'Nóng' tình trạng y dược tư nhân trái phép tại Nghệ An

Thanh Sơn 15/07/2019 15:24

(Baonghean) - Từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép, trái phép lại “tái” xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tình trạng này cho thấy: Hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm thực hiện chưa nghiêm và chưa thường xuyên.

Sở Y tế kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề y dược.
Sở Y tế kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược. Ảnh tư liệu

Nhiều cơ sở không phép, sai phạm

Thời gian qua, hoạt động hành nghề y, dược tư nhân tại Nghệ An phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng (đứng thứ 3 cả nước sau TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Tính đến năm 2019, tổng số cơ sở y, dược được cấp phép là 2.760 cơ sở (532 cơ sở hành nghề y, 2.237 cơ sở hành nghề dược).

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn, ngày 29/1/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND. Chỉ thị 03 ra đời chấn chỉnh hoạt động hành nghề y, dược tư nhân với sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành và các địa phương từ công tác tập huấn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật đến công tác thanh, kiểm tra.

Đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất quầy thuốc Trâm Anh ở xóm 1, xã Ngọc Sơn. Quầy thuốc này do chị Phạm Thị Thu ở xã Quỳnh Hưng làm chủ. Ảnh tư liệu

Qua đó, nhiều cơ sở hành nghề không phép đã được dẹp bỏ, cơ sở sai phạm đã được uốn nắn. Cụ thể: Trước khi Chỉ thị 03 ra đời, số cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép được các huyện rà soát, báo cáo là 685 cơ sở; sau khi triển khai Chỉ thị, tính đến ngày 30/9/2018 còn 83 cơ sở.

Tuy vậy, bước vào năm 2019, công tác quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược tư nhân dường như lại bị buông lỏng, lơ là nên các vi phạm lại trong quá trình khám, chữa bệnh lại xuất hiện với mật độ dày đặc. Các vi phạm phổ biến là: Hành nghề vượt quá phạm vi cho phép; quảng cáo quá phạm vi chuyên môn; biển hiệu ghi chưa đúng quy định; niêm yết giá thuốc và giá dịch vụ y tế không đầy đủ; người hành nghề không đúng chức danh, người phụ trách chuyên môn còn vắng mặt khi cơ sở hoạt động...

Kiểm tra quầy thuốc Đông Y ở Chợ Vinh.
Kiểm tra quầy thuốc Đông y ở chợ Vinh. Ảnh tư liệu

Cơ sở vi phạm điển hình là Phòng khám Đa Khoa Thái Dương (trực thuộc Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ thương mại Thái Dương) có địa chỉ tại số 99, đường Lê Lợi, thành phố Vinh. Ở cơ sở này, y tá “đội lốt” bác sĩ khám cho bệnh nhân; bệnh nhân không mắc bệnh vẫn “bắt” bệnh nhân có bệnh; không đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn... Khi nhận được phản ánh, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra và ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động.

Bên cạnh những vi phạm của các cơ sở hành nghề y dược có phép, từ đầu năm trở lại đây, cơ sở hành nghề không phép lại gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Những cơ sở không phép này bao gồm cả những cơ sở đã được đình chỉ nhưng tái hoạt động lại và cơ sở thành lập mới.

Đến hết tháng 5/2019, số cơ sở hành nghề không phép đang hoạt động là 181 cơ sở; tăng 98 cơ sở so với đợt thống kê trước). Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã tổ chức 2 đợt giám sát ngẫu nhiên và phát hiện thêm 19 phòng khám Răng Hàm Mặt không phép, không có tên trong danh sách thống kê báo cáo của UBND huyện, thị, thành phố.

Toàn tỉnh hiện có nhiều phòng khám nha khoa không phép chưa được thống kê. Ảnh: Thành Chung
Toàn tỉnh hiện có nhiều phòng khám nha khoa không phép chưa được thống kê. Ảnh: Thành Chung

Và từ đầu năm đến nay, những phòng khám nha khoa không phép này đã “gây họa” cho nhiều người. Điển hình là vụ việc vào tháng 1/2019, ông Ngũ Văn C. (SN 1959, trú xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An) đi làm dịch vụ răng tại Nha khoa Hoài Giang ở thị trấn Dùng. Tại đây, sau khi làm dịch vụ răng thì ông C. đột nhiên ngất xỉu. Nạn nhân đã được chuyển xuống bệnh viện huyện, tỉnh cấp cứu, điều trị nhưng sau đó đã tử vong.

