Ở đâu gặp khó, ở đó có cán bộ Đoàn

28/08/2017 16:26

(Baonghean.vn) - Từng được biết đến là “vùng đất khó”, giờ đây miền Tây Nghệ An đang ngày càng thay da đổi thịt. Thành quả ấy có sự góp sức không hề nhỏ của lực lượng đoàn viên thanh niên trên các mặt trận kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội… với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Đoàn viên chung tay xây dựng nông thôn mới

Tri Lễ (Quế Phong) những ngày này đang rộn ràng khí thế xây dựng nông thôn mới. Trong công cuộc ấy, mở đường vào bản luôn là một trong những công việc khó khăn, gian khổ nhất thu hút nhiều lực lượng tham gia, đặc biệt là đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Mặt trời vừa ló rạng, nhưng con đường rừng gập gềnh và nhỏ hẹp dẫn từ bản Đôn tới bản Huồi Mới 2 của bà con người Mông xã Tri Lễ đã có gần 1.000 đoàn viên đang hăng say băng rừng vượt núi để chung sức mở đường.

Con đường mòn rộng chưa tới sải tay luôn bị vùi lấp trong những ngày mưa lũ đã được nâng cấp toàn bộ, với chiều rộng gần 3m, dài hơn 8km. Đặc biệt, những đoạn đi qua khe suối nguy hiểm còn được xây thêm 2 chiếc cầu mới dài gần 17m. Từ ngày có cầu to đường rộng, hàng trăm bà con người Mông không còn bị cô lập trong những ngày mưa lũ, lại dễ dàng thông thương để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nên đời sống của bà con cũng vì thế mà dần thay đổi.

ảnh 1 làm đường vào bản mông
Hơn 800 đoàn viên thanh niên huyện Quế Phong ra sức làm đường liên bản từ Ná Pục (Châu Thôn) tới Mường Lống (Tri Lễ). Ảnh: Thanh Quỳnh

Ông Vi Văn Tình - Trưởng bản Ná Pục (xã Châu Thôn) cho biết: “Ná Pục ở cách xa trung tâm của huyện, đa phần bà con đều là người dân tộc thiểu số nên rất khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong khi đó nhiều tuyến đường xuống cấp trầm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển sản xuất. Tuy nhiên, khi được hơn 800 đoàn viên thanh niên của hàng chục chi đoàn trong huyện cùng hiệp lực, đoàn kết để khai thông đào đất, nay con đường từ bản Ná Pục tới Mường Lống của Tri Lễ với chiều dài gần 10 km đã thành công ngoài mong đợi. Từ khi được các đoàn viên thanh niên giúp đỡ, tôi cũng như nhiều bà con có thêm động lực để tích cực tu sửa nhiều đoạn đường ven bản khác giúp cho việc đi lại thuận lợi và an toàn".

Quế Phong vẫn đang là 1 trong 64 huyện nghèo của cả nước, nhưng trong nhiều năm qua, huyện đã gặt hái được nhiều thành tích đáng kể trong phong trào nông thôn mới. Góp phần đặc biệt trong chương trình ấy là lực lượng đoàn viên thanh niên.

Chị Nguyễn Thị Hiệp, Bí thư Huyện đoàn chia sẻ: “Trong 5 năm triển khai cuộc vận động ”Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, các cấp bộ đoàn ở Quế Phong phối hợp các tổ chức chính trị xã hội đã tuyên truyền vận động nhân dân và gia đình đoàn viên thanh niên hiến đất mở đường giao thông với tổng chiều dài trên 50km; nạo vét tu sửa 25km kênh mương thủy lợi nội đồng trị giá 500 triệu đồng; đổ 20km đường giao thông nông thôn ước đạt 900 triệu đồng. Vận động nhân dân hiến đất mở đường mới với chiều dài gần 1.000 m, rộng hơn 2,5 m...

Cùng với đó, đoàn viên thanh niên toàn huyện đã tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phát quang, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, làm đẹp các đoạn đường thanh niên tự quản. Đến nay, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ rệt, đời sống văn hóa có sự chuyển biến tích cực, các hủ tục lạc hậu được loại bỏ thay vào đó là những điển hình gia đình văn hóa, xóm bản văn hóa…”.

