Kinh tế

Nữ CEO Nghệ An và câu chuyện truyền cảm hứng

Thanh Phúc 01/02/2025 14:03

Thuộc thế hệ 9X, học hành bài bản và có công việc ổn định với thu nhập đáng mơ ước, 2 cô gái bất ngờ “rẽ ngang” khởi nghiệp bằng những lĩnh vực mới mẻ. Câu chuyện khởi nghiệp của họ đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ…

Vũ Thị Thái An: Khát vọng một doanh nghiệp toàn cầu

bna_a1-1-.jpg
Chân dung CEO Vũ Thị Thái An trong buổi thuyết trình tại cuộc thi Techfest 2024. Ảnh: NVCC

Sinh năm 1991, trong một gia đình làm nghề kinh doanh ở phường Vinh Tân (TP. Vinh), tốt nghiệp THPT, Vũ Thị Thái An thi vào Khoa Quan hệ công chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau đó, An giành được học bổng du học Anh quốc ngành Thạc sĩ quản trị sự kiện quốc tế. Những năm tháng học tập ở Anh, có cơ hội được đi nhiều nơi trên thế giới, mỗi chuyến đi đối với An không chỉ là những trải nghiệm thú vị, “đi ngày đàng học sàng khôn” và từ đó đã hình thành trong An một ý tưởng khởi nghiệp về du lịch.

Vũ Thị Thái An chia sẻ: “Mười năm trước khi phượt cùng 2 người bạn Canada từ Bắc vào Nam, tôi nhận ra người nước ngoài ở Việt Nam gặp khó khăn trong giao tiếp, làm quen với môi trường hay văn hóa của người Việt.

Tương tự, 8 năm trước khi đi du lịch châu Âu một mình, tôi cũng thử đặt các app liên quan đến du lịch thời điểm đó nhưng đều không có sự cam kết của người cung cấp dịch vụ và mất rất nhiều thời gian cho người dùng. Bản thân các thành viên sáng lập của nhóm đã đi rất nhiều nơi và nhận ra mỗi nơi đều có sự ngăn cản về ngôn ngữ và rào cản về văn hóa, đó là điều khiến tôi cùng các bạn quyết định tạo ra Tubudd”.

An 2
Tubudd (cách gọi biến thể của “tour buddy” - “người bạn của chuyến đi”) chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2018. Ảnh: NVCC

Tubudd (cách gọi biến thể của “tour buddy” - “người bạn của chuyến đi”) chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2018, xuất phát từ ý tưởng của một nhóm du học sinh Việt Nam tại thành phố Manchester (Anh) do An đứng đầu. Tubudd ra đời và là nền tảng công nghệ phục vụ việc tìm kiếm và kết nối du khách với người bản địa, bao gồm cả hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp lẫn không chuyên.

Nền tảng Tubudd được vận hành rất đơn giản. Du khách chỉ cần truy cập website của Tubudd hoặc tải ứng dụng Tubudd trên điện thoại thông minh và lựa chọn điểm đến, những hướng dẫn viên bản địa với đầy đủ thông tin cá nhân đã ở sẵn trên đó để du khách lựa chọn. “Đặt hàng” một buddy, du khách sẽ có một người bạn đồng hành am hiểu những nơi mình sẽ đến trong suốt chuyến đi. Khách hàng cũng có thể liên hệ với hệ thống để được tư vấn trực tiếp. Và bất kể là 1 hay 2 tháng sau, hay ngay lập tức hôm sau lên đường, ở sân bay đã có sẵn một người bạn bản xứ đón tiếp, cùng họ bắt đầu hành trình khám phá của mình.

An và gia đình
Vũ Thị Thái An và gia đình tại phường Vinh Tân (TP.Vinh). Ảnh: NVCC

Nền tảng công nghệ du lịch này mang đến cho du khách những trải nghiệm với góc nhìn của người địa phương và có thể đến gần hơn với văn hóa bản địa. Một lợi thế khác của Tubudd so với các công ty du lịch truyền thống là khách du lịch không cần phải đi theo tour đã được lên lịch sẵn cùng với những người khác. Thay vào đó, hướng dẫn viên bản địa sẽ giúp khách lên kế hoạch cho hành trình hoặc đi theo hành trình, đến những nơi mà khách muốn. Ngoài ra, hướng dẫn viên bản địa còn là người bạn thân thiện với những nhóm khách du lịch đi theo gia đình, là phiên dịch viên cho các sự kiện, hội nghị của các công ty,…