Trong năm 2018, Sở Y tế đã thành lập 17 đoàn thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 49 cơ sở, số tiền 646 triệu đồng. Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã kiểm tra trên 1.000 cơ sở và xử lý gần 700 cơ sở vi phạm. UBND cấp huyện đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn. Tính đến ngày 31/5/2019, đình chỉ 504 cơ sở hành nghề không có giấy phép, xử phạt 222 lượt cơ sở với số tiền 865 triệu đồng.

Để Chỉ thị 03 được thực hiện nghiêm

Phóng viên Báo Nghệ An đã từng theo chân các đoàn thanh, kiểm tra, giám sát của ngành y tế Nghệ An về các địa phương như TX. Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, TP.Vinh và chứng thực: Tình trạng cơ sở hành nghề y, dược trái phép, không phép hiện vẫn rất phổ biến. Hoạt động thanh, kiểm tra xử phạt gặp nhiều khó khăn khi kiểm tra, xử lý 1 cơ sở thì đồng loạt các cơ sở không phép, trái phép khác trên cùng địa bàn đồng loạt đóng cửa. Trong khi đó lực lượng thanh, kiểm tra rất mỏng và thời gian hoạt động là không nhiều.

Một số phòng khám nha khoa không phép ở huyện Quỳnh Lưu đóng cửa tại thời điểm kiểm tra. Ảnh: Thành Chung
Kiểm tra một cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn thì hàng loạt cơ sở khác đóng cửa. Ảnh: Thành Chung

Phòng Y tế chỉ có 2 người nhưng nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành y tế rất rộng nên công tác quản lý về hành nghề y, dược tư nhân còn hạn chế, khi triển khai các hoạt động đều phải phối hợp với các đơn vị liên quan. Kinh phí để triển khai các hoạt động không có, nên khi tổ chức thanh kiểm tra gặp nhiều khó khăn.

Ông Trương Đức Năm - Trưởng phòng Y tế huyện Diễn Châu

Tình trạng cơ sở hành nghề y. dược tư nhân trái phép, không phép hoạt động mạnh trở lại đã cho thấy những thực tế: Việc thực hiện giám sát, hậu kiểm không nghiêm và chưa thường xuyên. Chính quyền cấp huyện, đặc biệt là cấp xã chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình và chưa có các giải pháp thích hợp để giải quyết triệt để hành nghề không phép trên địa bàn.

Nhiều địa phương còn giao phó trách nhiệm cho Phòng Y tế là chính, các ngành khác tham gia không đầy đủ và chưa nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Việc xử lý vi phạm hành chính các cơ sở hành nghề trái phép không nghiêm, chưa quyết liệt; còn có địa phương kiểm tra hành nghề không phép, nhưng không xử phạt vi phạm hành chính.

Thực trạng cơ sở hành nghề không phép, trái phép gia tăng đòi hỏi các cấp ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và thanh kiểm tra.

“UBND tỉnh cần đưa công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập theo đánh giá thực hiện Chỉ thị 03 vào tiêu chí đánh giá xếp loại cuối năm 2019 đối với UBND cấp huyện. Các huyện, thành, thị cũng cần đưa việc đánh giá thực hiện Chỉ thị 03 vào tiêu chí đánh giá xếp loại cuối năm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện chỉ thị không nghiêm; rà soát, lập danh sách địa chỉ cụ thể các cơ sở hành nghề không phép để kiểm tra xử lý nghiêm; bố trí nhân lực hợp lý, kinh phí chi cho công tác kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trong ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cấp UBND huyện”.

Bác sĩ Đậu Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An

Số cơ sở hành nghề y dược tư nhân không phép năm 2019 so với năm 2018: Đô Lương còn 91 (tăng 76 cơ sở); Thị xã Hoàng Mai còn 34 (tăng 27 cơ sở); Quỳnh Lưu còn 8 (tăng 8 cơ sở); Nam Đàn còn 2 (tăng 02 cơ sở); Con Cuông còn 4 (tăng 1 cơ sở); TP.Vinh còn 18 (tăng 1 cơ sở); Quế Phong còn 2 (tăng 2 cơ sở); Nghi Lộc còn 3 (tăng 3 cơ sở)...

Mới nhất

x
'Nóng' tình trạng y dược tư nhân trái phép tại Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO