Đưa sân khấu truyền thống gần hơn với khán giả

P.V: Thưa NSND Hồng Lựu, chúng tôi vừa được xem những chương trình nghệ thuật được đầu tư cả chiều sâu lẫn chiều rộng gần đây của Trung tâm và rất muốn biết vì sao trong khi dịch bệnh diễn tiến phức tạp mà trung tâm vẫn có những chương trình đẹp và hay đến vậy?

NSND Trịnh Hồng Lựu: Phải nói rằng đó là những nỗ lực vượt lên hoàn cảnh của các anh chị em diễn viên trung tâm. Vẫn biết dịch bệnh thì chúng ta phải ngồi yên và không tụ tập đông người, nhưng chúng tôi không thể cứ ngồi “nhìn ra” khi vẫn khát khao cống hiến, khát khao mang đến những thanh âm đẹp cho cuộc đời. Vậy là một kế hoạch diễn mà vẫn không tụ tập đông, diễn mà anh chị em diễn viên chỉ tập trung số người trong giới hạn cho phép của các chỉ thị phòng, chống dịch đã được lên chi tiết.

Đầu tiên là phải lên chương trình và chủ đề của mỗi số diễn. Trong thời điểm giãn cách xã hội thì việc lên dây cót tinh thần cho công chúng, biểu dương và ngợi ca ý chí, đức hy sinh của lực lượng tuyến đầu và tinh thần đoàn kết chống dịch là điều quan trọng nhất. Vì thế, chúng tôi đã phát động tinh thần sáng tác ca khúc chống dịch trong anh chị em diễn viên. Trung tâm may mắn hội tụ tất cả các nhạc sỹ ở các mảng, dân ca có, nhạc trẻ có, nhạc thính phòng cũng có. Thế là rất nhiều ca khúc mới về tinh thần đoàn kết chống dịch, ca ngợi các chiến sỹ tuyến đầu đã được ra đời. Các ca khúc là tiếng lòng, là tình cảm và cả những nỗi trăn trở của anh chị em diễn viên Trung tâm, vì thế nó thực sự là những ca khúc hay, chạm vào cảm xúc người nghe, người xem.

Khi tình hình dịch bệnh đang căng thẳng thì việc tập luyện vô cùng khó khăn, chúng tôi chỉ tập trung những diễn viên đã hoàn thành 2 mũi vắc xin, test Covid âm tính, và quan trọng hơn là không ở trong khu phong tỏa, hoặc cách ly y tế.

Dù đội hình còn thiếu, phải điều cả nhạc công làm diễn viên múa, diễn viên sân khấu kịch vốn chỉ quen vào vai kịch hát cũng đi múa. Thế là những động tác chuyên nghiệp, khó nhằn của một diễn viên múa thực thụ được chúng tôi giản lược đi, nhưng vẫn đảm bảo đẹp mắt, đảm bảo đúng phom đội hình, chuẩn chỉnh động tác. Ba ca khúc, tổ khúc đầu tiên được ra đời trong sự háo hức, nhiệt huyết và đầy khó khăn như thế.

P.V: Vậy thưa Nghệ sỹ, các tiết mục tuyên truyền trong số đầu tiên có được khán giả đón nhận như mong muốn không?

NSND Trịnh Hồng Lựu: Vì dịch bệnh nên chúng tôi đã chọn hình thức online thông qua các nền tảng nhà mạng, và may mắn được nhiều kênh của các nhà Đài hợp tác như VOV3, VCT6, Đài Truyền hình Nghệ An, Báo Nghệ An. Do đó, chúng tôi có cơ hội tiếp cận gần hơn với khán giả và vì thế cũng nhận được nhiều sự phản hồi của khán giả, đặc biệt là trong thời điểm thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, 15. Và qua đó chúng tôi được thấy rõ khán giả đang muốn gì, họ cần món ăn tinh thần gì ở thời điểm cả xã hội cùng chung tay đoàn kết chống dịch. Điều này cũng khiến chúng tôi một lần nữa cần sự thực tâm đánh giá ở họ, và qua đó được hoàn thiện từng tác phẩm của mình.

P.V: Như đã biết sứ mệnh của người nghệ sỹ chính là lan tỏa thông điệp yêu thương và định hướng dư luận. Vậy trong suốt thời gian hoạt động và cả hiện nay khi chúng ta chọn một lối đi để thích nghi mới, anh chị em nghệ sỹ Trung tâm lấy điều gì làm kim chỉ nam cho hành động của mình?

NSND Trịnh Hồng Lựu: Đúng như bạn nói, chúng tôi là đơn vị nghệ thuật của tỉnh chuyên phục vụ những sự kiện chính trị và các phong trào lớn trên địa bàn, đồng thời phục vụ đồng bào các huyện miền núi. Chúng tôi cũng mang sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca xứ Nghệ, thế nên việc chọn một hướng đi phù hợp với thực tiễn nhưng lại phải chuyên chở những giá trị tốt đẹp, đậm ý nghĩa tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng là một việc làm có tính bền lâu và luôn đi trước một bước.

Trong hoạt động nghệ thuật, chúng tôi luôn lấy tinh thần cổ vũ và lan tỏa cái đẹp làm định hướng, bên cạnh đó là nói rõ, nói đúng và trúng những quyết sách và giá trị nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Thế nên, dù ca hay kịch, dù các chương trình được biểu diễn cho những công chúng khó tính hay biểu diễn đại chúng trong các ngày lễ lớn, bao giờ chúng tôi cũng chọn những tác phẩm có tính ngợi ca, nhân rộng những điển hình, những nét đẹp văn hóa lồng vào đó là nét đẹp con người.

Nhiều tác phẩm của chúng tôi đi dự liên hoan từng đạt nhiều giải thưởng và đậm chất nghệ thuật, kỹ thuật của các loại hình, ca, múa, kịch. Là bởi chúng tôi luôn chuyên chở được tinh thần Xô viết, tinh thần cách mạng trên quê hương cách mạng, và dù yếu tố nội dung có đậm chất chính trị như thế thì vẫn toát lên chất con người, toát lên vẻ đẹp nghệ thuật của một tác phẩm ca múa, kịch truyền thống.

Ấy thế nên khi đi tham dự liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc, các đoàn bạn luôn chờ đợi sự xuất hiện của chúng tôi. Dù nhiều năm nay nguồn kinh phí ít ỏi, nhưng vượt lên tất cả anh em nghệ sỹ vẫn gặt hái rất nhiều giải thưởng danh giá.

Khi sáp nhập 2 đoàn nghệ thuật của tỉnh thì hoạt động càng mạnh thêm, chúng tôi bổ cứu được cho nhau về mặt con người, trở thành một tập thể đoàn kết và mạnh về chuyên môn.

P.V: Vâng, lại nói đến việc sáp nhập giữa hai đoàn nghệ thuật là Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh và Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, sau khi đi vào vận hành thì chúng ta đã có được nhiều thành quả đang ghi nhận, nhưng không thể nói là không có khó khăn. Vậy thưa Nghệ sỹ, khó khăn lớn nhất khi vận hành “hai trong một” là gì ạ?

NSND Trịnh Hồng Lựu: Trước hết đó là thuận lợi, thuận lợi vì chúng tôi có thêm sức mạnh về con người, có thêm sự đồng tâm hiệp lực để cùng nhau sáng tạo nên những giá trị nghệ thuật mới; cùng nhau đưa nền nghệ thuật tỉnh nhà có những bước phát triển mới.

Vậy còn khó khăn là gì? Đó là việc tìm tính đồng nhất trong hoạt động, tìm tiếng nói chung giữa các loại hình. Đối với Trung tâm Phát huy di sản, trước đây chúng tôi không có các chương trình tạp kỹ, cũng như không có chuyên môn sâu về các tác phẩm nhạc nhẹ, nhạc dân ca phát triển, các tác phẩm múa… Còn anh em Đoàn Ca múa dân tộc lại không có chuyên môn sâu về dân ca Nghệ Tĩnh, cũng chưa từng làm kịch hát bao giờ, nên việc tiếp cận cũng có những khó khăn.

