Ở ngôi trường có nhiều học sinh đỗ điểm cao
Kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm nay, Trường THPT Anh Sơn 1 (huyện Anh Sơn) có 16 học sinh đạt trên 25 điểm. So với các trường thuộc khu vực đồng bằng và thành phố thì kết quả này có thể là ở mức bình thường nhưng so với các trường khu vực miền núi thì có thể xem là một thành công đáng khích lệ. Bởi xét về điều kiện kinh tế - xã hội, Anh Sơn vẫn là một trong những địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
(Baonghean) - Kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm nay, Trường THPT Anh Sơn 1 (huyện Anh Sơn) có 16 học sinh đạt trên 25 điểm. So với các trường thuộc khu vực đồng bằng và thành phố thì kết quả này có thể là ở mức bình thường nhưng so với các trường khu vực miền núi thì có thể xem là một thành công đáng khích lệ. Bởi xét về điều kiện kinh tế - xã hội, Anh Sơn vẫn là một trong những địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Trong số 16 em đạt điểm cao, đáng chú ý nhất là em Nguyễn Thị Hảo (xã Hội Sơn) dự thi khối A vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đạt 27 điểm, được về Thành phố Vinh dự lễ tuyên dương của UBND tỉnh. Ngoài ra, Hảo còn dự thi khối B vào Học viện Quân y, đạt 23,5 điểm (chưa tính 1,5 điểm ưu tiên khu vực). Điều đáng nói là Hảo sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, bố mẹ em quanh năm chỉ biết ruộng đồng, đất bãi. Ngoài thời gian học tập, Hảo còn phải giúp đỡ bố mẹ công việc gia đình. Bên cạnh đó còn có những học sinh vượt khó vươn lên và giành được kết quả cao như em Đặng Thị Thảo Ly đạt 26 điểm và trúng tuyển vào Trường ĐH Y khoa Hà Nội. Gia đình Ly thuộc diện hộ nghèo, mẹ mất sớm, một mình bố ra sức làm lụng nuôi chị em Ly ăn học. Hay như trường hợp em Bùi Thị Bích Ngọc có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thương bố mẹ vất vả nên em luôn có ý thức vươn lên trong học tập. Và nỗ lực của Ngọc đã được đền đáp khi kết quả thi vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân của em đạt 26,5 điểm.
Trao đổi về kinh nghiệm để có số lượng đông học sinh thi đậu và đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, cao đẳng, thầy Nguyễn Trần Đức, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Anh Sơn 1 cho biết: "Trường đã chú trọng việc khơi dậy, phát huy tinh thần trách nhiệm của giáo viên và ý thức học tập của học sinh. Ngay từ đầu năm học, nhà trường tiến hành khảo sát chất lượng để trên cơ sở đó phân chia học sinh thành từng nhóm theo năng lực học tập. Từ đó đặt ra kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho từng giáo viên bộ môn và học sinh ra sức phấn đấu". Về vấn đề ôn tập, thầy Nguyễn Trần Đức cho biết thêm: "Học sinh của trường chủ yếu ôn tập trên lớp, thực hiện phương châm bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Trên cơ sở đó xây dựng các chuyên đề nâng cao giúp học sinh biết, hiểu và vận dụng kiến thức để làm các dạng đề thi. Nói cách khác là để học sinh ôn tập có hiệu quả, phát huy tinh thần chủ động của các em trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên". Ngoài ra, theo kế hoạch định kỳ, nhà trường tổ chức khảo sát chất lượng để giáo viên nắm được điểm yếu của từng học sinh và kịp thời bổ khuyết. Còn với các em học sinh đây là những cơ hội để cọ xát và tập dượt về mặt tâm lý, tinh thần cho kỳ thi. Đồng thời, trước thời điểm học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em trên cơ sở năng khiếu, sở thích và năng lực học tập.
Công Kiên