NSND Minh Tuệ: Dựa lưng vào dân ca để nghe cuộc sống tươi đẹp

NSND Minh Tuệ nói rằng cả đời anh đắm mình trong từng vở diễn, sống chết với những vai diễn để có những khoảnh khắc sân khấu đáng nhớ cả đời. Vì thế đối với anh sân khấu kịch dân ca chính là nguồn sống, là tình yêu, là hạnh phúc...

Minh Tuệ sinh ra trong một gia đình chẳng có ai theo nghiệp cầm ca, ấy thế mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã nuôi chí lớn theo nghiệp nhà binh, dù rất có năng khiếu ca hát. Thế nhưng những năm 1983 – 1984 khi chưa kịp dùi mài kinh sử để theo con đường chẳng liên quan đến nghệ thuật thì anh được Trưởng Đoàn Cải lương Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ tìm gặp, và “cân giọng”, bởi người có con mắt tinh tường ấy đã từng nghe giọng Minh Tuệ hát cải lương trong một cuộc thi thố cấp trường và đã nhìn thấy “đường dài” trong chàng nam sinh quê huyện Anh Sơn.

Sau cái gật đầu nhập môn sân khấu cải lương, Minh Tuệ được Đoàn cử đi học bộ môn sân khấu cấp tốc tại Đại học Sân khấu điện ảnh và ở đây anh được đánh giá là học viên xuất sắc có tính sáng tạo cao trong các lớp diễn. Như dự đoán, ngay khi về Đoàn, Minh Tuệ nhanh chóng hoà nhập và đảm trách ngay những vai diễn chính. “Ngày đó chúng tôi đi diễn sướng lắm, bà con chen nhau đứng vòng trong vòng ngoài, rạp hát lúc nào cũng trong tình trạng chật kín như nêm. Có những đêm bà con chen nhau tới đổ cả hàng rào sắt nhà hát” – NSND Minh Tuệ hồi tưởng. Ấy thế, nên kép ca (diễn viên chính của sân khấu Cải lương, luôn phải là người  có tài năng, hội tụ đủ 4 yếu tố cơ bản: “Thanh – Sắc – Thục – Tinh”.  Minh Tuệ hội đủ những yếu tố đó và nhanh chóng nổi tiếng khắp sân khấu chuyên nghiệp cả nước. Trong những năm tháng sống trong “nhung lụa cải lương” Minh Tuệ đã kịp có cho mình tới 4 HCV, 1 HCB. Tiêu biểu là những vai diễn như: Kỹ sư Thanh Tùng người mang ánh sáng văn hoá, tri thức tới đồng bào vùng cao trong “Xôn xao rừng Quế” hay người bác sỹ tận tâm tận lực trong “Đứa con đồng đội”; tên thừa tướng xảo quyệt, tàn độc Sơlita trong “Âm mưu chốn hoàng cung”; và những vai diễn để đời khác, dù không có huy chương nhưng đánh dấu trong chặng hành trình dấn thân vào sân khấu chuyên nghiệp của anh là sự tìm tòi, khổ luyện và sáng tạo không ngừng.

Minh Tuệ không bao giờ bằng lòng với một tuýp vai diễn nào, anh luôn tìm tòi và thể nghiệm mới nhiều dạng vai khác nhau, từ kép ca, chính kịch, đến phản diện; những vị chính khách, vua chúa, đến những cán bộ thoái hóa biến chất, vai diễn nào anh cũng cố gắng trăn trở tìm tòi để có được hồn vía, tính cách, phong thái nhân vật tròn đầy nhất.

