Nữ thẩm phán hàn gắn hạnh phúc 'xế chiều' cho vợ chồng trí thức
Ông ví cuộc hôn nhân của mình như chiếc răng cuối cùng và đã bị sâu, nếu nhổ đi chả còn chiếc nào, mà giữ lại thì đau nhức.
Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên (Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND TP HCM) có hơn chục năm kinh nghiệm trong công tác xét xử. Được phân công giải quyết nhiều vụ án ly hôn, nhưng trải lòng của người đàn ông ngoài 60 tuổi về cuộc hôn nhân của mình, trong lần ra tòa vài năm trước tại TAND quận 11, khiến chị nhớ mãi. Đây cũng là một trong những "ca khó" mà chị đã hàn gắn thành công.
"Họ đoàn tụ, tiếp tục chung sống và xem tôi như người em thân thiết trong gia đình", nữ thẩm phán chia sẻ.
Vợ chồng ông bà đều là cán bộ về hưu, có 2-3 bằng đại học và bà từng là học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Trước đó không lâu họ còn làm lễ kỷ niệm 35 năm ngày cưới trong sự chúc mừng của họ hàng, bạn bè, con cháu. Nhưng giờ đến tòa, ông bà thể hiện tâm thế điềm tĩnh, sẵn sàng đón nhận những gì đến với cuộc hôn nhân của mình. Lần nào tòa mời, ông cũng chở bà đi. Họ vẫn gọi nhau bằng "anh, em" với giọng lịch thiệp.
Trả lời về nguyên nhân ly hôn, ông nói: "Cuộc hôn nhân của chúng tôi hiện nay ví như chiếc răng sâu cuối cùng của hai hàm răng. Nếu nhổ đi thì không còn chiếc nào mà để lại thì đau nhức. Nó hành hạ tôi ngày đêm thưa bà thẩm phán. Ly hôn là giải pháp cuối cùng giúp tôi giải thoát khỏi nỗi đau nhức đã hành hạ mình bấy lâu...".
Ông quay sang nhìn người bạn đời, giọng nhẹ nhàng: "Em ạ, em có biết rằng suốt mấy chục năm qua cuộc sống của anh chỉ có mùa đông lạnh lẽo không?". Bà nhìn ông, đáp: "Từ nay trở đi cuộc đời anh sẽ có cả mùa xuân, mùa hạ, mùa thu... Em đồng ý ly hôn để anh có thể cảm nhận được đầy đủ nhất cuộc sống".
Nữ thẩm phán Duyên trong một phiên tòa. |
"Kinh nghiệm sống và cả tri thức của ông bà khiến người thẩm phán chỉ bằng tuổi con, em như tôi khó mà giải quyết thấu tình đạt lý. Chính cuộc sống nề nếp của một gia đình có truyền thống gia giáo đôi khi khiến họ không dám thổ lộ ra bên ngoài cũng như đối diện với chính mình. Từ đó, mâu thuẫn cứ dồn nén kéo dài cho đến lúc không thể chịu đựng được. Họ quyết định ly hôn là giải pháp cuối cùng" - chị Duyên chia sẻ.
Để hòa giải đoàn tụ thành công, chị phải lắng nghe họ trải lòng qua nhiều buổi làm việc. Chị cũng tiếp xúc riêng từng người, và cuối cùng hiểu được những lý do tế nhị, khó nói của ông bà. Khi cảm nhận được những tâm tư, mong mỏi của họ dành cho nhau, chị quyết định làm "cầu nối".
Thẩm phán đưa cho ông bà mỗi người một tờ giấy, đề nghị họ viết hết những điểm tốt và chưa tốt về người bạn đời của mình, những được mất nếu ly hôn... Chị ngồi hàng giờ nghe họ kể về nhau; khơi gợi lại những kỷ niệm đã trải qua từ thời bao cấp, niềm hân hoan lúc chào đón đứa con đầu lòng, cũng như khi các con trưởng thành... Họ dần nguôi ngoai, chấp nhận hòa giải đoàn tụ.
Cũng như nhiều cặp vợ chồng khác ông bà thuận tình ký đơn ly hôn. Việc giải quyết yêu cầu của họ chỉ còn là thủ tục. Bởi, ai ra tòa cũng đều mang một tâm lý rằng mâu thuẫn trầm trọng kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được và mong muốn giải thoát cho nhau càng nhanh càng tốt.
"Nhưng với niềm tin nội tâm, tôi tin vợ chồng ông bà ấy sẽ níu kéo hạnh phúc cuối đời của mình, và điều đó đã thành hiện thực. Đó cũng là niềm vui tôi tìm thấy trong công việc của mình", nữ thẩm phán nói.
Theo quy định của Luật Tố tụng dân sự trước đây, hòa giải là thủ tục bắt buộc của thẩm phán khi giải quyết các vụ án ly hôn. Tuy nhiên, có những vụ việc qua nghiên cứu hồ sơ và tiếp xúc với đương sự, thẩm phán biết việc cố gắng níu kéo họ chỉ gây tổn thương, đau đớn cho cả hai.
"Khi giải quyết bất kỳ vụ ly hôn nào tôi đều hy vọng họ nghĩ lại, đoàn tụ với nhau. Nhưng cũng phải căn cứ vào tình trạng hôn nhân thực tế, chứ mình có muốn họ quay lại với nhau cũng không được", thẩm phán Duyên bày tỏ.