Hoạt động ở nước ngoài 1 năm, đến năm 2018, Thái An đưa Dự án Tubudd về Việt Nam hoạt động. Khi được hỏi “Việc An quay về Việt Nam khởi nghiệp có phải là để “trả ơn quê hương” bằng cách tạo việc làm cho những người trẻ; là việc quảng bá, lan tỏa về Việt Nam đến với du khách năm châu, bốn biển?”, An đã không ngần ngại trả lời: “Nghĩ vậy thì to tát quá ! Đưa Tubudd về Việt Nam, tôi chỉ mong muốn đóng góp một phần, bằng những gì mình làm được để giúp người nước ngoài có cái nhìn khác, cái nhìn tích cực hơn về Việt Nam và phần nào đó, giúp người trẻ Việt Nam có thêm sân chơi, có thêm cơ hội để làm việc, trau dồi kiến thức với người nước ngoài”.

“Chân ướt, chân ráo” về Việt Nam được 1 năm, mọi thứ mới chỉ bắt đầu gây dựng thì đại dịch Covid-19 xảy ra, "đứt gãy" mọi hoạt động gồm du lịch, Tubudd cũng vậy, mọi thứ thay đổi hoàn toàn, không được đón du khách nước ngoài, rồi cả trong nước... Có thời điểm Tubudd tính đến nên đóng cửa hay tiếp tục, thì may mắn vẫn có khách hàng tìm đến. Là người đứng đầu, Thái An từng bước chèo lái giúp Tubudd duy trì doanh thu, lợi nhuận, trả lương đều đặn cho nhân sự.

bna_a.jpg
Vũ Thị Thái An tự nhận rằng, sinh ra và lớn lên ở Nghệ An nên tính cách Nghệ đã là bản chất của mình, làm việc gì là quyết tâm làm đến cùng. Ảnh: T.P

Thái An tự nhận rằng, sinh ra và lớn lên ở Nghệ An nên tính cách Nghệ đã là bản chất của mình, làm việc gì là quyết tâm làm đến cùng. Sau khi vượt qua đại dịch, tất cả các thành viên trong nhóm đã xốc lại tinh thần, hoàn thiện dự án và tiếp tục mang sản phẩm của mình “chinh chiến” không chỉ tại các thị trường khác mà còn tại các cuộc thi.

Thật bất ngờ, năm 2022, Tubudd chính thức trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được tham gia Cúp khởi nghiệp toàn cầu (EWC). Vượt qua hơn 10.000 dự án khác trên thế giới, Tubudd đã có mặt ở TOP 250 dự án xuất sắc nhất toàn cầu; năm 2023 TOP 3 Giải thưởng “She’s Next Visa Vietnam Grant Winner; TOP 5 Cuộc thi “NET ZERO TO HERO ESG Challenge in Taiwan; TOP 10 Cuộc thi “She Loves Tech Vietnam, Thailand, Cambodia”; Năm 2024, Tubudd lọt TOP 10 Startup World Cúp - là một cuộc thi về khởi nghiệp quy mô toàn cầu, nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới; TOP 3 Techfest 2024…

Hiện tại, Tubudd có 900 hướng dẫn viên bản địa (được gọi là “buddy”) tại 40 thành phố, 12 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó, có 700 hướng dẫn viên tại Việt Nam. Tubudd cũng là đối tác phát triển của các startup về lĩnh vực du lịch như Tripbtoz, dichungtaxi.com, ADDI Global,... nhằm cung cấp những dịch vụ toàn diện cho khách hàng.

33 tuổi, có trong tay 2 bằng đại học, tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh, xuất bản 1 cuốn sách, xây dựng được một doanh nghiệp với hàng chục giải thưởng, nhưng Vũ Thị Thái An chưa bao giờ tự bằng lòng với chính mình, với những thành công đã đạt được. “Khi có ước mơ và cố gắng hết sức để đạt được ước mơ đó thì theo một cách vô tình, một “khu vườn” đẹp sẽ được làm nên, nếu ai cũng xây một mảnh vườn như thế thì sẽ làm nên một bức tranh cuộc sống rất lớn, rất đẹp, tựa như xây một đất nước khát vọng... Khát vọng của riêng tôi là một doanh nghiệp toàn cầu, mang lại lợi ích cho toàn cầu chứ không chỉ trong phạm vi một đất nước”, Thái An chia sẻ.

