NSƯT Bạch Vân: Một đời mê đắm với ca trù

Nếu không nói chuyện với Bạch Vân, người nghệ sỹ nguyện hy sinh cả đời mình vì ca trù thì chúng tôi không thể hiểu được nguồn cơn của việc phục dựng ca trù nó khó khăn gian khổ như thế nào, càng không thể hiểu được cái hay, cái đẹp, cái đằm sâu của ca trù. Dù kinh qua hàng trăm ngàn năm ca trù vẫn vẹn nguyên những tinh túy khiến ai đã trót nghe là mê đắm, trót mê là bị dẫn dụ suốt cả cuộc đời.

NSUT Bạch Vân kể rằng cô là dòng dõi đời thứ 17 của Lê Thái Tổ, thế nên từ nhỏ cô đã có máu văn chương, thơ phú, đã hát hay. Gia đình của cô cũng là gia đình nghệ thuật, thửa nhỏ cô đã được đắm mình trong những khúc ngâm thơ đường của bố và những câu ví giận thương của mẹ. Cô cho rằng mình thừa hưởng năng khiếu ca hát từ mẹ, thừa hưởng những ẩn ức nợ nần khi đến với ca trù từ người mẹ đẹp và hát hay, ngâm Kiều giỏi.

Ngay từ năm học tiểu học Bạch Vân đã theo anh ra tận Thủ đô để học tập, thế nhưng trong một lần về quê thấy người ta tuyển sinh thanh nhạc liền xin vào hát thử. Cô chỉ vào hát có hai câu mà được Ban giám khảo tuyển thẳng cho đi học Trường Văn hoá – Nghệ thuật tỉnh. “Lúc đó người ta phát hiện tôi là nhờ cung Baritone trầm ấm trong các bài hát cách mạng cùng thời”. Thế nhưng, Bạch Vân phải ra Hà Nội theo học và lại được Ban giám đốc Trường Âm nhạc quốc gia mời đầu quân. “Lẽ ra Bạch Vân sẽ trở thành một ca sỹ hát thính phòng, thế nhưng không hiểu cuộc đời run rủi thế nào lại về Trường Đại học Văn hóa học về phê bình văn học. Có lẽ những nguyên cớ ấy đã dẫn dắt tôi đến với ca trù chăng?”

Cũng trong quá trình học tại Trường Đại học Văn hóa cô ngấm ca trù từ lúc nào không hay. Nghe một điệu ca trù cô như bị dẫn dụ vào những tinh túy men say của loại hình nghệ thuật này. “Tôi thường ví rằng ca trù trường tồn tại mãi vì nó là âm nhạc và thi ca, “nhập tịch xướng ca” là cách mà cha ông ta thường nói về nét đẹp của loại hình nghệ thuật này. Hát cô đầu xưa hay còn gọi là ca trù nó như là những giọt rượu được cha ông chưng cất từ nếp cái hoa vàng. Thế nhưng, khi giật mình nhìn lại thì người ta đã quên lãng ca trù. Thửa đó người ta gọi nôm là hát ả đào, hát cô đầu. Và cái loại hình hát ả đào và h át cô đầu đó bị chính những người mê đắm và gìn giữ nó như Quách Thị Hồ, Lê Thị Minh Đức, Chu Thị Năm, Chu Du… từng không thể chịu đựng sự ruồng rẫy của xã hội mà đành quay lưng, hoặc chỉ cất giữ đâu đó trong thẳm sâu ký ức”.

