Nữ họa sỹ xứ Nghệ váng vất hồn quê

07/03/2016 20:36

(Baonghean) - Những bông sen hồng đang tỏa hương trong gió thu, những con đường ven làng hoa Hà Nội, chiếc xe đạp chở hoa làm rực cả một góc phố… Tôi hỏi người họa sỹ nhỏ nhắn đã vẽ Hà Nội bằng tất cả sự dịu dàng và tinh tế ấy: Chị hẳn là một “tiểu thư” Hà Thành? Nữ họa sỹ Võ Thanh Hưởng trả lời tôi cùng một thoáng cười xa xăm: Không, mình là gái gốc Nghệ

Một tác phẩm
Một tác phẩm "Tĩnh vật" của hoạ sỹ Võ Thanh Hưởng.

Ngôi nhà của chị nằm trên một con ngõ nhỏ ở Tây Hồ, Hà Nội, nơi nữ họa sĩ Võ Thanh Hưởng (hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội) sống và lặng lẽ sáng tạo nghệ thuật. Chị ngồi bên ô cửa đầy ánh nắng, và những bức tranh tươi tắn của chị như sáng bừng một niềm vui trước mắt tôi. Chỉ nhìn chúng cũng đủ biết rằng, chị yêu thiên nhiên đến vô cùng.

Chị nói, mình luôn mang cái cảm giác sững sờ khi đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Và cũng là chính nó, đã giục chị vẽ và vẽ. Có nhiều khi chị đã cho cảm giác nó tự chạy, tự tràn lên những gam màu của mình. Vậy mà vẫn có lúc vẫn như không kịp, vẫn như bất lực.

Chị ví dụ rằng, như lần về quê cách đây 6 năm. “Tôi đã ngỡ con sông Giăng ấy chỉ có ở trong mơ thôi. Vậy mà đúng là nó trước mắt tôi đây, hiền và mềm như một dải lụa trong sương”. Chị nói rằng, ngỡ ngàng cũng phải, vì mang tiếng là quê Nghệ nhưng chị sinh ra, lớn lên phần nhiều ở Hà Nội. Có một phần hồn cứ váng vất chốn quê, cứ thấy thiếu, cứ như người mắc nợ, để rồi mới vỡ òa khi đặt chân về Thanh Chương quê cha đất tổ. Quê còn nghèo, nhưng sao mà đẹp.

Hoạ sỹ Võ Thanh Hưởng
Hoạ sỹ Võ Thanh Hưởng

Lẽ ra, tôi phải thăm quê nhiều hơn nữa. Và quả thực tôi vẫn ao ước trở về... Võ Thanh Hưởng đã nói vậy với tất cả xúc động dâng lên khóe mắt mình. Trong suốt cuộc đời tha hương của mình, nữ họa sĩ đã kiếm tìm vẻ đẹp của những vùng đất mới, nhưng chị biết trong tâm hồn mình, ở góc khuất nào đó vẫn là một bức tranh về quê hương để đôi khi, không ồn ào vội vã, chị lặng lẽ nhớ về…Chị lại mơ, giấc mơ được vẽ con sông quê, mơ vẽ cái làVángng nhỏ với những người nghèo thuần hậu, chất phác. Mơ vẽ bát nước chè sóng sánh như mật với bao buồn vui rổn rảng quê nhà...

Sinh năm 1953, chủ yếu sống ở Hà Nội, Võ Thanh Hưởng thích vẽ từ nhỏ, đến năm 15, 16 tuổi, Thanh Hưởng đã được nhiều người, trong đó có các anh chị sinh viên mỹ thuật khen ngợi các bức tranh chị vẽ. Năm 1969 chị học Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp chuyên khoa Đồ chơi, đến 1985 học tiếp lên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên khoa Đồ họa. Từ năm 1974 chị đã công tác tại Phòng vẽ kỹ thuật của Viện Khảo cổ học. Công việc ở đây khá thú vị, bởi nó cho chị một cái nhìn riêng về hội họa gắn liền với góc độ tiếp cận của khảo cổ.

Thanh Hưởng được giao vẽ hiện vật, vẽ hiện trường khảo cổ, vẽ bìa sách, tạp chí… Nếu như độ chính xác đến từng milimet trên bản vẽ cho chị cái nhìn chân thực về đối tượng, thì những nét hoa văn trang trí, những họa tiết cổ xưa, những hình ảnh thấm đẫm màu thời gian đã mang lại cho người họa sĩ cái nhìn sâu thẳm dõi vào bên trong, để thấy được bản chất, vẻ đẹp tiềm ẩn và tính lịch sử của nó.

Chẳng vậy mà những năm 90 của thế kỷ trước, tranh của họa sĩ Võ Thanh Hưởng ít nhiều mang hơi hướng khảo cổ học. Màu thời gian cùng những chi tiết trang trí của khảo cổ được chị khéo léo đưa vào tác phẩm của mình, khiến chúng mang một vẻ cổ xưa, thâm trầm, giản dị mà tinh tế. Đó là những bức tranh vẽ bằng bột màu, giấy dó, chủ yếu sử dụng gam màu đen trắng hay xám ghi.

Một bức tranh bột màu mang tên “Tạm chia tay” được chị sáng tác năm 1996 có một bố cục rất lạ, mà Thanh Hưởng gọi là “bố cục chia hai”, vẽ về cuộc chia tay giữa anh bộ đội và cô gái. Rất nhiều người đã bình luận về bức tranh lạ lẫm ấy của chị, dành cho nó nhiều khen ngợi. Nhưng với chị, đơn giản, nó là hiện thực cuộc sống, nó giản dị như chính cuộc đời và nếu có một chút sắc màu khác lạ thì là bởi nó được vẽ bởi trái tim của một người nữ, một người nữ khao khát yêu thương, khao khát sự trọn vẹn nhưng cũng đầy kiên cường, và sẵn lòng chịu đựng, hy sinh.

Một cuốn sách về khảo cổ học do hoạ sỹ Thanh Hưởng vẽ bìa
Một cuốn sách về khảo cổ học do hoạ sỹ Thanh Hưởng vẽ bìa

Sau này chị vẽ chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu và acrylic, nhiều bức vẽ hoa, vẽ tĩnh vật hay phong cảnh của chị được bạn bè và người thân yêu thích như “Sinh hoa”, “Tĩnh vật”, “Góc phố bình yên”, “Góc sân của bé”, “Ngoại thành”…Tuy nhiên Thanh Hưởng vẽ không nhiều. Việc sáng tác nghệ thuật được chị coi là một công việc âm thầm và nghiêm túc.

“Tôi vẽ những gì mình thích, nhưng rất chú trọng kỹ thuật. Sau khi vẽ xong, nếu thấy chưa đẹp, tôi sẽ chỉnh sửa đến khi nào ưng ý thì thôi”, nữ họa sĩ tâm sự. Bởi vậy mà có thể một hay vài tháng chị mới vẽ được một bức tranh, nhưng ắt hẳn trong bức tranh đó phải là điều chị đã rung cảm, đã chờ đợi, đã nỗ lực diễn tả lại bằng ngôn ngữ của màu sắc và kĩ thuật hội họa.

Cũng có quãng thời gian trong cuộc đời, chị cảm thấy buồn bã, bế tắc, nhưng chính nó, hội họa, đã nâng chị dậy. Chị vùi tất cả cơn phiền muộn của mình vào nỗi đam mê sáng tạo, để mỗi sớm mai thức dậy lại thấy yêu hơn công việc của mình, yêu hơn những con người xung quanh, cảm nhận rõ hơn từng hơi thở cuộc sống, từng cánh lá run rẩy trong sương sớm, nụ hoa chúm chím dưới ánh bình minh và muôn vàn sắc màu đang nhen nhóm nên niềm vui sống.

Từ khi về hưu năm 2008, Thanh Hưởng dành nhiều thời gian hơn cho việc vẽ. Khi được hỏi về quan niệm nghệ thuật, chị trả lời thật giản dị: “Ai cũng thích cái đẹp, thể hiện và sáng tạo ra nó lại càng thích. Với tôi, vẽ tranh trước hết là để thỏa niềm đam mê sáng tạo của mình, sau nữa là để trang trí trên các bức tường của gia đình mình và bạn bè. Một bức tranh tươi tắn, đẹp mắt nếu được treo đúng chỗ sẽ mang lại cảm giác thoải mái, ấm áp cho mọi người”.

Và chị đã âm thầm làm người trang trí ấy cho những ngôi nhà. Căn phòng khách của chị sáng bừng lên bởi màu hồng của những cánh hoa trong tranh, chúng như lấp lánh mời gọi, như ân cần hỏi han, như hân hoan chào đón. Một số khách thích tranh, đến mua, một vài người bạn thân tình được chị tặng mang về nhà treo, bởi vậy mà niềm vui của chị dường như đang được chia sẻ và lan tỏa. Thanh Hưởng hài lòng vì điều đó.

Không chỉ thích trang trí các bức tường bằng nghệ thuật, chị còn là một phụ nữ yêu nội trợ. Sau những giờ miệt mài bên cây cọ, Thanh Hưởng thích được vào bếp, mầy mò đống gia vị, xoong nồi, nấu cho gia đình những món ăn ngon. “Không chỉ ngon, tôi muốn chúng còn phải đẹp mắt”, chị nói. Và một lần nữa, chị lại hứng thú làm cái công việc của người trang trí: nấu nướng và bày biện thật đẹp các món ăn. Chị vui vì những việc giản dị ấy đang góp phần tô điểm cho cuộc sống và mang lại niềm vui cho mọi người. Là phụ nữ, chị nói, bạn hãy biết tỏa sáng bằng những gì giản dị.

Dẫu là những món ăn được bày trên đĩa hay những bức tranh hoa, tranh phong cảnh với màu sắc nhẹ nhàng, trong sáng, thì công việc của nữ họa sĩ Võ Thanh Hưởng luôn hướng tới cái đẹp. Với chị, đẹp là phải tốt, cái đẹp luôn là cái tốt. Và chị tâm niệm dù trong những việc nhỏ bé nhất, con người cần phải làm cho thật đẹp, khi đó có nghĩa họ đã làm được điều tốt cho mình và cho những người xung quanh.

T.Vinh - Q.An

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nữ họa sỹ xứ Nghệ váng vất hồn quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO