Giải đáp mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn năm 2024
Nhiều bạn đọc hỏi, bước sang năm 2024, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn sẽ như thế nào?
Bạn đọc Phạm Thiệu ở Hà Nội hỏi: Quê tôi ở Hưng Yên, dịp Tết Dương lịch, tôi có về quê chơi. Xin hỏi, nếu bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào? Có bị giữ xe không? Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn năm 2024 có khác năm 2023 không?
Trả lời vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thu Trang (Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long) cho biết, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay vẫn được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) .
Cụ thể, đối với xe máy:
Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).
Mức phạt nồng độ cồn với ôtô như sau:
Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).
Về việc giữ xe vi phạm nồng độ cồn, Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết thêm, tạm giữ xe (hay tạm giữ phương tiện) là một hình thức xử phạt được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên. Như vậy, vi phạm nồng độ cồn có thể bị giữ xe đến 7 ngày.
Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết thêm, hiện nay, Bộ Công an đang dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của dự thảo này là quy định về ngưỡng nồng độ cồn vi phạm khi tham gia giao thông. Theo dự thảo, ngưỡng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông hiện nay vẫn ngưỡng 0. Việc này đang có nhiều ý kiến thảo luận.
Dự kiến Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội thông qua vào 5.2024. Khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được ban hành sẽ là cơ sở để xem xét có thay đổi quy định xử phạt nồng độ cồn theo quy định mới hay không.