Dường như có một sức mạnh vô song nào đó, dường như có sự sai phái và xui khiến nào mà ngay từ thửa đó, khi công việc đã ổn định tại Sở Văn hóa Hà Nội, cô đã một mình lặng lẽ đi tìm lại ca trù ở khắp các làng quê, khắp hang cùng, ngõ hẻm. Đi chỉ để tìm một chút manh mối về ca trù để góp nhặt từng tý một cho các công trình bảo tồn của mình sau này. Thế nhưng, càng đi cái “chưng cất  từ rượu nếp cái hoa vàng” nó như càng lùi xa cô, càng không tìm ra manh mối. Rồi cô gặp được bà Quách Thị Hồ – người hát cô đầu hay nhất, lại hiểu về loại hình hát ả đào thửa ấy nhất Bắc Bộ, thế nhưng, bà không tiết lộ điều gì về thứ âm nhạc này. “Dù rất quý tôi nhưng có lẽ cái tiếng tăm rằng ca trù là đèn chiếu, là thấp hèn, là thân quan Tây đã khiến những con người từng được vinh danh, từng kiêu sa vào tận cửa đình nơi thờ cúng để hát cho các quan nghe, nay xa lánh những ai tìm đến ca trù”- Bạch Vân nói. Vậy là cô nhẫn nại đi đi, về về để mong bà chỉ dạy cho đôi ngón nghề và chỉ mong được nói chuyện với bà để hiểu sâu hơn về các tích ca trù. “Có những buổi vì không được bà truyền dạy mà tôi quỳ xuống dưới chân bà khóc mà rằng, nếu cô không dạy cho con thì ca trù đến thất truyền mất” – Bạch Vân kể.

“Thủa đó mỗi lần đi diễn giã để tìm về ngọn nguồn của ca trù là tôi phải tích trữ kinh phí bằng cách viết các bài phê bình đăng báo, thậm chí phải đi ngâm thơ, đi buôn để kiếm tiền nuôi dưỡng cho ngày ca trù được quay trở lại”. Thế mà đi mãi cô chỉ được tiếp cận ca trù chứ chưa thể xâm nhập được nó, chưa ai chịu nhận dạy cô, chưa ai chịu để ca trù có được cơ hội sống lại chỉ vì cái lễ giáo đương thời.

Gian nan là thế, cô độc là thế, thế nhưng Bạch Vân vẫn bền bỉ theo đuổi, chỉ mong có ngày ca trù lại lên ngôi. “Tôi đã từng tranh cãi với nhiều nhà lý luận phê bình rằng ca trù nó không chỉ là vốn quý của âm nhạc dân tộc, là di  sản phi vật thể của nhân loại, nó còn là phương tiện chuyên chở kết nối những giá trị nghệ thuật có tính sáng tạo cao giữa quá khứ và hiện tại, nó làm nên tầng nấc văn hoá cho mỗi vùng đất, con người, như một trầm tích văn hóa. “Tôi từng nói với nhà văn Đoàn Hương rằng, càng hiện đại bao nhiêu người ta càng phải tĩnh, người ta cần tĩnh để được chiêm nghiệm và có cơ hội sáng tạo. Thế là, tĩnh trong ca trù chính nó là cái điểm nhấn giá trị nhất trong đời sống hiện đại.”- Bạch Vân nói.

Đi và viết, viết và học; tích trữ và bồi đắp, có ngày Bạch Vân cũng đề đạt và thuyết phục được đại diện Bộ Văn hóa – Thông tin về việc ra mắt CLB hát cô đầu. Thế nhưng, nghe cái từ “hát cô đầu” thì xem ra nó không phải là một ngôn từ có thể chuyên chở được trên các văn bản. Thế là cô nghĩ ra một cách, lấy cái tên gọi loại hình này mà tình cờ cô đọc được trong một cuốn sách nghiên cứu về ca trù: hát cô đầu, hay ả đào, ta gọi chung là ca trù.

Kể từ đó CLB của cô với hơn 300 hội viên ra đời và có tên gọi mới sang trọng hơn, khoa học hơn và “văn bản” hơn:  CLB Ca trù.

