“Nước mắt”…chanh !
Xã Hưng Yên là một trong những “cái nôi” chanh của huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Năm nay do thời tiết không thuận, chanh chín sớm, không tiêu thụ được, người dân Hưng Yên đang điêu đứng vì một vụ chanh thất bát.
Chị Hoàng Thị Lĩnh ở xóm 9 đưa tôi ra sau nhà, cả vườn chanh vàng rực dưới cái nắng đầu hè. Không dấu nổi thảng thốt chị nói với tôi: Lạ lắm anh ạ, hàng chục năm nay, chưa có năm nào như thế này. Để có được quả chanh trái biết bao cực nhọc, nào phân bón, bơm thuốc, tưới tắm. Chanh đã chín vàng trong vườn nhà chị Hoàng Thị Lĩnh.
Thấy chanh năm nay trái sai, quả đẹp đang khấp khởi mừng thầm với bao toan tính: nào tiền ăn, ở, mua máy tính cho cậu con trai đang học ĐH Bách khoa ở Hà Nội, nhà 5-6 miệng ăn, mọi chi tiêu trông chờ vào vườn chanh… Thế mà, gần 2 tấn chanh trên cây suốt mấy tháng nay không có ai hỏi đến. Trước tết tranh thủ bán được 1 tạ với giá 700.000 đồng, đủ chi tiêu tết; còn ra tết đến nay đã gần 3 tháng, không thấy một ai hỏi mua. Giờ, chanh cứ ngày một tuột giá, đến nay chỉ còn 1 - 1,5 ngàn đồng một kg mà vẫn không có người mua. Những năm trước đây vào thời điểm này thương lái vào tận vườn mua với giá 10 - 20.000 đ/kg. Có năm khan hàng lên đến 30.000 đ/kg.
Rời nhà chị Lĩnh, theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến nhà ông Vũ Thành Kim, xóm trưởng xóm 2. Toàn xóm có 107 hộ đều trồng chanh. Diện tích trồng lúa mỗi khẩu chưa được 1 sào chỉ đủ lúa ăn, mọi sự chi tiêu mua sắm, dựng vợ gả chồng cho con, đi học, làm nhà cửa, đến giỗ chạp ma chay… tất cả đều trông chờ vào quả chanh. Năm nay chanh không bán được bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Nhà ông Huấn phải ngừng kế hoạch cho con đi ôn thi để dự kỳ thi đại học sắp tới. Hàng loạt nhà phải dừng việc xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị… Khổ nhất là những hộ vay ngân hàng để đầu tư cho chanh. Chanh là trả được lãi ngân hàng. Nay chanh không bán được đành thiếu nợ ngân hàng, hàng ngày danh sách thiếu nợ được đọc trên loa của xóm khiến bà con bất an…
Chanh nhà ông Vũ Thành Kim cũng đã chín vàng, thu hái vào nhà, đang chờ người mua
Theo ông Kim, quy luật của trồng chanh cứ 5 - 7 năm thì bị một năm chanh rớt giá. Nhưng chưa bao giờ chanh rớt giá thê thảm như năm nay. Mọi năm tuy giá thấp nhưng còn bán được. Năm nay không có người mua. Để lý giải hiện tượng ông cho rằng, năm nay chanh chín sớm nên kén người mua. Mặt khác lạnh kéo dài nên nhu cầu dùng chanh cho nước giải khát cũng giảm…Để tìm cách tiêu thụ, chị em phụ nữ trong xóm đã có “sáng kiến” tự mang chanh tiêu thụ ở thành phố Vinh và các huyện lân cận. Lúc chúng tôi đến chị Hoàng Thị Tân vừa đi bán chanh về. Đã gần tháng nay ngày nào chị cũng dậy từ 4 giờ sáng chở 1 xe chanh nặng 80 kg vào bán lẻ ở chợ Quang Trung - TP Vinh. Ở vườn bán sỉ 1 - 1,5 ngàn đồng/kg thì vào Vinh chị bán được gấp đôi gấp ba. Đành bỏ công vớt vát chút ít tiền bù chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, cả xóm chỉ có khoảng 10 nhà tiêu thụ sản phẩm của mình bằng cách đó.
Để tìm hiểu thị trường, chúng tôi ghé nhà chị Trần Thị Thái (cơ sở thu mua chanh trong xã). Mọi năm, mỗi ngày chị thu mua từ 1 - 2 tấn chanh, năm nay ngày 1 vài tạ, không đáng kể. Theo chị nguyên nhân chanh tiêu thụ kém là phần chanh chín quá. Trước đây cơ sở chế biến chanh muối còn thu mua lại chanh này. Nay họ không “ăn hàng” nên thu mua cũng chẳng biết bán cho ai. Chanh xanh, đẹp thì mới tiêu thụ được, cơ sở vẫn thu mua với giá 6.000 đ/kg. Năm nay đến thời điểm này loại chanh này còn không đáng kể chỉ chiếm chưa đến 1/10 lượng chanh mà chị thu mua.
Cơ sở này trước thu gom hàng 1-2 tấn chanh một ngày,
nay chỉ mua vài tạ…
Ông Nguyễn Thế Trọng (trực đảng văn phòng Đảng uỷ xã) trao đổi: Toàn xã có 120 ha chanh, thu hoạch bình quân khoảng 120 triệu trên ha. Đây là nguồn thu nhập chính, nay nguồn thu này giảm 10 - 20 lần, cộng với giá cả leo thang, đời sống của bà con đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Xã cũng chưa tìm ra các giải pháp giúp bà con tiêu thụ chanh. Điều mà ông lo nhất là hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng đến những năm tiếp theo. Đã có dấu hiệu bà con bỏ chanh không chăm sóc.
Để phát triển vùng chanh bền vững, Đảng uỷ chính quyền xã cũng đang có những biện pháp phát triển thêm diện tích, xây dựng thương hiệu Chanh Hưng Yên, xây dựng chợ nông sản đầu mối. Phối hợp với các địa phương vùng tiêu thụ chanh để hình thành mạng lưới phân phối, tiêu thụ, và tiến tới đưa chanh Hưng Yên xuất khẩu…
Đó là ý tưởng. Còn hiện nay, chính quyền xã Hưng Yên cần nhanh chóng tìm giải pháp giúp cây chanh có đầu ra ổn định, tránh những mùa “nước mắt” chanh rơi trên đời sống người nông dân.
Công Sáng