'Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội'
(Baonghean.vn) - Với phương châm "Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội", ở cơ sở, nhiều Chủ tịch Hội Phụ nữ đã năng động, nhiệt huyết, lăn lộn với phong trào, trách nhiệm với hội viên, trở thành những người “dẫn dắt” giỏi.
Chủ động nghĩ việc, chọn việc để làm
Điểm nhấn đóng góp trong công tác hội của chị Hoàng Hương Thảo - Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) trong những năm qua, đó chính là sáng tạo phát động và triển khai phong trào “Phụ nữ Quỳnh Đôi chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn với tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu với 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”.
Hàng năm, Hội Phụ nữ xã Quỳnh Đôi chỉ đạo các chi hội phụ nữ phối hợp với ban quản lý thôn rà soát các gia đình chưa đạt 8 tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” trong năm để tập trung, quyết liệt chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm với chỉ tiêu được giao cụ thể: Mỗi chi hội giúp đỡ ít nhất 5 gia đình đạt “5 không, 3 sạch”; duy trì hiệu quả mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch” tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo chia sẻ của chị Hoàng Hương Thảo: Từ việc xác định rõ trọng tâm, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng chi hội, đặc biệt phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội từ xã đến chi hội “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thời gian qua, hoạt động và phong trào Hội Phụ nữ ở xã Quỳnh Đôi đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.
Tiêu biểu như các mô hình “Tổ Liên gia bảo vệ môi trường”; “Nhà sạch, vườn đẹp hộ liền kề”; 8/8 chi hội xây dựng đường xanh, đường hoa với phương châm “Ngõ nhà ai nhà ấy quản”; tổ chức 8 câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”; duy trì phong trào “Thứ Bảy sạch, Chủ nhật xanh”.
Thông qua các hoạt động của tổ chức hội, hiện toàn xã Quỳnh Đôi có 40% ngõ chính các thôn có hàng rào xanh, đường hoa; 100% ngõ, ngách vào nhà đều trồng hoa, hàng rào xanh; xây dựng 2 tuyến đường “sáng, xanh, sạch”. Đặc biệt, toàn xã có 97,3% hộ gia đình đạt 8 tiêu chí cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Toàn xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) có 97,3% hộ gia đình hội viên phụ nữ đạt 8 tiêu chí cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Cùng với hoạt động chung tay xây dựng môi trường sống trong lành, ở xã Quỳnh Đôi, tổ chức hội phụ nữ cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành cũng phụ nữ phát triển, nhất là phụ nữ, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, thông qua hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ kinh phí làm “Mái ấm tình thương”; hỗ trợ con giống chăn nuôi, đỡ đầu trẻ mồ côi.
Hiệu quả “kép” từ phong trào bảo vệ môi trường
Thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Châu Hội (Quỳ Châu) có nhiều yếu tố khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, kể cả nếp nghĩ, cách làm của người dân, trong đó có chị em phụ nữ. Trên cơ sở cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” của tổ chức hội phụ nữ và từ thực tiễn địa phương, với tập quán ăn, ở của người dân chưa hợp vệ sinh, tình trạng vứt, xả rác bừa bãi đang trở thành thói quen...
Với vai trò người đứng đầu, chị Lữ Thị Lê - Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Hội đã cùng với Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã lựa chọn nội dung, phát động phong trào “Phụ nữ với môi trường xanh, sạch, đẹp”; xây dựng đoạn đường phụ nữ tự quản “xanh - sạch - đẹp”. Thông qua phong trào và triển khai mô hình tuyến đường tự quản đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo thói quen vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phân loại rác thải trong hội viên phụ nữ nói riêng và người dân nói chung.
Đặc biệt, từ phân loại rác gắn xây dựng mô hình “Tận dụng ống lon, nhựa để xây dựng quỹ hội” ở thời gian đầu và nay phát triển thành mô hình “Biến rác thải thành sổ tiết kiệm và nhà tiêu hợp sinh” đã tạo ra một nguồn lực để thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của hội. Như hỗ trợ 12 phụ nữ nghèo mua con giống phát triển kinh tế; mua tặng 3 sổ tiết kiệm cho hội viên tàn tật, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây dựng 30 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo chia sẻ của chị Lữ Thị Lê: Từ hiệu quả “kép” trong “câu chuyện” bảo vệ môi trường của tổ chức hội đã góp phần thay đổi tập quán, nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần tạo cảnh quan, môi trường nông thôn miền núi sạch, đẹp hơn; sáng tạo trong hoạt động an sinh xã hội của tổ chức hội, tăng tình đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ hội viên đặc biệt khó khăn vươn lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Hoạt động này sẽ tiếp tục được Hội Phụ nữ xã Châu Hội duy trì, đổi mới và nâng cao hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đồng hành, hỗ trợ hội viên nghèo, khó khăn
Với suy nghĩ, mong muốn đồng hành, nâng cao vị thế của người phụ nữ, đặc biệt là khắc phục sự tự ti của phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, giúp họ tự tin vươn lên, tạo dựng sinh kế, đảm bảo cuộc sống; chị Nguyễn Thị Phương - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Con Cuông (Con Cuông) đã phát động phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đến cán bộ, hội viên.
Ở huyện Con Cuông, Hội Phụ nữ thị trấn trở thành điểm sáng trong tổ chức các phong trào “tiết kiệm” ở các chi hội và trong cán bộ, hội viên, như: “Hũ gạo tiết kiệm”; “Ống lợn tiết kiệm”; "Mỳ tôm tiết kiệm"; "Quỹ phụ nữ nghèo”, “Quỹ thăm hỏi gia đình chính sách"; "Bát cháo tình thương", “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Riêng chị em trong Ban Thường vụ Hội Phụ nữ thị trấn, hàng tháng, mỗi chị tự giác tiết kiệm từ 20.000- 50.000 đồng, đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp nguồn lực hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, hàng năm, Hội Phụ nữ thị trấn còn huy động hơn 600 triệu đồng tổ chức các hoạt động “Tri ân bữa cơm gia đình” dành cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Vận động cán bộ, hội viên, nhà hảo tâm chăm lo Tết cho phụ nữ, trẻ em nghèo. Thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em hộ nghèo, cận nghèo vào dịp Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, khai giảng năm học mới.
Bên cạnh triển khai hoạt động các phong trào, chị Nguyễn Thị Phương còn là người tiên phong, gương mẫu đi đầu đóng góp và vận động, kết nối các nguồn hỗ trợ đỡ đầu 1 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng cho 4 phụ nữ tàn tật, đơn thân…
Các phong trào an sinh xã hội, như “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”; Tuần lễ “Vì thành phố mang tên Bác”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; ủng hộ người dân các địa phương bị thiên tai… cũng được Hội Phụ nữ thị trấn Con Cuông triển khai, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và người dân vào cuộc tích cực...
Thực tiễn ở Nghệ An, hoạt động của tổ chức hội cơ sở và chất lượng hoạt động của cán bộ hội phụ nữ cơ sở đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp đề ra.
Bởi vậy, bên cạnh nỗ lực của chính đội ngũ cán bộ cơ sở, hiện các cấp hội trong tỉnh cũng đã, đang tiếp tục chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ nữ cơ sở, nhất là Chủ tịch hội cơ sở có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; vừa tạo nguồn cán bộ nữ cho Đảng, chính quyền và các ngành.
Đồng thời, các cấp hội cũng luôn quan tâm đồng hành hỗ trợ kịp thời, gắn với động viên, biểu dương, khích lệ đội ngũ cán bộ hội cơ sở có nhiều đổi mới, sáng tạo và nhiều đóng góp cho hoạt động hội và phong trào phụ nữ của tỉnh.
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và 13 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày 26/9 vừa qua, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã tổ chức gặp mặt, biểu dương 100 Chủ tịch hội cơ sở giỏi và chi hội trưởng phụ nữ tiêu biểu năm 2023.