Trần Thị Hồng Thắm: Cô gái muối

chân dung
Trần Thị Hồng Thắm với những dự án thiết thực đã tạo bước tiến dài trong việc nâng cao giá trị muối hạt truyền thống. Ảnh: T.P

Sau khi nghiên cứu thành công về mật muối, chế biến sâu về muối để ra mắt thị trường các sản phẩm như: muối dinh dưỡng, muối giảm mặn, muối ngâm chân…; năm 2024, Dự án muối Nanosalt của Trần Thị Hồng Thắm (SN 1992), ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) đã có những bước tiến dài trong việc nâng cao giá trị muối hạt truyền thống, tạo sinh kế ổn định cho nhiều bà con diêm dân.

Huyện Quỳnh Lưu có 660 ha cánh đồng muối, với khoảng 10.000 diêm dân, 12 hợp tác xã nghề muối còn hoạt động, mỗi năm sản lượng khoảng 50.000 tấn. Hiện cánh đồng muối Quỳnh Lưu có diện tích và sản lượng lớn nhất vùng miền Bắc và duyên hải Bắc miền Trung. Thế nhưng, những năm gần đây, hạt muối Quỳnh Lưu rớt giá, diêm dân lâm vào khó khăn khi thu nhập bấp bênh, những cánh đồng muối trở nên hoang hóa. Thắm cùng các cộng sự đã luôn trăn trở làm sao nâng giá trị hạt muối phơi cát của huyện Quỳnh Lưu. Và Dự án muối Nanosalt ra đời.

bna_muoi.jpg
Công nghệ phân tách đa tầng đã tạo ra những sản phẩm muối có giá trị từ nước ót muối. Ảnh: T.P

Theo đó, dự án đã sử dụng công nghệ phân tách đa tầng để chế biến sâu các sản phẩm từ muối hạt và nước ót (phần nước nhỉ ra sau khi thu hoạch muối hạt). Sau 3 năm, từ ý tưởng mới hình thành, nay dự án đã đi vào hoạt động, đến nay, dự án đã cho ra mắt 4 dòng sản phẩm với 22 loại muối chế biến các loại. Tất cả các sản phẩm muối của Nanosalt ra thị trường đều đạt tiêu chuẩn cao nhất trong ngành muối. Với các sản phẩm muối sức khỏe là tiêu chuẩn không phẩm màu, không chất điều vị nhân tạo, không chất bảo quản tổng hợp.

Cuối năm, bận rộn với những đơn hàng trong và ngoài nước, Trần Thị Hồng Thắm như con thoi, khi thì có mặt ở các kho muối của diêm dân, khi lại trong xưởng sản xuất, có khi lăn lộn lên tận rẻo cao Kỳ Sơn để xem xét vùng nguyên liệu gừng sẻ, rồi thấy chị xuất hiện trên tivi với những cuộc thi, dự án khởi nghiệp... Trò chuyện, Thắm chia sẻ: “Nếu như năm 2023, Dự án muối Nanosalt mới chỉ bắt tay vào thử nghiệm, thì đến nay, chúng tôi đã cung cấp ra thị trường hơn 1 triệu đơn vị sản phẩm muối các loại, cung cấp nguyên liệu muối cho thị trường các nhà chế biến nông sản và thực phẩm hàng nghìn tấn. Đặc biệt, mới đây (tháng 11/2024), Dự án muối Nanosalt vừa giành giải Nhất Cuộc thi "Thanh niên nông thôn khởi nghiệp" năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức; được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng giải pháp hữu ích, là đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tham dự Hội nghị Sở hữu trí tuệ ASEAN”.

bna_t3.jpg
Sự kết hợp giữa muối Quỳnh Lưu và gừng sẻ Kỳ Sơn đã cho ra đời dòng sản phẩm chăm sóc sức khoẻ được thị trường ưa chuộng. Ảnh: T.P

Dự án muối Nanosalt được Hội đồng giám khảo đánh giá cao nhiều điểm như ở sự sáng tạo về công nghệ, khả năng thực thi dự án, tính khả thi. Trong đó, tính lan tỏa tạo tác động xã hội của dự án được Hội đồng giám khảo đánh giá cao nhất. Dự án đã có nhiều tác động tốt đẹp, như tạo thêm nhiều việc làm cho diêm dân, tận dụng nguyên liệu dư thừa lãng phí trên cánh đồng muối, tạo ra nhiều sản phẩm muối có lợi cho sức khỏe con người. Thắm cho biết: “Với công nghệ sản xuất muối mới, Nanosalt đã hợp tác với 12 hợp tác xã nghề muối truyền thống tại Nghệ An để thu mua mật muối, mỗi tháng thu mua khoảng 300 tấn mật muối và 50 tấn muối thô, tạo thêm thu nhập cho bà con diêm dân. Từ một nguyên liệu bị lãng phí trên cánh đồng muối, mật muối trở thành hàng hóa có giá trị, là nguyên liệu dồi dào để chế biến ra nhiều loại khoáng biển tự nhiên thiết yếu, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho con người. Đây là lần đầu tiên có một dự án khoa học đánh thức được giá trị dược liệu trong hạt muối, nâng cao hiệu quả kinh tế từ muối hạt, giúp bà con diêm dân duy trì và phát triển nghề muối truyền thống”.

