'Nước cờ' quyết đoán của Australia với Trung Quốc

(Baonghean.vn) - Quốc hội Australia vừa chính thức thông qua luật mới về quan hệ đối ngoại, cho phép chính phủ liên bang phủ quyết các thỏa thuận do chính quyền địa phương ký kết với các tổ chức và chính phủ nước ngoài.

Dù Australia tuyên bố không nhằm vào bất cứ quốc gia nào khi thông qua luật này, song mọi sự chú ý đều đổ dồn về Trung Quốc, với nguy cơ thỏa thuận “Vành đai, Con đường” ký kết giữa Trung Quốc với bang Victoria của Australia sẽ bị “xóa sổ”. Giới phân tích nhận định đây là “nước cờ” đầy quyết đoán của Australia nhằm ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc - vấn đề đang gây nên mối lo ngại ngày càng lớn trong chính giới Australia.

Mong manh “Vành đai, Con đường”

Luật về Quan hệ Đối ngoại mà Quốc hội Australia vừa thông qua sẽ được áp dụng với tất cả các thỏa thuận ký kết giữa Chính quyền các bang và vùng lãnh thổ, hội đồng địa phương và trường đại học công của Australia với nước ngoài. Theo lý giải của Chính phủ Australia, các bang và vùng lãnh thổ của quốc gia này đang ngày càng vươn ra thế giới, việc tăng cường hợp tác trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp mang lại rủi ro lớn hơn, đòi hỏi sự tham vấn và thẩm định nhiều hơn từ các cấp quản lý vĩ mô để đảm bảo chính quyền bang, địa phương, các tổ chức học thuật, nghiên cứu… hành động phù hợp với chính sách đối ngoại chung của liên bang. Với mục đích này, Luật về Quan hệ Đối ngoại của Australia cho phép Bộ trưởng Ngoại giao Australia hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận nào nếu xét thấy thỏa thuận đó không có lợi cho quan hệ đối ngoại hoặc không phù hợp với chính sách đối ngoại của Canberra.

Quốc hội Australia thông qua Luật về Quan hệ Đối ngoại. Ảnh: ABC News
Quốc hội Australia thông qua Luật về Quan hệ Đối ngoại. Ảnh: ABC News

Theo công bố của Chính phủ Australia, khoảng 130 thỏa thuận của các bang, vùng lãnh thổ với hơn 30 quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi luật mới. Nhưng thỏa thuận đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, và có nguy cơ trở thành “nạn nhân” đầu tiên của cơ chế “xét lại” này là thỏa thuận ký kết giữa bang Victoria với Trung Quốc để cùng nhau thực hiện các dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Thỏa thuận này được dư luận đặc biệt quan tâm là bởi ngay từ khi mới được ký kết, thỏa thuận đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, từ cả đảng đối lập tại bang Victoria cho tới chính quyền liên bang. Bản thân Thủ tướng Australia Scott Morrison đã liên tục lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này của bang Victoria, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng việc thông qua Luật về Quan hệ Đối ngoại chính là cách mà ông Morrison buộc phải thực hiện để ngăn cản bằng được Victoria xúc tiến những dự án trong khuôn khổ “Vành đai, Con đường”.

Ngay sau khi luật mới được thông qua, Bộ Thương mại Australia đã cho biết, bang Victoria có 3 tháng để chứng minh cho chính quyền liên bang thấy thỏa thuận “Vành đai, Con đường” phù hợp với lợi ích quốc gia của Australia cũng như đảm bảo các quy định trong luật. Tuy nhiên, khả năng bang Victoria có thể vượt qua được “ải” Luật về Quan hệ Đối ngoại là rất thấp, xuất phát từ nhiều mối lo ngại đã nảy sinh xung quanh bản thỏa thuận mà Thủ hiến bang Daniel Andrews từng ký với Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp hồi năm 2018. Khi đó, ông Daniel Andrews từng tuyên bố, thỏa thuận nhằm hiện thực hóa chương trình phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử phát triển của Victoria, từ đó thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Victoria và Trung Quốc. Nhưng thỏa thuận giữa Victoria và Trung Quốc có xu hướng mở rộng ra khỏi khuôn khổ đầu tư cơ sở hạ tầng sang các lĩnh vực khác như công nghệ sinh học, nông nghiệp, thực phẩm, mỹ phẩm và nhiều ngành công nghiệp khác. Xu hướng mở rộng này làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ Victoria rơi vào “chính sách bẫy nợ” mà giới chuyên gia từng cảnh báo với các quốc gia tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Chưa tính tới xác suất nguy cơ có thể xảy ra là bao nhiêu, nhưng riêng việc không một bang nào tại Australia ký thỏa thuận với Trung Quốc như Victoria đã đủ đặt ra những dấu hỏi lớn.

Bên cạnh thỏa thuận trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường” giữa Trung Quốc với Victoria, một số thỏa thuận khác cũng được xếp vào nhóm nguy cơ cao như thỏa thuận giữa Trung Quốc với bang North Australia, South Australia và Tasmania trong các lĩnh vực như hợp tác đầu tư, khoa học và tiếp cận Nam Cực.

Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews và Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp ký thỏa thuận triển khai “Vành đai, Con đường” năm 2018. Ảnh: ASPI Strategy
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews và Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp ký thỏa thuận triển khai “Vành đai, Con đường” năm 2018. Ảnh: ASPI Strategy

Bài toán lợi ích - chủ quyền

Việc tìm cách chặn thỏa thuận thực hiện sáng kiến “Vành đai, Con đường” mà bang Victoria đã ký được nhìn nhận như một động thái quyết đoán của Australia, khẳng định cách tiếp cận không nhượng bộ của ông Boris Morrison trong mối quan hệ căng thẳng gần đây với Bắc Kinh. Nhận định này hoàn toàn có lý khi nhìn vào hàng loạt diễn biến giữa hai bên, như việc Australia cấm Tập đoàn Viễn thông Huawei tham gia phát triển mạng 5G, kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Sar-CoV-2, đáp lại là việc Trung Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt với sản phẩm thịt bò và lúa mạch của Australia, và gần đây nhất là những tranh cãi liên quan đến việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng hình ảnh một người lính Australia tại Afghanistan - bức ảnh mà phía Australia cáo buộc là “ảnh dàn dựng”.

Việc Australia thông qua Luật về Quan hệ Đối ngoại không chỉ được nhìn nhận là động thái đáp trả trong quan hệ ngoại giao đơn thuần và mang tầm chiến lược cao hơn, dựa trên nhận thức về sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực cũng như với chính Australia thời gian gần đây.

Với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập từ năm 2014, đến nay Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Dù vậy, bên cạnh những hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại theo chiều hướng hai bên cùng có lợi, trong chính giới Australia ngày càng xuất hiện những quan ngại địa chiến lược về sự trỗi dậy của Trung Quốc, về sự gia tăng ảnh hưởng và can thiệp của Trung Quốc tại khu vực cũng như với riêng Australia.

Đó là lý do Australia cực kỳ thận trọng với sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Những người ủng hộ sáng kiến này cho rằng tham gia sáng kiến là cơ hội thúc đẩy thương mại, tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác, cơ hội việc làm cho doanh nghiệp Australia, đồng thời giúp Australia tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trên toàn mạng lưới “Vành đai, Con đường”.

Thủ tướng Australia Scott Morrison có cách tiếp cận quyết đoán trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ảnh: Asia Times
Thủ tướng Australia Scott Morrison có cách tiếp cận quyết đoán trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ảnh: Asia Times

Nhưng ở chiều ngược lại, giới an ninh và quốc phòng của Australia lại lo ngại về các mối đe dọa với chủ quyền do sự can thiệp của Trung Quốc thông qua các công cụ kinh tế, làm xói mòn vai trò của Mỹ cũng như các cường quốc khác trong khu vực. Nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu khi Trung Quốc có quyền sở hữu nước ngoài với hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như cầu cảng, năng lượng, đường sá, từ đó sử dụng quyền sở hữu này như một “đòn bẩy” để tác động vào chính sách của Australia. Việc chính quyền vùng lãnh thổ Bắc Australia cho Tập đoàn Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin - nơi binh sĩ Mỹ từng đóng quân là một trong những dự án đang được nhìn nhận với tâm lý lo ngại như thế.

Với Luật về Quan hệ Đối ngoại, rõ ràng Australia muốn ngăn chặn khả năng xảy ra những “dự án Darwin” thứ hai, thứ ba… trong tương lai. Nhưng người theo trường phái thận trọng ở Australia cho rằng, Trung Quốc chắc chắn sẽ là một đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư của Australia, nhưng khi phải đối mặt với bài toán lợi ích - chủ quyền, sự lựa chọn của Australia luôn nằm ở vế sau.

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.