Nữ quái cuỗm hơn nửa tỷ đồng của hàng xóm để 'chạy' việc

An Quỳnh 04/03/2024 18:19

(Baonghean.vn) - Lợi dụng sự tin tưởng của hàng xóm, Hồ Thị Thu Hà đã “tung tin” mình có nhiều mối quan hệ nên có thể xin được việc làm. Số tiền "chạy việc" Hà đã sử dụng hết vào mục đích cá nhân. Ngày phải hầu tòa, nhìn những đứa con nhỏ gọi tên mình, Hà mới bật khóc, nhận ra lỗi lầm… 

Từ những lá đơn tố cáo…

Giữa năm 2018, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Nam Đàn nhận được một loạt lá đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc xin vào Học viện Quân y và đi du học. Điều đáng nói, tất cả các nạn nhân viết đơn tố cáo đều là những người hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” của đối tượng lừa đảo.
Ngay sau khi nhận được đơn trình báo, Công an huyện nhanh chóng tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo, lấy lời khai của người bị hại và thu thập thông tin, tài liệu liên quan. Quá trình điều tra ban đầu, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an huyện Nam Đàn xác định được đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói trên là do Hồ Thị Thu Hà cầm đầu. Thực chất Hà là người không có nghề nghiệp ổn định, với tài “buôn đằng sóng, nói đằng gió”, đối tượng đã lừa đảo những người hàng xóm xung quanh mình. Thậm chí có những nạn nhân đã bị lừa đảo đến 3 lần.
Đầu tháng 7/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đàn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hồ Thị Thu Hà (SN 1988), trú tại khối Lam Sơn, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, quá trình điều tra vụ án, mặc dù Công an huyện đã tiến hành triệu tập, gọi hỏi nhiều lần để xác minh các nội dung liên quan, nhưng đối tượng Hồ Thị Thu Hà đã bỏ trốn khỏi địa phương. Công an huyện Nam Đàn đã chủ động phối hợp với Công an các đơn vị địa phương khác liên hệ với các tỉnh, thành, thị, những địa điểm mà nghi vấn Hồ Thị Thu Hà đang ẩn náu để xác minh và truy tìm tung tích.

Công an huyện Nam Đàn lấy lời khai đối tượng Hồ Thị Thu Hà. Ảnh: Tư liệu.
Công an huyện Nam Đàn lấy lời khai đối tượng Hồ Thị Thu Hà. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, lực lượng Công an huyện cũng thường xuyên cử cán bộ đến nhà của đối tượng để vận động người nhà cung cấp địa chỉ lẩn trốn nếu đối tượng Hà có liên lạc về. Nhờ sự kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp nên sau một thời gian tập trung theo dõi, nắm tình hình, Công an huyện Nam Đàn đã nắm được thông tin có một đối tượng nghi là Hồ Thị Thu Hà đang có mặt quanh khu vực quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
Ngay khi có tin báo, một Tổ công tác lên đường vào TP. Hồ Chí Minh để xác minh đối tượng Hồ Thị Thu Hà. Sau gần 1 tuần ròng rã theo dõi, vào cuối tháng 6/2018, khi xác định được chắc chắn đó là Hồ Thị Thu Hà, các trinh sát đã ập vào bắt giữ. Do bị vây bắt bất ngờ nên thị không kịp bỏ trốn, Tổ công tác đã tiến hành di lý đối tượng về trụ sở Công an huyện Nam Đàn.
Tại cơ quan Công an, trước nội dung trình báo của bị hại và các chứng cứ, tài liệu thu thập được, đối tượng Hồ Thị Thu Hà đã phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội và nhận thấy sẽ bị tố giác, Hà đã nhanh chóng bỏ trốn vào TP. Hồ Chí Minh để ẩn náu hòng tránh việc bị bắt giữ và xử lý trước pháp luật, nhưng không ngờ bị lực lượng Công an huyện Nam Đàn phát hiện và bắt giữ một cách nhanh chóng.

Vén màn chiêu trò “chạy việc”

Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, Hồ Thị Thu Hà khai nhận vì là hàng xóm của nhau nên biết được và lợi dụng việc chị Võ Thị S. (SN 1971) và bà Văn Thị Th. (SN 1964), đều trú tại thị trấn Nam Đàn đang tìm kiếm cơ hội cho con cái vào học trong các trường đại học và đi du học, nên Hà đã nghĩ ra chiêu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản tiêu xài cá nhân.
Khoảng tháng 11/2015, khi đến nhà thăm bố chồng ốm, Hà tình cờ gặp bà Võ Thị S. Thông qua cuộc trò chuyện, biết được con gái bà S. vừa học xong nhưng chưa có việc làm, Hà đã “nổ” rằng có khả năng xin vào biên chế Quân đội. Hà nói, giá trọn gói là 265 triệu đồng, nhưng phải đặt cọc trước 60 triệu đồng. Sốt ruột về công việc cho con gái sau khi ra trường, bà S. đã mang 60 triệu đồng đến đặt cọc cho Hà.
Để bà S. tin tưởng hơn, Hà nhận tiền và viết cam kết vào cuốn sổ tay của bà S. hứa sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền nếu sau 9 tháng không xin được việc. Không chỉ vậy, Hà còn tự đánh máy nội dung, lấy chữ ký trên mạng internet, photo, chỉnh sửa Quyết định quân nhân nữ nhập ngũ sau đi học của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 có tên con gái bà S. đi học khiến cho bà S. không mảy may nghi ngờ.

Hồ Thị Thu Hà tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Phạm Thủy
Hồ Thị Thu Hà tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Phạm Thủy

Sau đó, Hà cầm số tiền trên xuống TP Vinh gặp một người phụ nữ tên Vân (không rõ lai lịch, địa chỉ), để xin “chạy” vào Trường Cao đẳng Quân y, nhưng người phụ nữ này nói muốn vào đây phải mất 800 triệu đồng. Biết không đủ tiền “chạy việc” cho con gái bà S. nhưng Hà nhất quyết không chịu trả 60 triệu đồng tiền cọc mà mang về tiêu xài cá nhân.
Khi việc “chạy” vào Quân đội chưa thực hiện được thì tháng 3/2016, Hà tiếp tục ngon ngọt, tỉ tê với bà S. rằng, việc “chạy” vào biên chế Quân đội đang “vướng”, nếu như du học Úc về thì sẽ có lương cao hơn.
Vậy nên, bà S. đã nghe lời Hà cho con gái đi du học Úc với số tiền 500 triệu đồng, đặt cọc trước 66 triệu đồng nhờ Hà “chạy” du học cho con, số tiền còn lại sẽ nộp trước ngày lên máy bay.
Khoảng 3 tháng sau, thông qua mạng internet, Hà quen một người đàn ông Úc nên nảy sinh ý định tiếp tục lừa bà S. việc làm hồ sơ cho con gái đi du học theo diện miễn phí, học bổng du học toàn phần là 250 triệu đồng và bà S. tiếp tục đồng ý. Sau đó, với nhiều thủ đoạn tương tự, Hà tiếp tục yêu cầu bà S. gửi tiền để làm visa lao động, visa du học Úc. Tuy nhiên, đã đến thời hạn nhưng vẫn không thấy con mình có công việc, bà S. đòi lại số tiền đã đặt cọc.
Để kéo dài thời gian, Hà tiếp tục nghĩ ra chiêu thức lừa đảo mới. Tháng 1/2016, thông qua mạng internet, Hà biết được thông tin một công ty xăng dầu đang có nhu cầu tuyển dụng lao động tại Nghệ An nên giới thiệu cho Hoàng Văn Đ. (SN 1993), con trai bà S. nhằm chiếm đoạt số tiền 55 triệu đồng. Cam kết xin cho con trai bà S. không được nên Hà tiếp tục lừa bà S. chạy cho con vào biên chế Quân đội (kỹ thuật súng ống) với số tiền 250 triệu đồng. Do quá nóng lòng mong muốn con mình có việc làm, nên bà S. như bị cuốn vào vòng “chạy việc” do Hà vẽ lên mà không thoát ra được.
Cũng như những lần trước, bà S. tiếp tục đặt cọc 60 triệu đồng nhưng mãi vẫn không thấy con trai mình được nhận vào biên chế. Khi đến nhà đòi lại số tiền, Hà đã khéo léo, ngon ngọt “lái” bà S. cho con trai đi xuất khẩu lao động tại Úc với mục đích kéo dài thời gian trả tiền và chiếm đoạt thêm tài sản. Không dừng lại ở đó, bằng hình thức tương tự, Hà còn nhận chạy thủ tục đi xuất khẩu lao động, chạy phỏng vấn cho con bà S. và chiếm đoạt số tiền 84 triệu đồng. Tổng số tiền Hà chiếm đoạt của bà S. là 557 triệu đồng.
Cũng bằng chiêu thức trên, Hà còn lừa đảo bà Văn Thị Th., hàng xóm của Hà, chạy 2 suất học bổng du học tại Úc cho con gái bà này với số tiền 60 triệu đồng. Trong vụ án này, cơ quan điều tra còn phát hiện Nguyễn Sông Thao (Giám đốc Công ty cổ phần Du học quốc tế Nhật Minh Thịnh) bằng thủ đoạn tương tự đã lợi dụng Hồ Thị Thu Hà để chiếm đoạt số tiền 242 triệu đồng của bà Võ Thị S. vào năm 2016.

Những giây phút hối hận

Đầu tháng 5/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Hồ Thị Thu Hà (SN 1988), trú tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn và Nguyễn Sông Thao (SN 1982), quê tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (sinh sống tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngay từ sáng sớm, Hồ Thị Thu Hà được các cán bộ Công an dẫn giải đến tòa. Khác với dáng hình hoạt ngôn lúc “chạy việc”, Hồ Thị Thu Hà ngồi lặng lẽ, cúi gằm mặt nhìn vào đôi bàn tay bị còng. Khi thấy người chồng cũ đang dẫn 2 đứa con nhỏ vào tham dự phiên tòa, Hà bật khóc. Được biết, vợ chồng Hà đã ly hôn, hiện 2 đứa con đang sống cùng bố. Mặc dù đã đến giờ xét xử, song HĐXX phải tạm dừng phiên tòa trong thời gian ngắn để bị cáo Hồ Thị Thu Hà ổn định tâm lý. Sau khi bị cáo bình tĩnh trở lại, phiên xét xử mới bắt đầu.

Nguyễn Sông Thao (bên phải) đã lợi dụng Hồ Thị Thu Hà để chiếm đoạt tiền cho bản thân. Ảnh: Phạm Thủy.
Nguyễn Sông Thao (bên phải) đã lợi dụng Hồ Thị Thu Hà để chiếm đoạt tiền cho bản thân. Ảnh: Phạm Thủy

Tại phiên tòa, 2 bị cáo đã thành khẩn khai báo, thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Biện giải cho hành vi phạm tội của mình, bị cáo Hồ Thị Thu Hà nói rằng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn (bị cáo mồ côi bố mẹ, hiện đã ly hôn chồng), thiếu tiền tiêu xài nên “mới nghĩ ra cách lừa đảo như vậy”. Còn bị cáo Nguyễn Sông Thao cho rằng, do công ty đang làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất nên đã làm “liều” để lấy tiền trả nợ.
Tại phần tranh luận, một bị hại cho rằng: “Bị cáo Hà ý thức được bản thân không có khả năng chạy việc, không có mối quan hệ “ông nọ bà kia” song vẫn thực hiện việc lừa đảo nhiều lần, nhiều người. Như vậy có thể khẳng định, bị cáo cố tình phạm tội. Vì vậy, đề nghị tòa xử lý nghiêm minh, theo quy định của pháp luật”.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Hồ Thị Thu Hà và Nguyễn Sông Thao là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt. Tuy nhiên, các bị hại cũng có một phần lỗi khi đã tin tưởng mà nhiều lần đưa tiền cho các bị cáo. Giờ nghị án, Hà dáo dác nhìn xung quanh tìm con và bắt gặp ánh mắt người chồng cũ. Hà cúi mặt, lặng buồn. Tiếng gọi mẹ của 2 đứa con nhỏ khiến Hà khóc rưng rức. Chỉ vì lười lao động, tham tiền nên Hà đã lún sâu vào con đường phạm tội, để giờ đây hối hận thì đã quá muộn màng.
Xem xét toàn diện vụ án, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt Hồ Thị Thu Hà 12 năm tù, Nguyễn Sông Thao 6 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng Nguyễn Sông Thao hiện đang thi hành bản án 10 năm tù cùng tội danh trên nên tổng hình phạt mà Thao phải chịu là 16 năm tù. Về phần dân sự, buộc các bị cáo phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các nạn nhân.
Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử cũng khuyến cáo rằng, việc tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, cơ quan, đặc biệt là cơ quan Nhà nước thì phải có đợt tuyển chỉ tiêu để nộp hồ sơ, trải qua các vòng thi tuyển, xét tuyển theo quy định hiện hành. Ngoài ra, du học hay xuất khẩu lao động thì cần phải thông qua các công ty uy tín để làm hồ sơ, các quy trình, thi thố bắt buộc chứ không phải thông qua các cá nhân. Đây là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người khác để không bị những đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Mới nhất

x
Nữ quái cuỗm hơn nửa tỷ đồng của hàng xóm để 'chạy' việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO