'Nóng' tình trạng đầm tôm xả thải gây ô nhiễm môi trường
(Baonghean.vn) - Nuôi tôm công nghiệp do mật độ cao và quá trình nuôi phải sử dụng các loại thuốc và hóa chất để xử lý nên nguồn nước thải ra môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm rất cao. Hiện nay, các đầm nuôi tôm ở Nghệ An đang báo động tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường...
Báo động ô nhiễm vùng nuôi tôm công nghiệp
Giữa tháng 7, một số hộ dân ở xóm Tân Minh, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) gửi đơn lên Chủ tịch UBND tỉnh và thị xã phản ánh về việc đầm tôm của doanh nghiệp Lê Duy Khánh và một số chủ đầm tôm khác làm ao nuôi tôm công nghiệp nhưng không có hệ thống xử lý nước thải và xả thải trực tiếp ra bãi biển xóm Tân Minh, gây ô nhiễm nặng.
Bà Lê Thị Neo, người dân xóm Tân Minh bức xúc: Tình trạng xả thải ô nhiễm kéo dài 2-3 năm nay, người dân kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết; nay do đợt nắng nóng kéo dài và doanh nghiệp cũng bất chấp, xả nước ra biển có mùi hôi thối, dân không chịu được nên phải cùng nhau kiến nghị lên tỉnh giải quyết.
Ao nuôi tôm công nghiệp tại xã Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Hải |
Ngoài vụ việc trên, cách đây chưa lâu, tại đầm tôm xã Quỳnh Thuận, mặc dù diện tích nuôi chỉ vài chục ha, nhưng đã xảy ra va chạm, tranh chấp giữa chủ đầm tôm với một số hộ dân làm muối trong xã.
Nguyên nhân do các chủ đầm tôm thường lợi dụng lúc vắng vẻ, bơm xả nước thải từ đầm tôm đã nuôi sang đồng muối khiến nguồn nước bị ô nhiễm, người dân sản xuất muối không được hoặc giảm năng suất. Theo phản ánh của một số hộ dân, khi rửa chân, tay bằng nguồn nước này bị ngứa ngáy và bốc mùi rất khó chịu. Sự việc chỉ tạm yên khi ban cán sự xóm và UBND xã phải vào cuộc yêu cầu các chủ đầm tôm không xả thải vào mương sản xuất muối.
Một người dân sống ven sông Mơ, xã Quỳnh Lương chia sẻ: Trước đây khi chưa có đầm tôm thì các loại cá, tôm vẫn có thể sống bình thường, hàng tháng theo thủy triều có thể bắt tôm, cua và cá các loại, nhưng kể từ khi nuôi tôm công nghiệp, kênh mương đã bị đầu độc và không sinh vật nào sống được. Không những vậy, khu vực nào nuôi mật độ dày, nước từ các đầm tôm thải ra môi trường còn có màu đen, mùi hôi rất khó chịu và không ai dám rửa chân, tay.
Nước từ đầm tôm ở Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai thải trực tiếp ra biển có màu đen ô nhiễm. Ảnh: Nguyễn Hải |
Chính vì nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, nên khi xây dựng mỗi vùng nuôi tôm công nghiệp thì yêu cầu quy hoạch phải đặt lên hàng đầu. Tại Nghệ An, nhằm phát triển nghề nuôi tôm, từ năm 2000, tỉnh đã quy hoạch các vùng nuôi lớn ở các địa phương Quỳnh Bảng, Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) hay Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân, Quỳnh Liên, Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai); Diễn Trung, Diễn Kim (Diễn Châu), Nghi Hợp, Nghi Khánh (Nghi Lộc), Hưng Hòa (TP. Vinh), sau đó đầu tư hạ tầng cấp nước.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, do thiếu quản lý giảm sát và một phần kinh phí còn hạn hẹp nên thay vì đầu tư hạ tầng đồng bộ, bài bản như các tỉnh phía Nam và các doanh nghiệp thường làm (hệ thống vùng nuôi bao gồm khâu hệ thống mương đưa nước biển vào ao đầm riêng, độc lập với hệ thống mương dẫn nước thải và hệ thống ao lắng để xử lý nước thải từ các đầm tôm trước khi xả thải ra môi trường), thì các khu vực nuôi tôm tập trung chỉ đầu tư làm được mương và cống cấp nước, không có hệ thống dẫn nước thải. Khi đi vào vận hành, các chủ đầm tôm xử lý đầm xong thường xả thẳng nước ra mương chung và nơi cấp nước lại trở thành mương chứa nước thải. Vì thế, môi trường tại các vùng nuôi tôm ngày càng ô nhiễm hơn và không ai dám dùng hệ thống mương chung.
Các chủ đầm tôm ở Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu lấy nước vào ao đầm từ mương sản xuất muối nhưng cũng sẵn sàng xả sang đồng muối. Ảnh: Nguyễn Hải |
Hệ lụy của việc phá vỡ quy hoạch nuôi tôm
Tại các vùng nuôi tôm theo quy hoạch đã thế, các vùng nuôi tôm không theo quy hoạch hoặc phá vỡ quy hoạch lại càng phức tạp hơn, vì mọi thứ đều tự phát, mạnh ai nấy làm. Dù thấy được tác hại do ô nhiễm môi trường, nhưng vì nhu cầu phát triển kinh tế nên địa phương cũng nhân nhượng; người dân chỉ thấy lợi trước mắt nên bất chấp quy định của Nhà nước, liên tục khai hoang mở rộng diện tích ao, đầm để nuôi tôm mặn lợ. “Nóng” nhất trong 2 năm lại đây là ở xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) khi chỉ trong 1 năm người dân ồ ạt chuyển hàng trăm ha đất đồi ven biển, thậm chí có doanh nghiệp còn thuê mượn mặt bằng Khu công nghiệp Đông Hồi sát biển, đầu tư hàng tỷ đồng để cải tạo thành ao nuôi tôm công nghiệp.
Tình hình tương tự tại huyện Quỳnh Lưu, khi người dân các xã An Hòa, Quỳnh Yên, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, Sơn Hải, Quỳnh Ngọc… tìm mọi cách cải tạo, đưa nước mặn vào ao, vườn để nuôi tôm bất chấp quy hoạch. Các vi phạm trên, sau khi được người dân phản ánh, xã và huyện đều kiểm tra, lập biên bản đình chỉ nhưng người dân vẫn lợi dụng sơ hở cải tạo ao, đầm để nuôi.
Nước thải từ đầm tôm được thải trực tiếp sang mương sản xuất muối của bà con xã Quỳnh Thuận. Ảnh: Nguyễn Hải |
Qua báo chí, Chi cục đã nhận được thông tin ô nhiễm môi trường do đầm tôm thải ra ở xóm Tân Minh, xã Quỳnh Lập. Trước mắt, UBND tỉnh đang giao cho UBND thị xã Hoàng Mai kiểm tra, giải quyết. Về phía Chi cục dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu quan trắc và xác định nguyên nhân gây ô nhiễm. Trên cơ sở xác định chủ thể gây ô nhiễm, Chi cục sẽ phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra hồ sơ bảo vệ môi trường và yêu cầu có giải pháp xử lý, khắc phục theo quy định.
Bên cạnh phá vỡ quy hoạch, mở rộng diện tích để nuôi tôm mặn lợ, gần đây địa bàn huyện Quỳnh Lưu có phong trào đưa tôm thẻ vào nuôi trong ruộng nước ngọt. Theo đó, sau khi cải tạo lại ao, người dân vẫn đưa tôm giống thả vào ao, đầm nước ngọt nuôi và thỉnh thoảng bỏ tỷ lệ muối 1/1.000 xuống ao, đầm nhằm tạo khoáng chất cho tôm.
Mặc dù năng suất và giá trị không bằng nuôi tôm mặn lợ, nhưng do ít rủi ro và lãi cao so với trồng lúa nên bà con nông dân đang hào hứng. Hiện tại, huyện Quỳnh Lưu có khoảng 45 ha tôm thẻ nước ngọt, trong đó, xã Quỳnh Yên khoảng 30 ha và số còn lại ở các xã Quỳnh Hưng và Quỳnh Ngọc.
Đối với nuôi tôm thẻ trong nước ngọt, mặc dù là mô hình mới và hiệu quả với bà con nông dân, nhưng huyện không khuyến khích mở rộng, vì nuôi tôm trong nước ngọt nhưng thực chất vẫn phải bỏ muối vào ruộng. Nếu quản lý, kiểm soát không tốt thì nguy cơ mặn hóa đồng ruộng và gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng đất sản xuất lúa.
Mương thoát nước của các đầm tôm gần như không có hải sản nào sống được. Ảnh: Nguyễn Hải |
Theo một chuyên gia nông nghiệp, để chuyển đất lúa sang nuôi trồng mặn lợ chỉ cần một vài vụ, nhưng để cải tạo, ngọt hóa một diện tích bị nhiễm mặn thì phải mất hàng trăm năm. Vì vậy, để giữ vững diện tích đất lúa và giảm tác hại của ô nhiễm môi trường của các vùng nuôi tôm công nghiệp đối với môi trường xung quanh, các địa phương phải đánh giá, rà soát lại quy hoạch, quản lý chặt chẽ các vùng nuôi tôm; khu vực nào không được phép chuyển đổi nuôi tôm thì phải giữ nguyên; các vi phạm, chuyển đổi đất trái phép phải được xử lý cương quyết và triệt để hơn.