Nữ đại sứ da màu Linda Thomas-Greenfield: Định hướng ‘Ngoại giao Gumbo’ khôi phục vị thế Mỹ

(Baonghean.vn) - Linda Thomas-Greenfield thu hút sự chú ý của nước Mỹ khi dùng thuật ngữ “ngoại giao Gumbo” trong bài phát biểu chấp nhận đề cử làm đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ). Bà cam kết sẽ đi một hướng mới trong nỗ lực khôi phục vị thế nước Mỹ trên trường quốc tế, trong đó nổi bật là cách thức gây dựng niềm tin bằng sự chân thành và ấm áp như món súp gumbo bà từng nấu. Với giới chính trị, “Ngoại giao Gumbo” (Gumbo diplomacy) là một cách chơi chữ để đối chọi với “Gunboat diplomacy”, ý chỉ ngoại giao bằng chiến hạm và súng đạn.

Làm ngoại giao như nấu súp Gumbo

Trong suốt 35 năm phục vụ trong ngành đối ngoại, bà Thomas-Greenfield xây dựng các mối quan hệ bằng cách mời các đồng sự đến nhà cùng nấu súp Gumbo, một món ăn truyền thống của vùng Lousiana quê hương bà. Bà nói, đó là “cách để phá vỡ các rào cản, kết nối với người khác và nhìn mặt nhau nói chuyện như người với người”.

Khi được hỏi về công thức của món gumbo, Thomas-Greenfield chia sẻ “tôi không có”.  “Tôi chưa bao giờ nấu gumbo theo công thức. Tôi đã học được điều đó từ việc quan sát ”. Linh hoạt và tự điều chỉnh cũng chính là phong cách làm việc của nhà ngoại giao này. Bà dường như quen với việc tự mình tìm cách vượt qua những trở ngại, ghi lại những điều nên làm và không nên làm, đôi lúc “cương” nhưng có lúc phải “nhu”. Khi nói về sự linh hoạt, bà cho rằng điều đó là quan trọng nhưng cũng cần có những nguyên tắc nhất định. “Tôi không bao giờ dùng tương cà chua hoặc nước sốt khi nấu gumbo. Tôi ghét món súp màu đỏ… Gumbo nên có màu nâu”.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc được đề cử Linda Thomas-Greenfield trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 27/1. Ảnh: AP
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc được đề cử Linda Thomas-Greenfield trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 27/1. Ảnh: AP

Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, Thomas-Greenfield, 68 tuổi, đã có rất nhiều cơ hội để chia sẻ về món gumbo của quê hương ra khắp thế giới, từ Gambia, Kenya, Jamaica, Liberia, Pakistan cho đến Thụy Sỹ. Bà là người Mỹ gốc Phi, sinh ra tại một thị trấn nhỏ biệt lập ở Louisiana, là con cả trong gia đình có 8 người con. Cha bà là một người lao động tự do và không biết chữ. Mẹ bà là một đầu bếp. Bà là một trong số ít phụ nữ Mỹ gốc Phi được nhận vào Đại học Bang Louisiana vào những năm 1970, một ngôi trường phân biệt chủng tộc sâu sắc vào thời điểm đó.  Linda Thomas-Greenfield học cao học ở Wisconsin trước khi đầu quân cho Bộ Ngoại giao Mỹ vào đầu những năm 1980.

Bà bắt đầu làm việc tại cơ quan ngoại giao dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, sau đó là đại sứ tại Liberia dưới thời Tổng thống George W. Bush và trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi trong chính quyền Tổng thống Barack Obama. Năm 2017, sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, bà Linda Thomas-Greenfield bị buộc thôi việc. Giờ đây, bà đã sẵn sàng đảm nhận một trong những công việc ngoại giao cấp cao nhất của đất nước khi Tổng thống Joe Biden chọn bà làm đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.

Các nhân viên ngoại giao Mỹ hiện tại và trước đây đều ca ngợi Thomas-Greenfield là một ứng cử viên lý tưởng để khôi phục vị thế và xây dựng lại uy tín của Mỹ tại thể chế đa phương lớn nhất hành tinh này. Một số quan chức từng là cấp dưới hoặc biết rõ về Thomas-Greenfield mô tả bà là người ấm áp, dịu dàng nhưng vô cùng sắc sảo, dày dạn. Linda không có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Biden như những đồng nghiệp Antony Blinken (tân Ngoại trưởng) hay John Kerry (cựu Ngoại trưởng và nay là Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề khí hậu). Tuy nhiên, khi công bố đề cử, tân Tổng thống Biden khẳng định: “Thomas-Greenfield sẽ là một phần trong Nội các vì tôi muốn nghe quan điểm của bà ấy trong tất cả các cuộc thảo luận chính sách đối ngoại lớn”.

Sứ mệnh nặng nề

Đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương, khôi phục danh tiếng của nước Mỹ là mục tiêu xuyên suốt mà chính quyền Biden sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Thomas-Greenfield sẽ là một phần trong sứ mệnh đó. Sau 4 năm nước Mỹ “xao nhãng” với các thiết chế đa phương, trong đó có LHQ, việc lấy lại uy tín, khẳng định sự trở lại với vai trò tích cực hơn trong tổ chức này là nhiệm vụ đầu tiên và nặng nề nhất. Cách tiếp cận của bà Thomas-Greenfield được cho sẽ là mềm dẻo nhưng cũng quyết liệt. Trong phiên điều trần tại Thượng viện trước khi bỏ phiếu bổ nhiệm, bà tuyên bố sẽ sử dụng mọi “công cụ ngoại giao trong bộ công cụ” nhằm đảm bảo lợi ích cho nước Mỹ.

Bà Linda Thomas-Greenfield khi là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi gặp “sếp” John Kerry tại Lagos, Nigeria, ngày 25/1/2015. 	Ảnh: AP
Bà Linda Thomas-Greenfield khi là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi gặp “sếp” John Kerry tại Lagos, Nigeria, ngày 25/1/2015. Ảnh: AP

“Khi chúng ta muốn phát huy tầm ảnh hưởng phù hợp với các giá trị của mình thì Liên hợp quốc là một tổ chức không thể thiếu để thúc đẩy hòa bình, an ninh và hạnh phúc của chúng ta. Thay vào đó, nếu chúng ta rời đi và cho phép những người khác lấp đầy khoảng trống, thì cộng đồng sẽ phải gánh chịu tổn thất- và lợi ích của người Mỹ cũng vậy”

Nữ đại sứ Linda Thomas-Greenfield

Nhiều quan chức ngoại giao Mỹ nhận xét, nữ đại sứ tương lai sẽ đem những kinh nghiệm thành công trong hơn 3 thập niên làm ngoại giao cho nhiệm vụ nặng nề sắp tới. Còn với bà, kim chỉ nam cho mọi hành động và quyết định cũng khá đơn giản. “Tôi không có hình mẫu nào trong cuộc đời. Nhưng những gì tôi có là niềm hy vọng và ước mơ của mẹ tôi -  người đã dạy tôi từ rất sớm rằng tôi có thể đối mặt với bất kỳ thử thách hay nghịch cảnh nào với lòng từ bi và tử tế” bà chia sẻ trong chương trình TED Talk mới đây.

Bà đã bày tỏ lòng kính trọng đối với mẹ mình trong dòng tweet đầu tiên sau khi được đề cử vị trí trong chính quyền mới. “Mẹ tôi đã dạy tôi rằng, lãnh đạo bằng sức mạnh của lòng nhân ái và lòng trắc ẩn sẽ làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tôi đã mang theo bài học đó bên mình trong suốt sự nghiệp và nếu được xác nhận, tôi sẽ làm điều đó trên cương vị Đại sứ Mỹ tại LHQ”.

Cứng rắn với Trung Quốc

Uy tín và kinh nghiệm đã giúp Thomas-Greenfield nhận được sự ủng hộ của chính giới của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, một số ý kiến  còn băn khoăn khi cho rằng nhà ngoại giao này dường như có quan điểm “mềm” với Trung Quốc - quốc gia đang được xem là đối thủ an ninh hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước thượng viện hôm 27/1 bà Thomas-Greenfield đã nêu rõ quan điểm và khẳng định sẽ dành nhiệm kỳ đại sứ của mình tại LHQ để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an, kiềm chế nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đưa các công dân Trung Quốc vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại cơ quan đa phương này.

“Chúng ta biết Trung Quốc đang vận động khắp hệ thống LHQ để thúc đẩy một chương trình nghị sự trái ngược với các giá trị kiến tạo của tổ chức này - các giá trị của Mỹ. Họ sẽ thành công nếu chúng ta lùi bước. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra”  Thomas-Greenfield nói với các thượng nghị sỹ.

Bà Linda Thomas-Greenfield được nhận xét là nhà ngoại giao thân thiện và đáng tin cậy. Ảnh: AP
Bà Linda Thomas-Greenfield được nhận xét là nhà ngoại giao thân thiện và đáng tin cậy. Ảnh: AP

Những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa nhiều quan chức nước này vào các vị trí lãnh đạo tại LHQ, bao gồm các vị trí cấp cao tại Liên minh Viễn thông quốc tế hay Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế. Bà Thomas-Greenfield cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đưa những ngôn từ “gây tai hại” của nước này vào các nghị quyết của LHQ. Ngoài việc ngăn chặn hành động của Trung Quốc tại LHQ, bà Thomas-Greenfield cho biết sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo ở châu Phi, nơi Trung Quốc đang dốc sức đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, để đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh ở lục địa này.

Tất nhiên, với phong cách ngoại giao “có điều chỉnh” bà Thomas-Greenfield có thể vẫn tìm cách phối hợp với Trung Quốc để đạt được các mục tiêu của Tổng thống Biden trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và một số hồ sơ khác.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó. 

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

(Baonghean.vn) - Israel đang tiếp tục cuộc chiến ở Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ngày 11/4, trong bối cảnh lo ngại rằng Iran đang chuẩn bị tấn công Israel để đáp trả việc sát hại các chỉ huy cấp cao của Iran.