lâm- thuỷ sản có thể đạt 26,5 tỷ USD. Có hai điểm đáng lưu ý trong xuất khẩu nông, lâm- thủy sản. Điểm thứ nhất là nhiều mặt hàng đứng hàng đầu thế giới.
Điểm thứ hai là kim ngạch nhập khẩu đầu vào cho sản xuất nông, lâm nghiệp- thuỷ sản 10 tháng đạt khoảng 13,76 tỷ USD; theo đó xuất siêu của ngành nông nghiệp ước đạt 8,74 tỷ USD (nếu không cả nước sẽ không chỉ nhập siêu gần 0,4 tỷ USD mà phải nhập siêu tới trên 9 tỷ USD). Chính do điều này mà có chuyên gia nói nông nghiệp đã góp phần kiềm chế nhập siêu- hay còn gọi là “cứu” cán cân thương mại.
“Cứu” giá cả
CPI của cả nước tháng 10 tăng 0,85%, 10 tháng tăng 6,02%, tính theo năm tăng 7%- thuộc loại thấp so với hai năm trước. Sự tăng thấp này có sự đóng góp tích cực của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khi giá lương thực tương ứng tăng 0,37%, giảm 5,83%, giảm 1,41%; giá thực phẩm tương ứng tăng 0,28%, tăng 0,88%, tăng 1,11%. Chính do điều này mà có chuyên gia nói nông nghiệp, nông dân, nông thôn góp phần kiềm chế lạm phát- nói một cách hình tượng là “cứu giá”.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn bản thân cũng gặp khó khăn về công ăn, việc làm do tỷ trọng dân số, lao động ở khu vực này ở mức rất cao. Chính vì vậy, về lâu dài cần phải rút bớt lao động của khu vực này sang làm công nghiệp, dịch vụ; tăng tỷ trọng dân số thành thị. Tuy nhiên, khi công nghiệp, dịch vụ gặp khó khăn, các doanh nghiệp, làng nghề bị thu hẹp sản xuất, kinh doanh, thậm chí còn bị ngừng hoạt động, giải thể, kéo theo nhiều số lao động bị mất việc và thiếu việc làm. Chính nông nghiệp, nông thôn lại là địa chỉ thu hút trở lại số lao động này, là chỗ “lùi” cho số lao động trên, dù chỉ là tạm thời. Chính do điều này mà có chuyên gia nói nông nghiệp, nông thôn đã góp phần “cứu” người lao động khi các khu vực khác bị áp lực làm mất việc và thiếu việc làm.
Nông nghiệp, nông thôn bản thân cũng gặp khó khăn về công ăn việc làm. Thời gian qua có hàng trăm nghìn người lao động ở các doanh nghiệp, ở các làng nghề bị mất và thiếu việc làm. Chính nông nghiệp, nông thôn đã góp phần “cứu” người lao động, giảm bớt áp lực của nguy cơ trên.
Hỗ trợ nông nghiệp vượt khó
Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, nông nghiệp và nông thôn cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Khó khăn, thách thức đến từ hai đầu.
Đầu vào là vốn và đầu ra là tiêu thụ. Tình hình trên cộng hưởng với những khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ khu vực này ở cả hai đầu. Cần hỗ trợ vốn đầu tư ở đầu vào cả về lượng vốn, cả về lãi suất, cả về điều kiện tiếp cận vốn. Điều này hạn chế thiệt hại của thiên tai, dịch bệnh, giảm thiệt hại sản phẩm khi thu hoạch..., vừa nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Trong điều kiện hiện nay, cần quan tâm đặc biệt tới các công trình kiên cố hoá kênh mương, kiên cốhoá mặt đường, đổi mới thiết bị công nghệ... Hỗ trợ này có tác động kép: không chỉ giúp cho nông nghiệp, nông thôn, mà còn giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí sản xuất hàng tư liệu sản xuất...
Ở đầu ra, cần hỗ trợ vốn để mua tạm trữ nông sản cho xuất khẩu; phát triển công nghiệp chế biến nguyên vật liệu để vừa tiêu thụ, vừa nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng phải coi công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là trọng điểm số một.
Theo kintenongthon – HV