Nước mắt Philippines: Bao giờ ngừng rơi?
(Baonghean) - CNN đưa tin ngày 16/11, thống kê số người chết do siêu bão Haiyan tại Philippines đã lên tới 3.633, con số đưa ra bởi Hội đồng quản lí và giảm thiểu thiên tai quốc gia Philippines. Số người bị thương được thống kê là 12.487, ít nhất 1.179 người mất tích. Liên hợp quốc, các tổ chức nhân đạo và nhiều quốc gia đang tăng cường viện trợ về tiền, lương thực, thuốc và các nhu yếu phẩm cũng như nhân lực để hỗ trợ Philippines trong công tác xử lý hậu quả bão Haiyan. Tuy nhiên, công tác cứu hộ được chính các tổ chức này nhận định là bị trì hoãn đáng kể bởi điều kiện giao thông, vận tải nghèo nàn.
Một tuần sau khi bão Haiyan đổ bộ, thảm cảnh ở Philippines dường như vẫn chưa khả quan hơn là mấy khi số lượng người chết thống kê không ngừng tăng lên. Con số này là 2.200 vào ngày 13 tháng 11, tăng lên hơn gấp rưỡi vào ngày 16/11. Tuy nhiên, số người bị bão Haiyan ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều, theo ước tính của Liên Hợp Quốc là 12 triệu người. Được ghi nhận là một trong những thiên tai có sức tàn phá khủng khiếp nhất hành tinh, cơn bão Haiyan đã thu hút sự chú ý của cả cộng đồng quốc tế hướng về Philippines. Tuy nhiên, khó khăn của công tác khắc phục hậu quả bão không phải là sự thiếu hụt về tiền và đồ tiếp tế - được cộng đồng quốc tế rộng rãi quyên góp - mà là công tác vận chuyển đến với người dân vùng chịu ảnh hưởng bão.
Dòng người đứng chờ giữa đống đổ nát ở sân bay Tacloban để di tản đến đảo Cebu lân cận. |
TIN LIÊN QUAN
Đánh giá công tác chuẩn bị cũng như xử lý hậu quả bão Haiyan của Philippines, quốc gia thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của những cơn bão nhiệt đới, người phát ngôn của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) Liên Hợp Quốc Greg Barrow cho rằng, cơn bão có sức huỷ diệt chưa từng thấy và “vượt quá khả năng chuẩn bị” của họ. Sơ suất của họ là đã không đánh giá đúng mức những hậu quả kèm theo bão. Giám đốc Hội Chữ thập đỏ Philippines phát biểu: “Đáng lẽ chính phủ phải thông báo cho người dân rằng sẽ có sóng thần”. Trên thực tế, một số người không chú ý đến những cảnh báo sơ tán và nhiều nơi trú ẩn được cho là an toàn đã không chịu được sức tàn phá của cơn bão. Ngoài ra, việc bất đồng quan điểm về số lượng người chết giữa Liên Hợp Quốc và chính phủ Philippines phản ánh phần nào sự phối hợp chưa thực sự nhịp nhàng để công tác cứu hộ đạt hiệu quả tối ưu.
Người phụ nữ giữ mạng sống cho chồng bằng cách bơm thủ công không khí vào phổi khi bệnh viện mất điện do bão. |
Những người sống sót khiêng thức ăn tiếp tế do máy bay trực thăng Mỹ thả xuống. Ảnh: CNN |
Sau khi tàu sân bay USS George Washington cùng 5500 lính và 8 tàu khác chở 80 máy bay, đồ viện trợ của Mỹ cập cảng Philippines vào thứ 5 ngày 14 tháng 11, công tác cứu hộ đã có cải thiện đáng kể về hiệu quả và tốc độ. Anh cũng tuyên bố sẽ nhanh chóng gửi một máy bay RAF C-130 Hercules cùng với số tiền viện trợ 30 triệu bảng, nâng tổng số tiền viện trợ của Anh cho Philippines lên đến 50 triệu bảng. Thủ tướng Anh cho biết, một máy bay C-17 của không lực hoàng gia Anh chở 2 xe đào đất JCB, 2 xe Land Rovers, 1 xe nâng cùng với thiết bị vật tư y tế đã cất cánh vào thứ 6 ngày 15/11. Đoàn chuyên gia y tế 12 người, được yêu cầu bởi Bộ Y tế Philippines đã có mặt tại Thủ đô Manila hỗ trợ công tác cấp cứu. Tàu khu trục hạm đội hoàng gia Anh HMS Daring tập kết tại trung tâm thao tập ở Singapore cũng được lệnh trực chỉ Philippines. Như vậy là bên cạnh nguồn nhân lực của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, tại Philippines hiện tại và sắp tới sẽ có mặt lực lượng quân sự của các quốc gia lớn.
Sự có mặt của lực lượng quân sự hẳn không chỉ để phục vụ cho công tác cứu hộ, và có lẽ ít nhiều là cần thiết khi mà cuộc đấu tranh sinh tồn đã đẩy nhiều nạn nhân bão Haiyan vào cảnh cướp bóc. Thứ 4 ngày 13 tháng 11, đã có 8 người chết khi đám đông ùa vào cướp lương thực ở một kho gạo gần Tacloban và khiến một bức tường đổ sập. Những người sống sót sau bão hiện đang phải chật vật bám lấy cuộc sống vì không có lương thực, thuốc men và chỗ trú ngụ.
Richard Pulga, 27 tuổi, sống sót sau cơn bão kinh hoàng nhưng đã chết vào thứ 6 ngày 15 tháng 11 trong một bệnh viện đổ nát vì không có máu truyền và thuốc kháng sinh điều trị vết thương bị nhiễm trùng nặng. Elivie Udtohan, 16 tuổi và đứa con gái sinh non ở tuần thứ 32 của thai kỳ đang duy trì sự sống nhờ vào điều kiện y tế thiếu thốn, mà nếu được yêu cầu trả tiền, sẽ là điều vượt quá khả năng của gia đình cô. Điều đáng lo ngại là những ngày sắp tới của Philippines sẽ như thế nào?
Thông tin bên lề: Dân tị nạn Syria và Palestine ở Liban đang đổ xô đi bán nội tạng để đổi lấy tiền đủ sống cho mùa đông, khiến cho thị trường buôn bán và cấy ghép nội tạng bất hợp pháp ở Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung ngày càng đáng báo động. Tất nhiên “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng điều đáng lưu ý là khi bị dồn đến bờ vực sinh tồn, con người sẽ có khả năng làm những điều không thể đánh giá được bởi bất kì toà án lương tâm và nhân loại nào.
Vì lẽ đó, công tác cứu hộ sau bão ở Philipinnes cần được tăng cường, đẩy nhanh hơn nữa, với điều kiện các tổ chức tham gia cứu hộ và chính phủ đạt được thống nhất. Nhưng trước tin một cơn bão mới có thể đang hình thành ở biển Đông thì có lẽ nước mắt Philippines vẫn chưa thể ngừng rơi “ngay bây giờ, ngay ở đây” như nỗi mong mỏi cháy bỏng của trưởng đoàn đàm phán Philippines Yeb Sano tại Hội nghị Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 khai mạc ngày 11/11 tại Thủ đô Warsaw (Ba Lan).
Nấm Linh Chi