Nông thôn “khát” nước sạch! – Bài cuối: Cần giải pháp phát huy năng lực các công trình

Nếu như ở vùng đồng bằng, ven biển nơi tập trung đông dân cư, nhiều công trình cấp nước tập trung đã được xây dựng nhưng không phát huy hiệu quả; thì ở khu vực miền núi, công trình cấp nước tự chảy cũng nhanh bị xuống cấp, hư hỏng. Để các công trình cấp nước hoạt động ổn định, hiệu quả, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân thì rất cần có giải pháp mang tính lâu dài, bền vững.

Với 517 công trình cấp nước có tổng công suất trên 60.000m3/ngày, đêm, trong đó, có 40 nhà máy cấp nước tập trung, còn lại là công trình cấp nước tự chảy tại các huyện miền núi, có thể thấy rằng, việc cấp nước sạch cho người dân các khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn Nghệ An đang còn rất hạn chế, tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn rất thấp.

Chưa kể, trong 40 nhà máy cấp nước tập trung, thì chỉ còn 31 nhà máy còn hoạt động hiệu quả với 23.286m3/ngày, đêm (10 công trình hoạt động hiệu quả cao, 21 công trình do các địa phương quản lý vận hành hoạt động hiệu quả thấp).

Ngay tại huyện Nam Đàn, có tổng số 40.704 hộ gia đình, nhưng đến thời điểm này chỉ mới có 12.136 hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, chiếm 29,82%. Trong đó, tập trung chủ yếu tại khu vực thị trấn Nam Đàn, các xã Xuân Hòa, Kim Liên, Nam Cát, Nam Giang.

Hệ thống cấp nước thô ở Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Trân Châu
Hệ thống cấp nước thô ở Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Trân Châu

Ở huyện Nghi Lộc, trong số 29 xã, thị với 55.416 hộ dân, mới có 35,38% hộ dân được sử dụng nước sạch từ nhà máy nước tập trung. Tại đây có 2 công trình cấp nước do UBND xã Nghi Lâm xây dựng nhằm cấp nước cho các xóm 6, 8, 9, 10 của xã này và do UBND xã Nghi Diên xây dựng, nhưng cả 2 công trình này đều đã dừng hoạt động. Hiện tại, người dân các xã khu vực phía Bắc của huyện đang phải sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước Cửa Lò đóng tại xã Nghi Hoa; và một số xã phía Nam thì được sử dụng nguồn nước từ nhà máy ở vùng phụ cận TP. Vinh.

Vất vả nhất là người dân các xã Nghi Thái, Phúc Thọ, Nghi Phong (Nghi Lộc) nằm giữa “hành lang” của khu vực TX. Cửa Lò và TP. Vinh, cùng một số xã khu vực miền núi như Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Phương vẫn chưa có nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để dùng. Ông Trần Trung Thao – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết, bản thân huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh, các ngành, các tổ chức khảo sát, đánh giá đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước sinh hoạt phù hợp cho các vùng chưa được cấp nước tập trung trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay, nhiều xã vẫn chưa có nước sạch tập trung để dùng.

Tại huyện Hưng Nguyên, đến thời điểm này đã có 15.077 hộ dân (chiếm 44,43%) được dùng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Hiện ở địa phương này đã có 6 nhà máy cấp nước; gồm: Nhà máy nước Hưng Nguyên (Công ty CP Cấp nước Nghệ An làm chủ đầu tư), Nhà máy nước Hưng Tân, Hưng Thắng, Hưng Phúc (Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư), Nhà máy nước Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư), Nhà máy nước Hưng Lĩnh (do UBND xã Hưng Lĩnh làm chủ đầu tư).

Tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn rất thấp. Ảnh tư liệu: Văn Trường
Tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn rất thấp. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Ngoài 6 nhà máy nước nêu trên, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên còn có 2 hệ thống cấp nước tại xã Hưng Tiến, Hưng Xá (cả 2 xã này đều đã sáp nhập với Hưng Thắng và Hưng Long) do UBND xã Hưng Tiến và UBND Hưng Xá đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành. Cả 2 hệ thống này mua nước sạch từ Nhà máy nước Hưng Tân. Tuy nhiên, do quản lý kém hiệu quả, thu không đủ bù chi nên không có kinh phí để duy tu, nâng cấp, sửa chữa công trình. Mặt khác, do nguồn nước sạch cung cấp từ Nhà máy nước Hưng Tân không đảm bảo nên công trình hoạt động không hiệu quả. Vì thế, năm 2017 cả 2 hệ thống này đã dừng hoạt động.

Ông Hoàng Anh Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết:  Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều nhà máy nước sạch đã được đầu tư bằng vốn ngân sách phải dừng hoạt động do nguồn nước thô đầu vào chủ yếu được lấy từ nguồn nước các kênh, sông nhỏ, không đảm bảo lưu lượng và chất lượng, vì thế, ở nhiều xã, đa số người dân chưa có nước sạch đạt quy chuẩn để sử dụng.

Cũng theo ông Tiến, để nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, huyện Hưng Nguyên cũng đã có ý kiến đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh bố trí, lồng ghép vốn cho các công trình nước sạch trên địa bàn huyện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và từ các nguồn vốn khác của tỉnh. UBND huyện cũng sẽ tập trung đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực cấp nước; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực để tiến hành nâng cấp, đầu tư mới các công trình nhà máy cấp nước sạch đảm bảo theo quy định hiện hành, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu về sử dụng nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Nhà máy nước tại xã Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu) bị bỏ hoang.
Nhà máy nước tại xã Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu) bị bỏ hoang.

Ở huyện Yên Thành hiện có 39 đơn vị hành chính cấp xã với hơn 300.000  dân. Đến nay, toàn huyện đã có 15 công trình nhà máy cấp nước sạch, trong đó, có 12 công trình đi vào hoạt động cấp nước sạch cho nhân dân 22 xã trên địa bàn huyện với hơn 20.260 hộ gia đình sử dụng. Trên địa bàn địa phương này có 2 công trình đang dừng thi công do thiếu vốn đầu tư (tại xã Minh Thành dừng thi công từ năm 2014, ở xã Phúc Thành dừng thi công năm 2015); có 1 công trình ở xã Tây Thành đang thi công nhưng chậm tiến độ do thiếu kinh phí.

Ông Lê Văn Hồng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành cho biết: Khó khăn nhất của việc nâng cao tỷ lệ phủ sóng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là do đây là công trình phục vụ dân sinh nên rất khó thu hút. Chưa kể, nếu xây dựng bằng nguồn ngân sách thì cơ chế vận hành, mô hình và cách thức quản lý như thế nào cũng là điều chưa được tính đến.

Theo ông Hồng, hiện nay huyện Yên Thành sẽ không đồng ý chủ trương xây dựng công trình cấp nước nhỏ lẻ theo từng xã mà tính tới phương án liên xã, liên huyện. Hiện nay, huyện cũng đang đề xuất chủ trương xây dựng nhà máy nước sạch liên xã ở khu vực phía Nam huyện Yên Thành để cung cấp cho 9 xã gồm Bảo Thành, Mỹ Thành, Viên Thành, Sơn Thành, Nam Thành, Trung Thành, Lý Thành, Bắc Thành và Công Thành.

Nhà máy nước Yên Thành cấp nước cho địa bàn thị trấn Yên Thành, các xã Tăng Thành, Hoa Thành, Văn Thành, Xuân Thành. Ảnh tư liệu: Văn Trường
Nhà máy nước Yên Thành cấp nước cho địa bàn thị trấn Yên Thành, các xã Tăng Thành, Hoa Thành, Văn Thành, Xuân Thành. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Ông Tăng Văn Luyện – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu thì cho rằng, với  8 công trình cấp nước đang hoạt động trên địa bàn huyện hiện nay là không đủ so với nhu cầu của địa phương. Thực tế hiện nay, các xã Diễn Đoài, Diễn Trường, Diễn Hoàng, Diễn Hùng, Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Phong, Diễn Mỹ, Diễn Bích, Diễn Vạn… đều đang rất khát nước sạch. Hiện nay, huyện cũng đã quy hoạch xây dựng dự án cấp nước sinh hoạt cho khu vực Bắc Diễn Châu tại xã Diễn Trường. Đồng thời, tích cực vận động, thu hút một số dự án đầu tư cấp nước sạch cho vùng Nam Quỳnh Lưu – Bắc Diễn Châu, để vừa đảm bảo cho nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, đồng thời, phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đối với hệ thống cấp nước tự chảy ở các huyện miền núi, thực tế trong quá trình sử dụng, do công trình xuống cấp, địa hình phức tạp và ý thức sử dụng của người dân chưa cao nên nguồn nước đang bị lãng phí. Do hầu hết công trình này đều được xây dựng từ nguồn hỗ trợ, vì thế, nhiều nơi, cả chính quyền địa phương và người dân chưa vào cuộc trong công tác quản lý, bảo dưỡng, mà cho rằng hư hỏng sẽ có Nhà nước sửa nên chưa có ý thức bảo vệ.

Về vấn đề này, ông Vi Văn Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn (Anh Sơn) cũng cho biết: Xã cũng đã tính đến phương án sẽ thu tiền sử dụng của người dân để người dân có ý thức hơn trong việc sử dụng tiết kiệm nước và bảo vệ công trình, nếu hệ thống cấp nước tự chảy ở địa phương được nâng cấp.

Người dân sử dụng nguồn nước tự chảy tại các huyện miền núi vẫn chưa có ý thức tiết kiệm, để nước chảy tràn lan gây lãng phí.
Người dân sử dụng nguồn nước tự chảy tại các huyện miền núi vẫn chưa có ý thức tiết kiệm, để nước chảy tràn lan gây lãng phí.

Tại huyện Quế Phong, hiện có 63 công trình cấp nước tự chảy tại 12 xã. Trong đó, có 26 công trình được đưa vào sử dụng trước năm 2008; 25 công trình đưa vào sử dụng trước năm 2013, các công trình này chủ yếu sử dụng hệ thống lắng lọc. Tuy nhiên, đến nay đã có 14 công trình không hoạt động, 38 công trình hoạt động trung bình, kém hiệu quả, chỉ có 11 công trình hoạt động ổn định, bền vững.

Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết thêm: Toàn bộ công trình cấp nước tự chảy đang được tạm giao cho UBND các xã, ban quản lý các thôn, bản quản lý, khai thác và sử dụng. Hầu hết các công trình này được thi công qua các sườn núi, khe, suối nơi có địa hình phức tạp do vậy, thường xuyên xảy ra tình trạng bị hư hỏng do sạt lở đất đá, gãy đổ cây cối và mưa lũ cuốn trôi. Chưa kể đến việc ở các xã, bản chưa có người có chuyên môn phù hợp, đội kiểm tra quản lý vận hành, chưa xây dựng được quy chế sử dụng chung công trình, thậm chí nhiều nơi còn xảy ra tình trạng người dân tự đào, tháo lắp thêm đường ống dẫn nước.

Ông Hiền cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ kinh phí nâng cấp công nghệ xử lý nước, lọc nước đầu nguồn để đảm bảo nguồn nước sạch, nâng cao chất lượng sống, sức khỏe cho người dân. Bởi lâu nay các công trình tự chảy gần như chỉ qua ô lắng lọc thô sơ bằng cát, sỏi ven suối nên nguồn nước không đảm bảo chất lượng.

Sử dụng nước từ công trình nước tự chảy tại huyện Kỳ Sơn.
Sử dụng nước từ công trình nước tự chảy tại huyện Kỳ Sơn.