Mới đây nhất, trong một chuyến thiện nguyện tại huyện Kỳ Sơn, thấy đồng bào Mông trồng gừng sẻ trên núi cao, sản lượng khá lớn và đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Qua nắm bắt thông tin, loại gừng này đã được cấp chỉ dẫn địa lý, là loại gừng có nhiều đặc tính dược liệu cao nhất. Thắm đã nghĩ đến việc kết hợp gừng sẻ Kỳ Sơn với muối Nanosalt để tạo thành bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nghĩ là làm, Thắm và cộng sự bắt tay nghiên cứu và thương mại hóa bộ sản phẩm kết hợp giữa muối biển sâu – gừng núi cao thành những sản phẩm chăm sóc sức khỏe như: Nước cốt gừng tràm trà muối; Nước cốt gừng hà thủ ô muối Epsom ủ tóc; Muối gừng ngâm chân; Tinh dầu gừng muối Magie xoa bóp…

Bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm chế biến sâu từ muối, việc tìm kiếm thị trường luôn được các thành viên trong dự án đặc biệt quan tâm. Ngoài đẩy mạnh các kênh bán hàng truyền thống, Trần Thị Hồng Thắm đã dày công xây dựng mạng lưới phân phối trong cả nước với phương châm “chia sẻ lợi ích”. Đồng thời, đẩy mạnh các kênh bán hàng trên nền tảng số. Đến nay, Nanosalt đã cung cấp ra thị trường hơn 1 triệu sản phẩm muối các loại, cung cấp hàng nghìn tấn muối nguyên liệu cho các nhà chế biến nông sản và thực phẩm. Xây dựng đại lý tại 50 tỉnh, thành, hơn 2.000 điểm bán hàng, cung cấp thường xuyên các loại muối cho khoảng 10.000 khách hàng.

bna_t5.jpg
Ngoài đẩy mạnh các kênh bán hàng truyền thống, Trần Thị Hồng Thắm đã dày công xây dựng mạng lưới phân phối trong cả nước với phương châm “chia sẻ lợi ích”. Ảnh: T.P

Vậy là, ước mơ đưa muối Quỳnh vượt biển, xuất khẩu sang các nước đang dần được hiện thực hóa, khi Nanosalt đã có nhiều khách hàng tại nhiều nước tin dùng.

Cuối tháng 12/2024, Nanosalt đã có đại lý chính thức phân phối hàng hóa tại Lào. Để đạt được những thành công đến hôm nay, bản thân Trần Thị Hồng Thắm và Nanosalt đã trải qua rất nhiều những vất vả, gian nan. Tuy nhiên, như Trần Thị Hồng Thắm chia sẻ: “Hành trình khởi nghiệp chính là hành trình hoàn thiện bản thân mình. Đó không chỉ là hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng mà còn là hoàn thiện nhận thức xã hội, là tấm lòng chia sẻ với cộng sự, đồng hành cùng bà con diêm dân, thấu cảm và chia sẻ với những người khó khăn hơn mình. Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ những trải nghiệm bản thân đã tích lũy được trên hành trình khởi nghiệp cho những bạn trẻ đang mong muốn tìm lối đi riêng cho bản thân mình”. Do đó, dù bận rộn với công việc nhưng Thắm dường như chưa từ chối bất kỳ lời mời nào từ các trường đại học, cao đẳng và các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho các giới trẻ. Bởi với chị, “cho đi là còn mãi”.

Là những người mang trong mình đam mê, hoài bão lớn và luôn hướng đến một phiên bản "lớn hơn" của chính mình, 2 nữ CEO – 2 strap up luôn sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách, luôn giữ tinh thần truyền lửa đến cộng sự và những người xung quanh, câu chuyện khởi nghiệp của họ thực sự mang đến những cảm hứng cho giới trẻ...

Mới nhất

x
Nữ CEO Nghệ An và câu chuyện truyền cảm hứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO