Nửa triệu tỷ đồng nợ xấu được 'dọn' trong 4 năm

06/12/2016 19:39

Gần một nửa trong 500.000 tỷ đồng nợ xấu được giải quyết từ năm 2012 đến nay là nhờ bán nợ, trong khi số được dọn dẹp qua xử lý tài sản đảm bảo lại chưa đến 1%.

Thông tin trên vừa được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Kim Anh cho biết tại Hội thảo về quyền xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng diễn ra ngày 6/12. PGS. TS Nguyễn Kim Anh đánh giá ngành ngân hàng đã nỗ lực sử dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu trong 4 năm qua. Đến hết năm 2015, toàn ngành đã "dọn dẹp" được 493.000 tỷ đồng nợ xấu. 55,4% được chính các nhà băng tự thu hồi, xử lý. Phần còn lại được bán qua Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) và bán cho một số tổ chức, cá nhân khác.

nua-trieu-ty-dong-no-xau-duoc-don-trong-4-nam

Các ngân hàng liên tục lúng túng trong việc thu đòi tài sản đảm bảo đáng lẽ thuộc quyền sử dụng của chính mình sau khi khách hàng mất khả năng chi trả.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, hơn 90% các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo nên việc đẩy mạnh bán, phát mại số tài sản này cần được chú trọng. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ qua hình thức này lại mới đạt chưa tới 14.000 tỷ đồng, chiếm chưa tới 1% số nợ xấu được xử lý.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng cho rằng giải quyết nợ xấu qua xử lý tài sản đảm bảo còn góp phần giảm gánh nặng về nguồn lực tài chính của ngân sách với "cục máu đông". Theo ông, các ngân hàng bán và phát mại nhanh tài sản bảo đảm không chỉ giúp xử lý ngay và dứt điểm hàng loạt khoản nợ xấu, khơi thông tín dụng mà còn hoạt hóa được khối tài sản khổng lồ trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng đang nằm bất động. Nhờ đó, tăng thêm nguồn cung cho thị trường bất động sản, tài chính và cả thị trường hàng hóa.

Thực tế nhiều ngân hàng cho biết, khi khách hàng mất khả năng thanh toán, nhà băng làm thủ tục thu hồi xử lý tài sản đảm bảo vô cùng khó khăn. Theo đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), vướng mắc nằm ở nhiều bên, từ việc áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đến quá trình xử lý qua khởi kiện, giai đoạn thi hành án. "Quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật cần được thay đổi, đó là phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ", đại diện ngân hàng này cho biết.

Tương tự, đại diện Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng cho rằng, việc xử lý nợ bị chậm hoặc bị trì hoãn do thủ tục kiện tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài. "Vì vậy, nhiều khách hàng muốn trì hoãn việc trả nợ đã vận dụng thủ tục này để yêu cầu ngân hàng phải giải quyết tranh chấp thông qua tòa án để trì hoãn việc xử lý", vị này nói.

Một diễn giả khác cũng dẫn những số liệu từ Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017 (Doing Business 2017 Report) của Ngân hàng Thế giới (World Bank) để cho thấy quá trình giải quyết tài sản đảm bảo theo con đường tòa án rất chông gai. Theo đó, thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp tại Việt Nam theo con đường tòa án là 400 ngày, với chi phí 29% giá trị khoản nợ. Chỉ số Chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5 trên 18.

Đồng thời, một báo cáo của Tổng cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cũng cho thấy, năm 2016 còn tồn đọng gần 16.000 vụ việc thi hành án dân sự liên quan tín dụng ngân hàng chưa được giải quyết với số tiền khoảng gần 59.000 tỷ đồng.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nửa triệu tỷ đồng nợ xấu được 'dọn' trong 4 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO