Nuôi dưỡng ước mơ đến trường từ tín dụng chính sách
(Baonghean) - Từ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, hơn 11 năm qua, tỉnh Nghệ An đã có hàng ngàn hộ gia đình được vay vốn để cho con đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề. Chuẩn bị bước vào năm học mới, Ngân hàng CSXH Nghệ An tiếp tục sẵn sàng phục vụ cho những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi việc học.
Giải ngân vốn chương trình HSSV tại phòng giao dịch Hưng Nguyên. Ảnh: Tùng Chi |
Tiếp bước sinh viên đến trường
Về thôn 1, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, thăm gia đình chị Lê Thị Oanh, thuộc diện cận nghèo. Nhờ vay vốn Ngân hàng CSXH với tổng số tiền 103,6 triệu đồng mà cả 3 người con đều ra trường và có việc làm ổn định. Hai chị em Ngô Thị Xoan –Ngô Văn Lâm – đều tốt nghiệp Trường ĐH Y Thái Bình và hiện đang công tác tại Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An. Con trai út là Ngô Văn Phi hiện nay đang công tác tại địa phương.
Chị Oanh chia sẻ: “Gia đình làm nông, nếu không có chương trình cho vay học sinh sinh viên của Ngân hàng CSXH thì gia đình không thể đủ kinh phí để cho các con đi học đại học. Được hỗ trợ vay vốn, gia đình có tiền để trả học phí và các chi phí cho các cháu theo học. Hiện nay cả 3 cháu đã có việc làm ổn định và gia đình luôn chấp hành đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cho Nhà nước”.
Ở xã Tường Sơn còn có gia đình anh Hồ Hữu Minh ở thôn 10 - là hộ giáo dân điển hình về hiếu học. Hiện tại, con gái đầu của gia đình anh chị là cháu Hồ Thị Quyên đã tốt nghiệp ngành Y, Trường Đại học Văn Hiến, ra trường tìm được việc làm. Con gái thứ 2 là cháu Hồ Thị Xuyết đang học Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, con trai là cháu Hồ Hữu Hiệp đang học Đại học Bách Khoa Hà Nội tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng CSXH để trang trải học phí. Anh Hồ Hữu Minh cho biết, gia đình sản xuất nông nghiệp dù tích cực làm ăn thì cũng rất khó khăn để nuôi 3 con học đại học ở thành phố. Rất may, nhờ vốn tín dụng học sinh, sinh viên mà gia đình chúng tôi cho con em được đi học.
Huyện Anh Sơn hiện đang có 1.698 hộ vay, 1.924 HSSV vay vốn theo chương trình tín dụng đối với HSSV với dư nợ hơn 52 tỷ đồng. Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện, ông Trần Khắc Thi cho hay: Trong 11 năm thực hiện chương trình có nhiều hộ gia đình đã được vay vốn, hỗ trợ học tập cho con em ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhờ có chương trình cho vay HSSV mà nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thực hiện ước mơ hoài bão của mình, nhiều sinh viên sau khi ra trường đã có việc làm ổn định và trả nợ trước thời hạn.
Đồ họa: Lâm Tùng |
Cho vay HSSV là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với sự nghiệp “trồng người”. Nghệ An là vùng đất học, cũng là tỉnh có dư nợ chương trình tín dụng HSSV đứng đầu trong toàn quốc. Với tinh thần “không để bất kỳ một sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí”, Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An quyết tâm khắc phục khó khăn, đưa nguồn vốn đến với người dân, mang lại cơ hội học tập cho hàng chục ngàn sinh viên nghèo.
Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, trong 11 năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt việc bình xét cho 545.898 HSSV được vay vốn, đạt doanh số 4.256 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/7/2018 tổng dư nợ chương trình đạt 676 tỷ đồng, với 27.639 HSSV đang vay vốn. Một số địa phương có dư nợ vay lớn như huyện Yên Thành 83 tỷ đồng; Diễn Châu 64 tỷ đồng; Thanh Chương 56 tỷ đồng; Anh Sơn 52 tỷ đồng; Đô Lương 51 tỷ đồng; Quỳnh Lưu 46 tỷ đồng; Tân Kỳ 45 tỷ đồng; TP. Vinh 39 tỷ đồng...
Tiếp tục nhân rộng hiệu quả chương trìnhTheo tổng hợp từ Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An, hiện nay, đối tượng vay vốn chương trình nhiều nhất là hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo với 398 tỷ đồng/14.337 hộ, chiếm 59% tổng dư nợ và chiếm 58,9% tổng số hộ vay vốn. Kế tiếp là đối tượng hộ gia đình nghèo, chiếm 29% tổng dư nợ và chiếm 27% tổng số hộ vay vốn; đối tượng là hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính chiếm 12% tổng dư nợ và chiếm 14% tổng số hộ vay vốn.
Ngoài ra, các đối tượng khác như: HSSV thuộc diện mồ côi, bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn học nghề, cho vay HSSV y khoa sau khi đã tốt nghiệp theo Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg ngày 02/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ... cũng được thụ hưởng từ nguồn vốn chương trình tín dụng HSSV.
Đồ họa: Lâm Tùng |
Từ nguồn vốn vay, đã có 27.573 sinh viên học đại học với dư nợ 663 tỷ đồng, chiếm 69,5% về dư nợ; có 11.867 sinh viên cao đẳng với dư nợ 246,6 tỷ đồng, chiếm 25,9%; có 2.645 HSSV học trung cấp với dư nợ 43 tỷ đồng, chiếm 4,5%... Doanh số thu nợ đến tháng 7/2017 đạt hơn 250 tỷ đồng. Song song với công tác cho vay, việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV luôn được Ngân hàng CSXH chú trọng. Đặc biệt, đơn vị đã triển khai kịp thời, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 231/TB-VPCP về việc tổ chức thu nợ, thu lãi hàng tháng tại các điểm giao dịch đối với các hộ gia đình có điều kiện, tự nguyện trả nợ gốc, nợ lãi trước hạn.
Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An cho biết: Qua hơn 11 năm thực hiện, đến nay chất lượng chương trình tín dụng HSSV đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt. Tỷ lệ thu hồi nợ luôn ở mức cao, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ khá thấp so với dư nợ của chương trình. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo rà soát, bổ sung, xác nhận đối tượng kịp thời, chính xác để ngân hàng căn cứ cho vay, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ từ các tổ chức nhận ủy thác trong việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách tín dụng HSSV đến với người dân nhằm phát huy tối đa hiệu quả của chương trình trong thời gian tới.