Bạch Vân nói dù có đi đâu, làm gì cô cũng chỉ đáu đáu làm sao để ca trù lớn mạnh, và phải đưa nó đến được với đời sống dân sinh một cách mạnh mẽ và tự nhiên nhất. Thế là ngay từ những năm đầu thập kỷ 90, CLB Ca trù của cô đã có từ 200 – 300 hội viên chuyên và không chuyên biểu diễn khắp các sân đình, đền, chùa. Và dù đi biểu diễn nhiều, hầu như kín lịch trong tuần nhưng tháng nào Bạch Vân cũng phải bù lỗ tới 20 -30 triệu đồng để đảm bảo sự hoạt động đều tay của các thành viên CLB. Lại nói về chuyện lan tỏa tình yêu ca trù, cho đến nay dưới bàn tay tư vấn thiết kế và ươm mầm, Bạch Vân đã chung sức xây dựng thành công hầu hết các CLB ca trù miền Bắc và các tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh. Chỉ một chiếc xe máy cà tàng mà cô đi từ Hà Nội về Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ để gặp được vài nghệ nhân trăm tuổi, mong sao gây dựng cho được CLB ở mảnh đất này.

“Trước đây có người chuyên nghiên cứu về văn hóa dân gian nói rằng ca trù không có gốc ở Nghệ An, thế là tôi đi tìm các tích cũ được ghi lại trên các mái đình và giấy dó còn lưu trữ ở các đình, đền, các hương ước. Văn bản cũ nát, chữ Hán nôm không thấy ghi, nhưng may thay tôi còn thấy được hầu hết ở mái đình có hình ảnh cây đàn đáy và đó là gốc tích ca trù. Và việc gây dựng ca trù trên mảnh đất Thanh – Nghệ – Tĩnh cũng bắt nguồn từ đó.” Bạch Vân kể. Với 19 tỉnh, thành có ca trù thì có 13 CLB có dấu ấn phát hiện và gây dựng của Bạch Vân.

Bạch Vân nói cô không thể sống thiếu ca trù, ca trù là tình yêu, là nguồn sống. Cô đã phải hy sinh cả hạnh phúc riêng để được trọn vẹn tận hiến với ca trù. Cô chỉ sinh hoạt vỏn vẹn khoảng 5 – 7m2 trên gác xép của ngôi nhà nơi một góc phố nhỏ Thủ đô, phần dưới rộng hơn Bạch Vân cho thuê để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và bù lỗ cho CLB Ca trù của mình. Cô bảo không thể rời Hà Nội vì đó là gốc gác của ca trù, ở đó cô còn đi diễn mỗi đêm. Người yêu quý cô không chỉ khách Việt Nam, không chỉ những người thuần Việt xa quê, mà còn có cả những người nước ngoài ở tận châu Âu, châu Mỹ. Để rồi, từ khi ca trù chưa được cô khai sinh lần thứ hai, ca trù chưa được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể (ca trù được Unessco vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2009), thì Bạch Vân đã được nhiều nhà văn hóa nước ngoài ghi danh. “Không có Bạch Vân, không có ca trù Việt Nam như hiện nay.” – Một học giả người Cộng hòa Liên bang Đức cho biết.

Để ca trù trường tồn mãi trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, Bạch Vân cho rằng, ca trù phát triển được không dễ, không dễ nó mới trường tồn và càng ngấm càng say như rượu nếp cái hoa vàng. Thế nên, cô cực lực phản đối việc đào tạo cấp tốc, việc nở rộ các CLB Ca trù để vội vã vinh danh các nghệ nhân. Nghệ nhân dân gian phải là những người có vốn ca trù nhất định, phải truyền dạy được. “Nghệ nhân không thể chỉ hát được vài điệu, đánh được và phách và không thể dạy được cho ai. Nếu cứ phong vội vã, e có ngày thất truyền vốn quý mà cha ông để lại”. Bạch Vân cũng cho rằng: Ca trù có 99 thể cách nếu không học bài bản người hát không thể hát được trọn vẹn một thể chứ đừng nói hát 1 bài. Các ca nương ca trù hầu hết phải khổ luyện hằng năm trời cho một khúc luyến láy.

Với Bạch Vân: “Sau ca trù mới đến tình yêu đôi lứa, nên nếu ai đến với tôi mà không đủ tình yêu với ca trù thì tôi không thể đi cùng được”.

Và vì vậy, khi đã chọn ca trù là lẽ sống, NSƯT Bạch Vân nguyện xây cho ca trù những thành trì vững chắc, để ca trù trường tồn mãi trong dòng chảy văn hóa dân tộc.