Thế nhưng, vượt lên tất cả, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng một tập thể đoàn kết, ý chí, và đã sản xuất rất nhiều chương trình chất lượng. Điển hình là chương trình báo cáo năm của chúng tôi với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân ca và các tác phẩm âm nhạc mới đã tạo nên một bức tranh đẹp muôn màu và sinh động vô cùng, gần gũi với công chúng nhưng cũng tạo nên những giá trị nghệ thuật tuyên truyền cao.

 P.V: Quay trở lại với việc đưa sân khấu tới gần công chúng trong giai đoạn bình thường mới hiện nay, chúng ta sẽ đưa đến bằng cách nào, và sự đầu tư ra sao để hài hòa cả phần ca múa và phần sân khấu kịch truyền thống?

NSND Trịnh Hồng Lựu: Chúng tôi đã lên khung rất chặt chẽ các chương trình ca múa, đã biểu diễn được 5 số và liên tục nhận được sự phản hồi tích cực. Còn phần sân khấu kịch truyền thống chúng tôi đã diễn được 4 số vở kịch hát “Món hàng tội lỗi” có nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người và nhập cư trái phép. Chúng tôi chỉ xây dựng vở kịch trong vòng 1 tiếng bằng hình thức tương tác qua mạng xã hội. Khán giả xem và đặt câu hỏi ngay với các chuyên gia về vấn đề phòng, chống tệ nạn mua bán người và các thủ đoạn thường gặp cũng như cách thức phòng chống. Cùng với đó, chúng tôi giả định các kịch bản khác nhau để biểu diễn với các tình huống mà khán giả yêu cầu. Lần đầu tiên thử nghiệm nhưng rõ ràng cách thức này rất hiệu quả, nhất là trong thời kỳ dịch dã; trong thời đại số hóa và công chúng gần như đã bão hòa với các loại hình nghệ thuật. Chúng tôi đã quyết định sẽ xây dựng các chương trình theo từng chủ đề của tháng và chỉ thời lượng ngắn, như thế sẽ dễ đi vào lòng người và giúp người xem thụ hưởng nhanh hơn.

P.V: Sân khấu truyền thống dân ca xứ Nghệ chính là “mỏ vàng” bấy lâu, nay cũng bằng cách thức tương tác mới mà chúng ta đưa đến cho nó một giá trị khác. Không chỉ là giải thưởng trong các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp mà còn là giải thưởng bằng sự lắng đọng trong lòng công chúng. Vậy Trung tâm đã có chiến lược gì trong việc đưa sân khấu truyền thống đến công chúng bằng hình thức mới?

NSND Trịnh Hồng Lựu: Sau sự thành công của vở kịch “Món hàng tội lỗi”, vở diễn dù có thời lượng ngắn nhưng tính hiệu quả của thông điệp tuyên truyền rất cao. Vở cũng lấy được nhiều nước mắt của khán giả. Thế nên chúng tôi vẫn sẽ chọn cách thức ngắn mà hay, mà có cao trào nút thắt mở chặt chẽ; chọn điểm rơi thực sự làm lay động người xem.

Sân khấu của chúng ta chính là sân khấu cách mạng, nói tiếng nói của nhân dân, Đảng và Nhà nước nên chúng tôi vẫn muốn được biểu diễn lại những vở diễn kinh điển đã gặt nhiều giải thưởng như “Sáng mãi niềm tin”, “Cô gái sông Lam”… Đã là vở diễn kinh điển thì phải diễn lại bằng tinh thần đầy đủ nhất của bối cảnh lịch sử, phải chuyên chở được những giá trị có tính thời đại. Và các vở này chúng tôi cũng sẽ phát livestream trực tiếp qua các nền tảng mạng xã hội và các kênh fanpage của các nhà đài để tiếp cận gần hơn với khán giả.

Cùng với đó là các chương trình phục vụ đồng bào miền núi cũng sẽ được chúng tôi triển khai, đó là những tác phẩm đậm chất đồng bào, dân ca dân vũ của DTTS miền Tây xứ Nghệ, nhưng cũng là những tác phẩm âm nhạc ngợi ca cuộc sống, tình người, tình yêu… Khán giả sẽ có nhiều món ăn tinh thần ngon, vừa vặn; sẽ nhớ lâu và mong muốn được thưởng thức thường xuyên hơn nữa!

P.V: Cảm ơn NSND Hồng Lựu về cuộc trò chuyện!