Kinh tế

Nước rút, nắng lên, cam, bưởi ở Nghệ An rụng quả đầy gốc

Thanh Phúc 28/09/2024 07:12

Ngâm nước lũ lâu ngày, sau khi nước rút lại gặp nắng to khiến nhiều diện tích cam, bưởi rụng hàng loạt gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân Nghệ An.

ngập sâu
Mưa lớn khiến nhiều diện tích bưởi ở xã Thanh Liên (Thanh Chương) ngập sâu trong nước. Ảnh: T.P

Gia đình anh Phan Bá Thắng (xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương) có gia trại 1ha chuyên trồng bưởi, ổi và mít. Đợt lũ lớn vừa qua, toàn bộ vườn cây ăn quả ngập sâu trong nước. Hiện, trời đã hửng nắng, nước đang rút dần nhưng bưởi có dấu hiệu héo lá, rụng quả; những gốc ổi ở ven bờ, cao hơn thì bị héo úa.

Anh Phan Bá Thắng cho biết: “Hiện tại nước chưa rút hết nên cây chưa héo và quả chưa rụng nhiều. Chỉ vài ngày, nếu trời tiếp tục nắng như thế này thì trên cây chắc không còn quả nào nữa.

se cuống
Quả bưởi se cuống và rụng dày trên mặt đất sau khi nước rút lại gặp nắng to. Ảnh: T.P

Theo anh Thắng, toàn bộ diện tích bưởi của anh là bưởi da xanh, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại thì quả đã rụng nhiều, năng suất giảm, sản lượng giảm chắc chắn sẽ thất thu.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn xã Thanh Liên có khoảng 3,5 ha cây ăn quả của 6 hộ bị ngập nặng trong đợt lũ vừa qua. Trong đó, chủ yếu là bưởi (bưởi da xanh, bưởi Diễn) đang vào thời kỳ dưỡng quả, có loại thì sắp cho thu hoạch, có loại cho thu hoạch vào dịp Tết.

chết cây
Nhiều vườn bưởi trơ cành, rụng lá khi bị nghẹt rễ do ngâm nước lâu ngày. Ảnh: T.P

Ông Lưu Công Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liên cho biết: “Đợt mưa lớn sau hoàn lưu bão số 4 năm 2022 người trồng cây ăn quả ở xã Thanh Liên cũng bị thiệt hại lớn do ngập úng, bưởi rụng quả, héo cây.

Năm nay, dù nước rút sớm nhưng mưa lớn, cường độ mạnh, ngập sâu nên khi nắng lên, cây sốc nhiệt, ngộ độc nấm, rễ nghẹt thì cũng sẽ bị rụng quả hàng loạt, gây thiệt hại cho người trồng. Mỗi gốc ước tính 50 quả, mỗi quả bán ra thị trường 18.000-20.000 đồng, hộ nhiều thì 300-400 gốc, hộ ít thì 100 gốc là thiệt hại cả trăm triệu đồng/hộ”.

tơi tả
50ha cam ở xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) tỷ lệ quả rụng lên đến 40-50%. Ảnh: T.P

Đợt mưa lũ vừa qua, Anh Sơn là địa phương có diện tích cây ăn quả bị thiệt hại lớn nhất tỉnh với khoảng 50ha. Trong đó, chủ yếu tập trung vào cây cam ở xã Đỉnh Sơn, theo số liệu rà soát ban đầu, có 50/64ha cam, bưởi bị ngập, trong đó, diện tích bị ngập sâu là 35ha. Hiện nay, nước rút lại gặp nắng nóng, cam se cuống, vàng da rồi rụng dần. Cam rụng dày dưới gốc, quả vàng, quả úng nước ngập vườn...

Ông Cao Phi Nhật - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết: “Tỷ lệ rụng quả khoảng 40%. Diện tích cam bị tù rễ, thối rễ khoảng 19ha.

Không những thiệt hại cam quả do rụng mà các hộ còn thiệt hại nặng nề hơn khi ngâm nước lâu ngày, bị nghẹt rễ, héo cây, phải mất thời gian chăm sóc, ảnh hưởng năng suất, chất lượng cam quả của những vụ sau. Hiện các nhà vườn đang thu dọn quả rụng, xử lý vườn, tập trung chăm sóc, phục hồi cây cam”.

bna_kt.jpg
Cán bộ xã Đỉnh Sơn kiểm tra nắm tình hình thiệt hại sau mưa lũ và động viên các hộ khắc phục hậu quả, chăm sóc cam. Ảnh: T.P

Hộ ông Xuyến Thành, thôn Bãi Phủ, xã Đỉnh Sơn cho biết: “Diện tích cam chín sớm dự tính sẽ cho thu hoạch vào tháng sau, còn cam chín muộn thì giáp Tết. Thế nhưng, năm nay, từ đầu vụ, gặp thời tiết bất thường, tỷ lệ đậu quả giảm, gặp mưa bão, ngập úng gây rụng quả. Coi như mùa cam thất thu”.

Theo thống kê sơ bộ, đợt mưa lũ vừa qua, hơn 100 ha cây ăn quả trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, chủ yếu là cam, bưởi, ổi rụng quả với tỷ lệ 30-70%. Dự báo, từ giờ đến cuối năm cũng là khi vào chính vụ thu hoạch các loại cây ăn quả, chủ yếu là cây có múi là lúc mưa bão dồn dập. Do đó, người dân cần chú ý các biện pháp bảo vệ cây ăn quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

xã Đỉnh Sơn
Các hộ dân trồng cam ở Đỉnh Sơn, Anh Sơn xót xa khi cam mất mùa, rụng hàng loạt sau mưa lũ. Ảnh: T.P

Ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Sau khi mưa lũ, người trồng cần xẻ mương, đào rãnh tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ vườn cây. Sau khi nước rút cần tiến hành cắt bỏ những cành gãy/bị tổn thương nặng do mưa, ngập lụt; Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (sâu 5 - 10cm) để phá váng, rễ cây có thể hút được oxy; khi phá váng xong cần che phủ gốc bằng rơm rạ, hoặc cỏ khô;

Sử dụng phân kích rễ tưới theo hình chiếu tán cây giúp phát triển rễ tơ mới; kết hợp phun phân bón lá giúp tăng cường khả năng hồi phục của cây; khi đất se mặt, bón phân ure + Kaliclorua với liều lượng tuỳ loại và tuổi cây để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới”.

Clip: Thanh Phúc

Mới nhất

x
Nước rút, nắng lên, cam, bưởi ở Nghệ An rụng quả đầy gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO