Nữ bưu tá tâm huyết với nghề
(Baonghean) Đến nay, tuy bố chồng đã khuất núi mười năm, nhưng lời dạy của cụ sau khi “chuyển giao nghề” bưu tá cho con dâu khiến Nguyễn Thị Kim Oanh vẫn nhớ và luôn tận tâm với công việc mình đang làm.
Bố chồng chị Nguyễn Thị Kim Oanh (xóm 2 xã Nam Giang huyện Nam Đàn) là thương binh bị cụt một tay, khi phục viên trở về địa phương được xã tín nhiệm giao việc vận chuyển thư tín, công văn báo chí. Với ý chí của một “thương binh tàn nhưng không phế”, ngày ngày với chiếc xe đạp cũ và một túi bưu phẩm lớn, ông miệt mài đạp xe đưa đến từng địa chỉ, dù ngày nắng hay mưa. Năm 2000, sức khỏe giảm sút, không còn đủ sức để đưa thư, báo sau 37 năm gắn bó, thấy con dâu khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ông đề nghị chị thay mình tiếp tục công việc.
Chị Oanh chuẩn bị lên đường.
Những ngày đầu chị Oanh đi làm khá khó khăn, về đến nhà là mệt rã rời, trong lúc đó người phụ nữ còn bao nhiêu việc phải làm. Công việc tỷ mỉ ngày nào cũng giống ngày nào khiến cho chị rất chán nản. Thấy vậy, bố gọi chị và khuyên: "Con hãy chịu khó đi một thời gian sẽ thấy công việc này không đơn giản là việc làm. Bởi thù lao so với sức vóc của con chẳng bõ làm cố, nhưng đây là việc mình đưa niềm vui, niềm mong đợi đến cho nhiều người, con hãy nghĩ như vậy, dần dần sẽ thấy hứng thú”.
Nghĩ rằng, bố mình đã bị cụt một tay, lại có tuổi mà còn làm được, mình còn trẻ không lẽ không bằng bố. Thế rồi, công việc ngày nối ngày, chị Oanh quen dần, và cảm thấy hứng thú, nhất là khi thấy những đồng chí bí thư chi bộ mỗi khi cô đến muộn vì có việc đột xuất đều ngóng đợi.
Chồng làm ruộng và ngày nông nhàn đi làm thuê, hai con còn nhỏ, mọi việc trong nhà đều do bàn tay đảm đang của chị sắp xếp. Để có thêm thu nhập, chị tranh thủ làm tất cả những việc gì có thể. 2 năm nay, Khu công nghiệp Vina Kim Liên đi vào hoạt động, chị Oanh mua hàng khô và chế biến thức ăn sáng để bán cho công nhân. Để có thể hoàn thành hết khối lượng công việc của một ngày, chị phải dậy từ 5 giờ sáng. Để phát hết số thư, báo trong ngày, có khi đến tối mịt mới về đến nhà.
Ở xã, việc vận chuyển thư tín, công văn mỗi tháng chị Oanh được trả 70 ngàn đồng. Nhiều lúc chán nản, chị muốn bỏ việc về chạy chợ và làm ruộng, nhưng lời dạy của bố cứ văng vẳng bên tai và sự trông chờ, ngóng đợi của các bác bí thư xóm khiến chị thêm mạnh mẽ. Đến nay, mức thù lao đã được trả 300 ngàn đồng/tháng, nhưng may là chị Oanh đi xe đạp, chứ nếu đi xe máy thì không đủ tiền xăng.
Xã Nam Giang có 15 chi bộ trong đó 12 chi bộ nông thôn và 3 chi bộ trường học. Sinh thời, bố chồng rất thích đọc báo Nghệ An, nay bố đã mất, chị thấy mình cần tuyên truyền tờ báo mà bố mình thường đọc để cho nhiều đơn vị cùng đọc. Nghĩ là làm, trước đây, chị Oanh vận động trường học đặt báo Nghệ An, tuy nhiên, kỳ nghỉ hè trường cắt báo, vì vậy sau kỳ nghỉ hè, chị đã đề xuất với Bí thư Đảng ủy Nguyễn Khắc Văn đặt báo cho cả 3 trường học và được sự nhất trí.
Cần mẫn, chăm chỉ, mười năm làm bưu tá, là cả mười năm chị Nguyễn Thị Kim Oanh đều đạt danh hiệu xuất sắc và được nhận giấy khen của huyện. Nói về nghề của mình, chị Oanh cười thật hiền: "Bố không chỉ truyền nghề mà còn hướng sự yêu thích nghề nghiệp cho tôi. Chính vì vậy, dù thu nhập còn thấp, công việc vất vả nhưng tôi vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là lời hứa với người đã khuất…”.
Hà Linh