Đẩy mạnh phong trào lập thân, lập nghiệp

Mùa này vườn cam của anh Cao Duy Khôi (sinh 1986) đã bắt đầu vào mùa chín rộ. Đây là vụ thứ 2 cây cam cho thu hoạch với năng suất cao và chất lượng vượt trội trên đồi Minh Kính (Minh Hợp, Quỳ Hợp). Sau những thành quả mà mình đang đạt được, anh không quên nhắc đến sự quan tâm của nữ Bí thư đoàn xã Kiều Thị Liên, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tận tụy, trăn trở với từng gốc cam, gốc bưởi của các đoàn viên từ khi đặt bầu cho tới lúc chín rộ.

Nhớ lại quãng thời gian từ năm 2005, khi anh tốt nghiệp chuyên ngành đồ họa tại Trường Cao đẳng mỹ thuật công nghiệp (Tp Biên Hòa, Đồng Nai) và bôn ba tìm việc nơi đất khách quê người nhưng không hiệu quả. Anh trở về quê, được sự động viên của cán bộ đoàn xã ở lại quê hương lập nghiệp. Với vốn liếng dành dụm được cùng với nguồn hỗ trợ cho vay từ các đoàn viên trong xã do chị Liên đứng ra kêu gọi, anh đầu tư 5 sào cam. Đầu năm 2014, anh vay mượn mở rộng diện tích, nâng tổng số diện tích vườn cam lên hơn 60 sào.

ảnh 2
Chị Kiều Thị Liên - Bí thư Đoàn xã Minh Hợp tại vườn cam của đoàn viên Cao Duy Khôi (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Thanh Quỳnh

Cùng với sự dẫn dắt của Bí thư Đoàn xã, anh cùng các đoàn viên thanh niên tích cực tham gia đầy đủ các buổi tập huấn của đoàn về kỹ thuật trồng cam, chăm sóc cây trồng, sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn… Nhờ đó, anh đã học hỏi giao lưu được rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng và chăm sóc cam.

Sau bao công sức đầu tư, vườn cam của anh đã bắt đầu cho những lứa thu hoạch đầu tiên, năm 2016, cho thu hoạch 18 tấn cam bói chất lượng tốt bán ra thị trường. Năm nay, theo dự kiến cả hai lô sẽ cho thu hoạch trên dưới 30 tấn cam thành phẩm. Thu nhập trung bình của một ha cũng cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng cho mỗi vụ. Hiện nay mô hình của anh là một trong những điển hình đi đầu trong phong trào thanh niên lập nghiệp, chính nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi anh đã thành công. Mô hình của anh được nhiều đoàn viên trẻ thường xuyên lui tới tham quan, học hỏi.

Sau thành công của anh, nhiều đoàn viên trong xã đã mạnh dạn đầu tư lập nghiệp tại xã nhà. Hiện Minh Hợp có gần 50 đoàn viên hiện đang phát triển mô hình kinh tế với giá trị hơn 500 triệu đồng và 25 - 30 đoàn viên với mô hình kinh tế trị giá từ 200 - 300 triệu đồng. Đây đang là một trong những trọng điểm về kinh tế miền núi của thanh niên, là lá cờ đầu của phong trào thanh niên lập nghiệp của tỉnh.

Chia sẻ về sự thành công của phong trào lập thân lập nghiệp của đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện, anh Nguyễn Đình Khiêm, Phó Bí thư huyện đoàn Quỳ Hợp cho biết: "Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tuyên truyền, vận động thanh niên tích cực lao động, sản xuất, vươn lên lập thân, lập nghiệp gắn với việc xây dựng các mô hình kinh tế mới như dịch vụ quảng cáo, điêu khắc đá, cơ khí, chăn nuôi đại gia súc…đồng thời tập trung hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế. Hiện nay, trên toàn huyện có hơn 150 mô hình đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi, trong đó có những mô hình cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ban Thường vụ Huyện đoàn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật và phối hợp với ngân hàng chính sách hỗ trợ thanh niên vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế".

Phát triển sâu rộng an sinh xã hội

Cơn bão số 2 đi qua cùng nhiều đợt mưa lớn đã khiến nhiều ngôi nhà của bản Huồi Khe, Phà Bún, Ngã Ba (Huồi Tụ) gần như bị thiệt hại hoàn toàn. Ngay sau trận lũ quét, hơn 70 đoàn viên thanh niên Huồi Tụ cùng với huyện đoàn Kỳ Sơn đã khẩn trương triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, dọn dẹp nhà cửa, khơi thông dòng chảy và vệ sinh môi trường tại những diện tích bị ảnh hưởng.

Mặc dù gia đình có diện tích lúa rẫy và rau mùa nằm trong vùng lũ, nhưng anh Hờ Bá Đa (sinh năm 1987), Bí thư Đoàn xã Huồi Tụ cùng nhiều đoàn viên thanh niên trong xã vẫn tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân.

Đợt lũ quét đi qua đã khiến cho người dân nơi đây bị đảo lộn, anh trở thành thủ lĩnh của các đoàn viên thanh niên trong xã cùng huyện đoàn tập hợp hơn 1.000 lượt đoàn viên, thanh niên thường xuyên có mặt tại hiện trường để tham gia khắc phục hậu quả. Phối hợp chính quyền địa phương và nhân dân sửa chữa, lợp lại mái hơn 100 ngôi nhà. Kịp thời khắc phục và sửa chữa gần 50km đường giao thông... tiếp sức giúp bà con bắt đầu cuộc sống mới.

ảnh 3
Đoàn viên thanh niên huyện Kỳ Sơn cùng phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn giúp người dân xây dựng lại nhà cửa sau thiệt hại do thiên tai. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cùng đồng bào miền Tây vượt qua những khó khăn của thiên tai, có thể nói Tỉnh đoàn đã đóng vai trò là "cánh chim đầu đàn" trong mọi hoạt động của đoàn viên thanh niên tại các địa phương. Ngay sau khi xảy ra lũ quét, Tỉnh đoàn đã cử cán bộ đến địa phương phối hợp chỉ đạo việc huy động lực lượng, triển khai các hoạt động ứng cứu, khắc phục hậu quả. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác tình nguyện khắc phục hậu quả, Tỉnh đoàn chủ trương huy động lực lượng tại chỗ. Đồng thời là cầu nối tiếp nhận quà cứu trợ, ủng hộ cho đồng bào bị thiệt hại do lũ quét.

Ông Dương Hoàng Vũ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “ Có thể khẳng định rằng, các hoạt động, phong trào của đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh thời gian qua đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả, để lại nhiều hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân. Những hoạt động này đã góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở nhiều địa phương, đặc biệt là địa bàn các huyện miền núi, nơi đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn .

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã thực hiện 15 công trình thanh niên cấp huyện, hơn 308 công trình thanh niên cấp xã và hơn 1.500 công trình, phần việc thanh niên cấp chi đoàn như: làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, tổng dọn vệ sinh môi trường. Trong đó có nhiều đơn vị tiêu biểu thuộc địa bàn miền Tây của tỉnh như Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Con Cuông…

Cùng với đó, Quỹ Thanh niên lập nghiệp các cấp huyện tiếp tục hoạt động có hiệu quả, trong 6 tháng đầu năm 2017 giải ngân được 28 dự án, tạo việc làm cho hơn 41 lao động. Một số đơn vị triển khai thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay có hiệu quả như: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Con Cuông, Anh Sơn … Đặc biệt, tổ chức hơn 21 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tiếp tục duy trì và phát triển 242 mô hình phát triển kinh tế thanh niên có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Những thành quả này đã tạo bước đệm cho các đoàn viên thanh niên trở thành lực lượng xung kích để khơi dậy sức sống mới trên vùng đất khó miền Tây Nghệ An”./.

Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ở đâu gặp khó, ở đó có cán bộ Đoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO