Nữ sinh nghèo ở Nghệ An trở thành Đại sứ văn hóa đọc

(Baonghean.vn) - Phải gánh chịu bất hạnh ngay những năm đầu đời, nhưng Trần Thảo Nguyên đã không ngừng vươn lên và tìm niềm vui qua trang sách. Nữ sinh quê xứ Lường này vừa đạt giải trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc.

Nghịch cảnh cuộc đời

Hay tin Trần Thảo Nguyên (SN 2005, quê xã Trung Sơn, huyện Đô Lương), học sinh lớp 10A7, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner vừa đạt giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức, người thân, bạn bè đều gửi lời chúc mừng. Bởi đây là thành quả của một chặng đường vượt qua bao khó khăn, thử thách của cuộc sống.

Ảnh: Công Kiên
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Trần Thảo Nguyên luôn có ý chí, quyết tâm và tự tin vươn lên trong học tập. Ảnh: Công Kiên

Thảo Nguyên kể lại: “Khi biết tin đạt giải toàn quốc, người đầu tiên em nghĩ đến là mẹ, người đã gieo niềm say mê đọc sách cho em từ khi bập bẹ những con chữ đầu tiên. Kết quả hôm nay có một phần công sức rất lớn của mẹ, em mang ơn mẹ thật nhiều…”.

Do những xung khắc trong cuộc sống hôn nhân, gia đình, bố mẹ của Thảo Nguyên đã chia tay nhau khi em vừa bước vào lớp 1. Nhà có 3 chị em gái, em út theo bố, Thảo Nguyên và chị gái bị khuyết tật vận động ở cùng mẹ. Chị Phạm Thị Huệ (SN 1973), mẹ của Nguyên bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe yếu nên cuộc sống của 3 mẹ con vô cùng gieo neo.

Ảnh: Công Kiên
Say mê đọc sách từ nhỏ, Trần Thảo Nguyên đã tìm thấy trong những cuốn sách bao điều kỳ diệu. Ảnh: Công Kiên

Không đủ sức bươn chải với ruộng đồng, chị Huệ phải nhận chăm sóc người bệnh, chấp nhận sống xa các con. Chị gái cũng phải theo đoàn từ thiện của người khuyết đi khắp nơi bán tăm và hát rong kiếm sống. Có một thời gian Thảo Nguyên ở quê một mình, nhờ sự đùm đọc, cưu mang của họ hàng và bà con xóm giềng.

Cuộc sống bất hạnh và ngang trái nhưng cô bé Trần Thảo Nguyên luôn nuôi khát vọng và ý chí vươn lên. Người dân xã Trung Sơn (Đô Lương) luôn nhớ hình ảnh cô bé gầy nhom, quần áo cũ sờn ngày ngày chăm chỉ đến lớp, tay không mấy khi rời cuốn sách.

Ảnh: Công Kiên
Hễ có thời gian rảnh rỗi, Trần Thảo Nguyên lại tìm đến phòng đọc, thư viện và miệt mài với những cuốn sách. Ảnh: Công Kiên


“Gia đình khó khăn, có khi phải chạy ăn từng bữa nhưng mẹ vẫn dành một khoản tiền để mua sách cho em. Đi làm giúp việc, chủ nhà có sách, báo cũ mẹ cũng xin về cho em đọc, mẹ bảo chỉ có sách vở, tri thức mới giúp thay đổi được cuộc đời, không lặp lại con đường khổ cực như mẹ. Và sách, báo trở thành người bạn thân lúc nào không hay, giúp em gạt bỏ những ưu phiền và tự tin hơn trong cuộc sống”.

Trần Thảo Nguyên


Khát vọng tương lai

Làm bạn với sách, Thảo Nguyên có nền tảng kiến thức vững vàng và sự hiểu biết khá sâu rộng, đặc biệt là tri thức văn chương. Đây chính là cơ duyên để em đến với cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Bắt đầu từ việc được vào đội tuyển của huyện Đô Lương dự thi học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh, nhưng do dịch Covid-19 nên cuộc thi đã không diễn ra.

Nữ sinh lớp 9, Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương) vô cùng tiếc nuối, bởi công tập trung ôn tập mấy tháng trời mà không được thử sức. Vừa lúc ấy, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc dành cho lứa tuổi học sinh, sinh viên, cô giáo dạy Văn đã khuyến khích Thảo Nguyên thử sức ở sân chơi bổ ích này.

Ảnh: Công Kiên
Trần Thảo Nguyên (thứ 3, phải sang) tại buổi giao lưu, gặp gỡ học sinh, sinh viên đạt giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020. Ảnh: NVCC

Một lần nữa, thêm mấy tháng trời Thảo Nguyên lại ngày đêm miệt mài đầu tư công sức, trí tuệ cho việc hoàn thành tác phẩm dự thi. Với niềm đam mê và khả năng sẵn có, Thảo Nguyên quyết định tự mình sáng tạo tác phẩm để dự thi và thể hiện bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh). Đây cũng là tác phẩm đầu tay của em, có tựa đề “Chuyện của Giàng Mây”.

“Câu chuyện được lấy cảm hứng từ chính hoàn cảnh của gia đình, với cái nhìn của người trong cuộc, em đã cố gắng khắc họa nỗi đau, bất hạnh và nghị lực phi thường của cô bé Giàng Mây. Từ đó, em muốn gửi tới những người cùng cảnh ngộ thông điệp về tình yêu, sự kỳ diệu của những trang sách đối với cuộc đời cũng như sức mạnh của niềm tin với cuộc sống tương lai” – Thảo Nguyên chia sẻ.

Ảnh: Công Kiên
Trần Thảo Nguyên  (thứ 5, phải sang) tại buổi lễ trao thưởng đạt giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỏ chức. Ảnh: NVCC

Câu chuyện xoay quanh nhân vật Giàng Mây – cô bé 15 tuổi, người dân tộc thiểu số ở miền núi có hoàn cảnh rất đỗi éo le. Cha bỏ đi với người khác, mẹ mắc bệnh tim, em gái bị tật nguyền không đi lại được. Một mình mẹ tảo tần, bám lấy nương rẫy để lo cho chị em Giàng Mây.

Là cô bé chăm học và học giỏi, nhưng vì biến cố gia đình, cuộc sống ngày càng khó khăn, có lúc em gái phải đến bệnh xá quân y điều trị dài ngày, mẹ phải bỏ nương rẫy để chăm, Giàng Mây có ý định nghỉ học để gánh vác công việc cùng mẹ. Cô giáo dạy Văn đã tìm đến nhà động viên, khích lệ, tặng cho Giàng Mây bộ đồng phục mới và cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

Khi biết cô giáo cũng từng trải qua hoàn cảnh vất vả và tấm lòng yêu thương dành cho cô học trò bất hạnh, Giàng Mây vô cùng xúc động. Tình yêu thương của cô giáo và những điều kỳ diệu trong cuốn sách đã tiếp thêm ý chí, nghị lực cho cô bé. Ước mơ trở thành bác sỹ của Giàng Mây lại trỗi dậy, không thể cúi đầu trước số phận, cô bé quyết định bước lên phía tương lai…

Ảnh: Công Kiên
Trần Thảo Nguyên (trái) tham gia giao lưu, chia sẻ về niềm đam mê và khát vọng lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ. Ảnh: NVCC

Tác phẩm “Chuyện của Giàng Mây” đã đạt giải Sáng tác câu chuyện khuyến đọc song ngữ hay nhất tại Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh. Ở cấp toàn quốc, tác phẩm được Ban Tổ chức trao giải Khuyến khích và giải Nhất chuyên đề Sáng tác câu chuyện khuyến đọc song ngữ hay nhất.

Trần Thảo Nguyên chia sẻ: “Bây giờ, em đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, là thành viên của Làng trẻ SOS Vinh nên cuộc sống không còn vất vả, khó khăn như trước. Em sẽ tiếp tục gắn bó với sách để có thêm nhiều tri thức cuộc sống, mong ước sẽ góp phần làm lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ”.

“Qua tiếp xúc và trao đổi về bài dự thi của Trần Thảo Nguyên, chúng tôi thấy em là người thực sự đam mê với văn hóa đọc. Em là nữ sinh thông minh, sáng tạo và tự tin trong cách tiếp cận và thể hiện các vấn đề, giải thưởng đạt được là phần thưởng xứng đáng cho sự chăm chỉ, nỗ lực của em”.

Bà Nguyễn Thị Hòa – Phó Giám đốc Thư viện Nghệ An 

tin mới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.