Nụ cười Thái không tắt...
Trong lúc nguy nan nhất vì lũ lụt, người dân Thái Lan - “đất nước của những nụ cười” - vẫn biết cách để giữ cho mình và giúp những người xung quanh giữ lại niềm lạc quan và nụ cười vốn có.
Những ngày này, nếu đến khu liên hợp thể thao quốc gia ở trung tâm thủ đô Bangkok, siêu thị Mail hay tòa nhà Fashion..., nhiều người sẽ nhầm tưởng ở đây đang có hội hè. Những sân khấu ca nhạc được dựng lên, ca hát rộn rã suốt ngày. Các quầy thức ăn nhộn nhịp với đủ thứ món ăn bày biện, các dịch vụ khác như máy ATM, quầy phát thẻ điện thoại, phòng khám bệnh lẫn những quầy massage Thái để thư giãn cũng chẳng thiếu. Tất cả được tạo dựng nên chỉ để phục vụ những người Thái mất nhà, đi tránh lũ.
Người dân nhận thức ăn miễn phí ở một trại tạm lánh tại trung tâm Bangkok do người dân đóng góp và được những người tình nguyện nấu (ảnh chụp sáng 31-10) - Ảnh: Thuận Thắng
Giữ lại nụ cười
Tại tầng 3 khu nhà tránh lũ ở khu liên hợp thể thao quốc gia, chúng tôi gặp bà cụ Chaichai (76 tuổi), nhà ở tận Bang Bua Thong, cách nơi đây 40km. Bà nói đã vào đây 15 ngày. Bà Chatchai chân yếu nên đi lại khó khăn nhưng điều đó không ảnh hưởng lắm đến cuộc sống của bà ở trại tạm lánh.
“Mỗi bữa ăn tôi đều được các tình nguyện viên bưng cơm, nước uống đến tận chỗ nằm. Mỗi ngày họ đều cho tôi mượn điện thoại gọi cho con gái ở Bang Bua Thong để con tôi yên tâm. Nếu không chắc tôi sẽ lo lắng đến phát ốm mất” - bà cụ kể. Và ở khu tầng 3 dành cho người già tạm lánh này, cụ Chatchai không phải là người được biệt đãi, có gần 200 cụ già, tất cả đều được phục vụ chu đáo như vậy.
Cứ tưởng chỉ người già mới được nhiều sự chăm chút nhưng có đi hết khu tạm lánh mới thấy từ đầu cơn lũ đến nay, thường xuyên có từ 2.000-2.500 người đến tạm lánh lũ đều được trải nệm, chăn bông để ngủ. Các nhân viên vệ sinh thường xuyên túc trực để quét dọn nên chỗ trú ngụ của những người đi tránh lũ vẫn được giữ sạch sẽ. Ngoài cơm hộp được phát mỗi bữa thì luôn có một quầy hủ tiếu và bánh canh nóng hổi mà nếu có đói bụng, những người tạm lánh cũng không phải bỏ tiền ra mà chỉ việc xếp hàng để bưng ra khu nhà ăn lót dạ.
Để giảm bớt nỗi buồn, lo âu cho người đi tạm lánh, phía ngoài các khu nhà nghỉ, sân khấu ca nhạc được dựng lên, còn phía trong là ba buồng massage Thái miễn phí. Hôm đầu tiên chúng tôi đến đây, trên sân khấu là hai ban nhạc trẻ và ban nhạc thiếu nhi ca hát, còn hôm qua thì lạ mắt hơn là đội nhạc của cảnh sát hoàng gia và một vài nhóm hài của Bangkok đến biểu diễn phục vụ người dân.
Chị Suphahan - giảng viên Đại học Thammasat, trưởng nhóm tình nguyện viên của trường này đang giúp việc tại đây - nói: “Ở đây có hơn 2.000 người lánh nạn nhưng cũng có tới 2.000 tình nguyện viên đã đăng ký thay nhau phục vụ”. Chắc hẳn những người Thái đang mất nhà cửa vì lũ phải đi tạm lánh có thể chưa bớt lo âu nhưng ở một nơi ấm áp tình người và không khí hội hè tràn ngập như vậy thì nỗi buồn chắc cũng vơi đi ít nhiều.
Và câu chuyện về những nỗ lực để giữ lại sự tươi vui ấy của người Thái không chỉ thấy ở các trại tạm lánh. Ngày đầu tiên đến Bangkok, ở khu Don Muang nước bắt đầu ngập sâu, nhiều người bị kẹt trong lũ. Cứ ở đầu mỗi mép nước lũ trên đại lộ, chúng tôi lại gặp một vài bác tài giơ tấm bảng ghi chữ Thái. Người phiên dịch cho chúng tôi bảo rằng họ đang giơ biển cho đi nhờ xe, ai có nhu cầu thì cứ việc lên. Cũng vậy, ở đầu cầu Drung Thon nối bờ tây và bờ đông sông Chao Praya có sẵn một đội tình nguyện lau bugi để giúp những người chạy lũ bằng xe gắn máy không phải dang dở cuộc hành trình...
Nước Thái chung tay
Kinh phí ở đâu để Chính phủ Thái có thể phục vụ hơn cả nhu cầu ăn ở thông thường cho những người dân đi tránh lũ và chi viện đến người dân nhiều khu dân cư đang bị lũ cô lập? Câu trả lời là rất nhiều hoạt động cứu trợ được tổ chức quy củ lại không phải do chính phủ điều hành mà do các nhóm tình nguyện, các đảng phái, tập đoàn kinh tế và cả tự mỗi gia đình đứng ra tổ chức.
Sự chung tay của người Thái được thể hiện ngay từ những điều nhỏ nhất ở khu nhà tránh lũ. Các món ăn thêm như hủ tiếu, bánh canh... là của công chúa Ubol Ratana, con đầu của nhà vua Bhumibol Adulyadej, hỗ trợ. Các bác sĩ khám bệnh, thuốc men miễn phí là của 3 bệnh viện lớn tại Bangkok: Vibhram, Ramkhanhaeng và Vibhavadi tài trợ. Thẻ điện thoại miễn phí (mỗi ngày phát bốn lần, mỗi lần trị giá 20 baht) là của Hãng TRUE. Còn những thùng nước sạch là của Tập đoàn SCG mang đến...
Nhưng đó chưa phải là câu chuyện làm chúng tôi cảm thấy bất ngờ nhất. Hôm về nhà ông Quý, một Việt kiều (người phiên dịch cho chúng tôi trong những ngày ở Thái Lan) tại khu Somsamwa - một khu dân cư của người theo đạo Hồi ở quận Min Buri, chúng tôi đã gặp rất nhiều người dân theo đạo Phật từ trung tâm Bangkok về đây tránh lũ.
Khu Somsamwa có hơn 500 hộ dân thì có gần một nửa nhà mở rộng cửa cho người vào tránh lũ. Và không chỉ ở Somsamwa, ông Quý cho biết những ngày cuối tháng 10, khi có một cuộc tháo chạy khỏi Bangkok về các vùng ở nam và đông bắc Thái như Pattaya, Ko Rat, Samut Prakhan..., chính người dân ở đây cũng mở rộng cửa đón những người đi tránh lũ. Ngay cả ông Quý cũng dành hẳn một căn nhà của mình ở gần sông Chao Praya để hai gia đình người Thái vào tránh lũ. “Các trại tạm lánh ở Bangkok chỉ tiếp nhận hơn 11.000 người, còn lại đều là người Thái tự giúp nhau cả” - ông Quý nói.
Ông Abhisit Vejjajiva, cựu thủ tướng Thái Lan, nói với chúng tôi rằng dù nước Thái có hàng trăm đảng phái, từng xảy ra những xung khắc trong xã hội, nhưng trong lúc nguy nan này, những ai là người Thái đều không có một mục đích nào hơn là làm tất cả để dắt tay nhau vượt qua hoạn nạn.
Theo Tuổi trẻ