Nước Đức sau 1 năm 'nếm trải' Covid-19

(Baonghean.vn) - Trường hợp đầu tiên tại Đức có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới virus Corona (Covid-19) vào cuối tháng 1/2020. Một năm kế tiếp đó đã thay đổi nước Đức, và cả phần còn lại của thế giới, trên nhiều phương diện.

NHỮNG CÁI “ĐẦU TIÊN”

Thời điểm ngày 27/1/2020, với nhiều người Đức, vẫn nghĩ rằng trước mắt là một năm yên ổn, không có nhiều biến động đáng kể. Nhưng kể từ khi xuất hiện thông tin một nhân viên làm việc cho một công ty ở ngoại ô Munich, vốn có giao thương mật thiết với Trung Quốc, có kết quả dương tính với Covid-19, gần như mọi thứ đều bắt đầu thay đổi.

Năm qua chứng kiến cảnh người dân Đức, giống như ở hầu khắp thế giới, không còn trao cho nhau những cử chỉ quen thuộc như bắt tay hay ôm hôn nữa. Họ ở trong nhà, tránh tiếp xúc với người khác. Những từ ngữ mới xâm chiếm cuộc sống thường nhật, như: tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ lây nhiễm, cách ly, đơn vị điều trị tích cực, tử vong vượt mức thông thường, giãn cách xã hội, khẩu trang…

Tỷ lệ ủng hộ Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tăng cao trong đại dịch. Ảnh: AP
Tỷ lệ ủng hộ Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tăng cao trong đại dịch. Ảnh: AP

Trước khi có ca dương tính đầu tiên, hầu hết người dân không biết cơ quan cấp cao nhất kiểm soát lây nhiễm tại Đức là Viện Robert Koch, ấy thế mà 1 năm sau đó, đây lại là điều mà ai cũng tỏ tường. Các nhà virus học, chẳng hạn Christian Drosten công tác tại Bệnh viện Charité ở Berlin, trở thành chuyên gia “quốc dân”. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn là quan chức được xếp hạng cao nhất trong giới chính khách. Ngày 23/4/2020, Spahn phát biểu trước Quốc hội: “Trong vài tháng nữa, chúng ta sẽ phải tha thứ cho nhau nhiều điều”.

Nhìn lại thời điểm ấy, vào tháng 1/2021, Spahn nói với tờ DW: “Chúng tôi khi ấy đã rất nghiêm túc và điều chỉnh các hệ thống của mình một cách phù hợp. Nhưng tôi không nghĩ rằng có ai đó dám nghĩ tình hình sẽ phát triển như vậy trong 12 tháng tiếp theo, tại Đức, tại châu Âu, trên toàn thế giới. Và hiện nó vẫn đang chi phối cuộc sống của chúng ta”.

Trong ngần ấy thời gian, tại Đức đã có hơn 50.000 người tử vong vì Covid-19. Và virus này vẫn tiếp tục áp chế cuộc sống hàng ngày.

Như đã nói ở trên, vào đầu năm ngoái, vấn đề mà Covid-19 đem lại nghe có vẻ “xa xôi” với nước Đức, nhưng tất cả vụt thay đổi chóng mặt. Nước này có ca tử vong đầu tiên vào ngày 8/3. 2 ngày sau đó, xuất hiện các ca bệnh ở toàn bộ 16 bang. Sau một lễ hội Carnival, thành phố Heinsberg ở North Rhine-Westphalia trở thành ổ dịch lớn đầu tiên của Đức.

Trong năm qua, Đức đã ghi nhận 50.000 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19. Ảnh: AFP
Trong năm qua, Đức đã ghi nhận 50.000 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19. Ảnh: AFP

THÀNH CÔNG BƯỚC ĐẦU

Ngày 18/3, Thủ tướng Angela Merkel có bài phát biểu trên sóng truyền hình, bằng những lời lẽ khó có thể quyết liệt hơn: “Tình hình nghiêm trọng, hãy nghiêm túc nhìn nhận. Từ lúc nước Đức thống nhất, mà không, từ Chiến tranh thế giới thứ hai, đất nước này chưa từng đối diện với thách thức nào đòi hỏi chúng ta phải hành động một cách đoàn kết và thống nhất đến vậy”.