Khi cơ chế thay đổi, năm 2001, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh nhà gồm Đoàn Cải lương Bông sen trắng, Đoàn Chèo Nghệ An và Đoàn dân ca Nghệ An nhập lại thành một đoàn lấy tên Nhà hát dân ca Nghệ An (sau này là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ).Minh Tuệ được xem là nhân vật nòng cốt để chèo lái con thuyền kịch dân ca mới manh nha. “Hồi đó, mỗi vở diễn là một cuộc hội thảo, vừa lên lớp diễn, đạo diễn vừa phải thể nghiệm các làn điệu, các miếng mảng, thế nên kịch dân ca phải kế thừa nhiều ở các môn kịch truyền thống như cải lương hoặc chèo”. Trong những bước thể nghiệm đó, Minh Tuệ không những là diễn viên chủ lực mà còn cùng với đạo diễn tìm ra những hướng đi cho kịch dân ca. “Nếu ta chỉ lấy ví, giặm, hò (làn điệu lai) thì quá đơn điệu và không đủ sức để chuyển tải cảm xúc, kịch tính cho bộ môn sân khấu kịch hát dân ca đang còn non trẻ. Rất may trong quá trình thể nghiệm sân khấu hoá trước đây các nhạc sỹ, nghệ sỹ đã dày công tìm tòi nghiên cứu sáng tạo để chuyển hoá, Nghệ hoá từ một số làn điệu cơ bản của sân khấu chèo và cải lương sang dân ca, để kịch hát dân ca ví dặm trở thành một kịch chủng sân khấu kịch hát đủ sức đứng vững trong làng sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu kịch hát truyền thống nói riêng”.

Trong thời kỳ này, sân khấu kịch đã không được khán giả săn đón như trước vì có nhiều loại hình giải trí khác cạnh tranh. Thế nhưng Nhà hát dân ca vẫn có nhiều vở diễn chất lượng ra đời mà Minh Tuệ là một trong những diễn viên trụ cột vừa đảm nhiệm vai chính vừa cùng đạo diễn tìm tòi khai phá cho các tuyến nhân vật của vở.

Vai trưởng thôn Trần Hoạt trong Vũ cát, tác giả Vũ Quang Vinh, đạo diễn NSND Xuân Huyền đoạt HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc là một nhân vật gây được tiếng vang trong giới sân khấu cả nước. Vai diễn Trần Hoạt được đánh giá là vai diễn xuất sắc nhất thời điểm những năm 2003 – 2004 khi đến đâu người ta cũng chỉ gọi anh là “trưởng thôn Trần Hoạt” chứ không gọi tên diễn viên nữa.  Để có được Trần Hoạt sống động, chân thực vừa tiêu biểu cho một giai tầng trong xã hội vừa đảm bảo tính kịch cho một nhân vật, Minh Tuệ đã nhiều đêm trăn trở để sao cho Trần Hoạt hiện lên đầy đủ, sinh động và tiêu biểu. “Ban đầu đạo diễn chỉ yêu cầu vai này chỉ là vai phản diện, Trần Hoạt phải biểu thị được là một lão trưởng thôn tham lam, đam mê chức quyền. Nhưng tôi nghĩ, nếu để những tính cách đó hiện lên trực diện thì không hay lắm, không đắt cho tuyến nhân vật này, nên đã mạnh dạn đề xuất pha chút hài hước trong cách Trần Hoạt cười nói, xử lý tình huống, trong các lớp diễn. Tính hài sẽ giúp Trần Hoạt hiện lên xảo trá hơn, cái hài hước sẽ che đậy sự gian ác nham hiểm trong con người anh ta một cách tinh vi, và nhân vật này lên sân khấu sẽ đắt hơn” – Minh Tuệ nói. Từ những trăn trở đó vai diễn này xứng đáng tạo một bước ngoặt về diễn xuất cho Minh Tuệ trong những năm sân khấu không còn bán được vé, nhưng Nhà hát dân ca vẫn có tới hàng trăm buổi diễn khắp từ Nam chí Bắc.

Lại nói về việc đầu tư để có được những lớp diễn đắt giá, Minh Tuệ hồi tưởng, với anh những vai diễn được huy chương là những vai diễn mà anh đổ nhiều mồ hôi nước mắt, nhưng có những vai diễn không có huy chương nhưng lại khiến anh nhớ về nó như một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. “Nó làm nên Minh Tuệ và làm nên cuộc sống của tôi trên sâu khấu dân ca kịch” – Minh Tuệ nói. Đó là vai tên phản bội Tổ quốc Trần Văn Bường trong vở  “Nơi đất ở”, một trong những vở diễn được tham gia thể nghiệm ở sân khấu quốc tế. Sân khấu này chính là một cuộc hội thảo mà Việt Nam là chủ nhà đăng cai, với sự tham gia của các nước có nền sân khấu phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Australia. Cuộc thể nghiệm này được tổ chức nhằm chấn hưng lại nền sân khấu nước nhà đang có chiều hướng đi xuống. Vở diễn “Nơi đất ở”, tác giả Vũ Hải đạo diễn NSND Lê Hùng bậc thầy sân khấu làm đạo diễn đã có những bước thử sức mới từ cảnh trí đến lớp diễn. Minh Tuệ nhớ lại: “Vai Bường là một vai khá phức tạp, diễn viên vừa phải diễn thật tốt những diễn biến tâm lý ươn hèn, đang tâm phản bội đồng đội, vừa phải thể hiện được những dằn vặt giằng xé, sợ hãi và ân hận của anh ta khi trở về sau nhiều năm xa cách, khi nhìn thấy nấm mồ của con trai anh ta là liệt sỹ”. Minh Tuệ kể rằng cốt chuyện văn học và kịch bản hay đã cho anh rất nhiều cảm hứng. Bên cạnh đó, với cảnh trí sáng tạo, chỉ 16 cây tre cho tất cả các bối cảnh đã gây được những hiệu ứng sân khấu đặc biệt. Cũng chính từ hiệu ứng đặc biệt này mà khi vào cảnh Bường trở về nhà từ biệt vợ con để trốn sang Mỹ,  Minh Tuệ đã diễn xuất thần cảnh, tên Bường vì sợ Việt Minh truy đuổi đã trèo thoăn thoắt lên cây tre. “Riêng “miếng” này đã làm cho đạo diễn rất thích, anh Hùng nói không ngờ tôi xử lý được hay thế. Tôi thì cho rằng chỉ vì mình may mắn hồi nhỏ ở quê đã hay trèo cây cau hái quả cho mẹ nên đã ứng biến nhanh mà thôi”, Minh Tuệ kể.

Vai diễn mà anh cho rằng mình không nhận được huy chương nào từ hội diễn nhưng đã nhận được rất nhiều huy chương từ khán giả yêu mến sân khấu kịch dân ca, là nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở “Đại tướng của lòng dân”, năm 2013 tác giả Vũ Hải, đạo diễn NSND Lê Hùng. Vở diễn được xây dựng sau khi Đại tướng mất, cả dân tộc và muôn người dân Việt tiếc thương. Và bằng niềm tri ân, những diễn viên Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã dồn hết sức lực, tâm huyết, dành tình cảm vào từng vai diễn của mình. Riêng với Minh Tuệ anh đã dày công nghiên cứu từng cử chỉ dáng đi, giọng nói, cách ngắt nhả chữ của Đại tướng trong từng hoàn cảnh; giọng cười, ánh mắt của Đại tướng khi giao tiếp với bộ đội, với nhân dân. “Thật tình tôi cảm thấy rất lo lắng khi nhận vai này nhưng càng khó, càng nhiều thử thách tôi càng quyết tâm làm bằng được, và may mắn thay sau vai diễn nhiều người ngợi khen, “giống đấy ông Tuệ ạ”. Vở diễn này được công diễn rất nhiều nơi, nhiều tỉnh, thành và nhận được những phản hồi rất tích cực từ khán giả và giới chuyên môn. Đó là phần thưởng vô giá đối với tôi, là huy chương lấp lánh trên ngực áo dù không được trao thưởng” – Minh Tuệ cho biết.

 

Suốt quãng đời đứng sân khấu lúc thì vua lúc lại là tên phản bội Tổ quốc, lúc lại là nhà chính khách, vai diễn nào anh cũng để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả. Dù đã có trong tay tới 9 HCV, 3 HCB, nhưng Minh Tuệ luôn tâm niệm rằng mình còn phải nỗ lực nhiều nữa. Còn diễn là còn tìm tòi, còn học hỏi và còn phải trau dồi chuyên môn dù bây giờ anh luôn là người hướng dẫn cho lớp trẻ.

Dân ca muốn lan toả mạnh mẽ cần có sự trao truyền và với NSND Minh Tuệ, muốn trao truyền được, người nghệ sỹ cần là tấm gương sáng trong lao động và học tập. Bởi với người NSND trọn đời với nghiệp sân khấu này chỉ cần được diễn là thấy cuộc sống tươi đẹp biết nhường nào.