Nước Đức sắp có nghĩa vụ quân sự bắt buộc trở lại? Tổng thống Steinmeier kêu gọi tranh luận toàn quốc
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi một cuộc tranh luận trên toàn quốc về việc tái áp đặt chế độ quân dịch bắt buộc, nhấn mạnh rằng Berlin cần phải tăng cường lực lượng vũ trang trong bối cảnh mà ông mô tả là các mối đe dọa an ninh ngày càng leo thang ở châu Âu.

Chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đã được tạm dừng ở Đức vào năm 2011. Mặc dù không hoạt động, khuôn khổ pháp lý cho việc nhập ngũ vẫn còn nguyên vẹn và có thể được kích hoạt lại bằng một đa số đơn giản tại Quốc hội. Tuy nhiên, việc quay trở lại trên quy mô toàn diện, bao gồm cả phụ nữ, sẽ đòi hỏi phải thay đổi hiến pháp.
Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF hôm 13/7 (giờ địa phương), ông Steinmeier cho biết, Đức phải chuẩn bị trước khả năng việc tuyển quân tình nguyện sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu về nhân sự cho quân đội.
"Tôi là người ủng hộ chế độ quân dịch bắt buộc bởi vì tôi tin rằng, với tình hình an ninh đang thay đổi ở châu Âu, với thực tế là một cuộc chiến đang diễn ra, và với những kết luận mà chúng ta đã rút ra từ đó để bảo vệ bản thân tốt hơn, trang bị nhân sự cho Bundeswehr (quân đội Đức) cũng cần phải được điều chỉnh", ông nói.
Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius về việc mở rộng quy mô quân số và tạo ra một hệ thống dự phòng cho việc nhập ngũ. Kế hoạch này đặt mục tiêu tuyển mộ khoảng 5.000 tình nguyện viên mỗi năm, và tăng lên 30.000 vào năm 2029.
Một dự luật đang được chuẩn bị để trình nội các xem xét vào tháng 8, với khả năng được ban hành vào đầu năm 2026, bao gồm các điều khoản để tự động tái áp đặt chế độ quân dịch bắt buộc nếu số lượng tình nguyện viên không đạt chỉ tiêu.
"Chúng tôi cần cuộc tranh luận này ngay bây giờ, tốt nhất là với một kết quả tích cực, để nếu không có đủ tình nguyện viên, chúng tôi có thể sẽ quay trở lại một hình thức quân dịch khác so với hình thức đã bãi bỏ", ông Steinmeier nói.
Kể từ khi cuộc xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, Đức đã nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của mình, viện dẫn điều mà họ coi là mối đe dọa an ninh từ Nga.
Về phía mình, Moskva đã bác bỏ các tuyên bố rằng họ có kế hoạch tấn công các quốc gia NATO, nói rằng điều đó là "vô nghĩa" và cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây cố tình gieo rắc báo động cho công dân của họ để biện minh cho việc tăng ngân sách quốc phòng.