Vài ngày sau đó, các biện pháp quyết liệt được đưa ra, một từ ngữ mới xuất hiện rộng rãi: phong tỏa. Nhà hàng, rạp phim đóng cửa, trường học, nhà trẻ cũng tạm nghỉ. Hoạt động kinh doanh gần như đình trệ. Quốc hội Đức thông qua gói giải cứu “khủng” lên tới 156 tỷ euro dành cho nền kinh tế, xác định đó không phải thời điểm để thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Các kế hoạch du lịch bị hủy bỏ, nhiều người dân lần đầu “nếm mùi” làm việc tại gia.

Siêu thị vẫn mở cửa nhưng chỉ tiếp đón những ai đeo khẩu trang. Người ta đổ xô mua sắm, tích trữ trong cơn hoảng loạn. Một số mặt hàng thực phẩm, thậm chí cả giấy vệ sinh, trở nên khan hiếm. Hình ảnh từ những thị trấn, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 tại miền Bắc Italy được phát trên truyền hình cũng gây chấn động mạnh tại Đức. Đến thời điểm ấy, hầu như chưa có ai quen biết trường hợp nào trực tiếp chịu ảnh hưởng, song nỗi sợ cứ lớn dần…

Tin tức phong tỏa hồi năm ngoái đã khiến người Đức đổ xô đến siêu thị tích trữ đồ dùng, giấy vệ sinh thành mặt hàng khan hiếm. Ảnh: dpa
Tin tức phong tỏa hồi năm ngoái đã khiến người Đức đổ xô đến siêu thị tích trữ đồ dùng, giấy vệ sinh thành mặt hàng khan hiếm. Ảnh: dpa

Dẫu thế, cũng đã xuất hiện những gương mặt “anh hùng” mới. Đó là thu ngân tại siêu thị, bác sĩ, y tá ở các cơ sở dưỡng lão, được ca ngợi như những chiến sỹ nơi tiền tuyến trong đại dịch. Giờ đây, ở thời điểm đầu năm 2021, nhiều y tá và nhân viên chăm sóc y tế đang dần kiệt sức. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí địa phương, Franz Wagner - Chủ tịch Hội đồng Nhân viên chăm sóc y tế của Đức, miêu tả sức nặng đặt lên vai đội ngũ này là “vô cùng to lớn”. Ông nói: “Điều này một mặt thể hiện ở khối lượng lớn công việc, mặt khác là ở thực tế rằng nhiều đồng nghiệp của chúng tôi hoặc phải đi cách ly hoặc bị nhiễm bệnh. Thêm vào đó là việc phải trải qua, chứng kiến tỷ lệ tử vong cao trong các đơn vị điều trị tích cực và các cơ sở dưỡng lão”.

Khách quan nhìn nhận, đợt phong tỏa hồi tháng 3/2020 tại Đức đã phát huy hiệu quả. Tỷ lệ lây nhiễm giảm và cử tri Đức hài lòng với chính phủ của họ. Báo chí nước ngoài dành nhiều mỹ từ ca ngợi sự hiệu quả và minh bạch của Đức. Thực tế, hầu hết công dân hợp tác với các quy định hạn chế, vốn đỡ nghiêm ngặt hơn tại Italy, Tây Ban Nha hay Pháp. Các cuộc tụ tập quy mô nhỏ vẫn được phép diễn ra, gần như không hạn chế tự do đi lại. Người dân đổ xô chuyển sang dùng xe đạp. Hệ thống y tế hoạt động tốt hơn so với nhiều quốc gia khác.

Kết quả là, đến mùa Hè tỷ lệ lây lan giảm, hầu hết các lệnh hạn chế được nới lỏng. Nhưng các chính trị gia đã phá vỡ một quy tắc cơ bản: Họ đã ngủ quên trên vòng nguyệt quế!

Hè năm ngoái, tỷ lệ lây nhiễm giảm, nên nhiều người Đức đã lơ là cảnh giác. Ảnh: dpa
Hè năm ngoái, tỷ lệ lây nhiễm giảm, nên nhiều người Đức đã lơ là cảnh giác. Ảnh: dpa

Lúc ấy, BioNTech - công ty dược phẩm có trụ sở tại Mainz, đối tác của công ty Pfizer của Mỹ, cho biết đang trên đà phát triển một loại vắc xin phòng Covid-19. Xứ cờ hoa đã nhanh tay đặt hàng vài triệu liều vắc xin trong mùa Hè năm ngoái, trong khi EU lại chần chừ, và quyết định “đặt cược” vào một số nhà sản xuất khác nhau.

BÀI HỌC ĐẮT GIÁ

Đồn đoán bắt đầu nổi lên, rằng trong lúc Thủ tướng Merkel vẫn còn rất lo lắng về tình hình dịch bệnh, thì nhiều thủ hiến bang lại thôi thúc dỡ bỏ thêm các lệnh hạn chế. Dần dần, trường học mở cửa trở lại. Tương tự với các nhà hàng, dù vẫn đặt trong các điều kiện nghiêm ngặt. Nền kinh tế chậm rãi vận hành lại. Mỗi ngày ở Đức có chưa đầy 1.000 ca nhiễm mới ở thời điểm tháng 5/2020.

Nhiều cuộc biểu tình nổ ra, phản đối các quy định hạn chế. Một nhóm tự nhận là Querdenker - “những người đối lập” - nói rằng các biện pháp ấy vi hiến và xâm phạm quyền tự do của công dân. Còn lại số đông người dân Đức vẫn tận hưởng mùa Hè, bất kể những sự “bất tiện” như khẩu trang hay hạn chế tụ tập. Đắm mình trong nắng ấm, không ít người ảo tưởng rằng điều tồi tệ nhất đã qua…

Khẩu trang trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật tại Đức. Ảnh: dpa
Khẩu trang trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật tại Đức. Ảnh: dpa

Mùa Thu đến, những dấu hiệu của làn sóng lây nhiễm thứ hai trở nên rõ rệt. Đầu tháng 8, số ca nhiễm mới hàng ngày tăng lên hơn 1.000 trường hợp. Giữa tháng 9, con số trên tăng gấp đôi và đến 8/10 đã là 4.000 ca/ngày. Cuối tháng 10, bà Merkel đã cảnh báo rằng trừ khi có động thái được đưa ra, nếu không Đức sẽ có 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong dịp Giáng sinh.

Trên thực tế, ngưỡng này thậm chí còn đạt được sớm hơn nhiều. Sau đó, Đức có đợt phong tỏa thứ hai vào đầu tháng 11. Các cuộc tụ tập bị hạn chế xuống còn 2 hộ gia đình, quán rượu và nhà hàng phải đóng cửa một lần nữa; du lịch đình đốn như dịp mùa Xuân trước đó. Các cửa hiệu và trường học vẫn mở cửa. Đến cuối năm, Đức khởi động chương trình tiêm chủng bằng vắc xin của BioNTech/Pfizer, chậm hơn 2 tuần so với Vương quốc Anh do mất thời gian lâu hơn để có được sự phê chuẩn từ EU.

Song, chương trình chủng ngừa khởi đầu không mấy suôn sẻ, hậu cần gặp khó, sản xuất đình trệ. Đức không còn là tấm gương sáng về kiểm soát lây nhiễm. Các nước khác, đơn cử Israel đã soán ngôi, vượt xa các quốc gia còn lại trong khía cạnh tiêm chủng.

Đại dịch khiến bà Merkel phải chèo lái đất nước qua những cơn sóng dữ trong năm cuối nhiệm kỳ Thủ tướng Đức. Ảnh: AP
Đại dịch khiến bà Merkel phải chèo lái đất nước qua những cơn sóng dữ trong năm cuối nhiệm kỳ Thủ tướng Đức. Ảnh: AP

Trở lại Berlin, bà Merkel đã thốt lên rằng, đại dịch là “thảm họa thế kỷ”. Các biện pháp hạn chế được siết chặt một lần nữa, chính thức áp dụng cho đến giữa tháng 2 tới. Phong tỏa quả thực có hiệu quả, nhưng chỉ trong chừng mực nhất định. Tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày giảm, nhưng giảm rất ít. Hy vọng và sự tự tin dần bị thay thế bởi nỗi lo sợ về một biến chủng mới có khả năng lây lan mạnh hơn. Tỷ lệ tử vong vẫn cao đến mức sửng sốt, nhất là trong các cơ sở dưỡng lão. “Phao cứu sinh” duy nhất trong lúc này có lẽ là tuyên bố từ chính phủ liên bang, rằng mọi người dân tại Đức sẽ có cơ hội được tiêm phòng trước mùa Thu tới - tức 1 năm rưỡi sau khi Đức ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên.

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.