Ô nhiễm tiếng ồn: Người dân bức xúc, cơ quan chức năng kêu khó

14/02/2017 16:17

(Baonghean) - Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã và đang trở nên phổ biến, gây ra những tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống người dân. Thế nhưng, làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng này đang là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng.

Muôn kiểu ô nhiễm tiếng ồn

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trên các trang mạng xã hội và facebook cá nhân, nhiều người bày tỏ sự khó chịu và phàn nàn về việc hàng xóm của họ tổ chức các buổi karaoke tự phát tại nhà thâu đêm suốt sáng, khiến họ cảm thấy như bị tra tấn.

Facebook Hoàng Trần (có địa chỉ ở huyện Anh Sơn) chia sẻ: “Mình làm việc ở Sài Gòn, ngày Tết về quê mong có được giây phút nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình. Nhưng khổ nỗi, xung quanh nhà có tới 3 gia đình với những dàn âm thanh công suất lớn, hàng chục ca sĩ “vườn” và đủ các thể loại nhạc cùng thay nhau “tra tấn”. Biết là ngày Tết, mọi người có quyền hát hò nhưng hát bất kể ngày đêm như thế này thì quá phiền phức”. Dòng trạng thái này đã nhanh chóng thu hút hàng trăm lượt like và nhiều lời bình luận bày tỏ sự phản đối hành động gây ồn ào đó.

Những cửa hàng điện máy, điện thoại di động liên tục bật loa quảng cáo gây ồn ào nơi công cộng. Ảnh: Thảo Phương
Những cửa hàng điện máy, điện thoại di động liên tục bật loa quảng cáo gây ồn ào nơi công cộng. Ảnh: Thảo Phương

Trên địa bàn thành phố Vinh, nhiều cơ sở kinh doanh, mua bán điện máy, điện thoại di động, cửa hàng quần áo, quán bar, cà phê giải khát… đua nhau mở thông tin quảng cáo, khuyến mại với công suất âm thanh cực lớn để thu hút sự chú ý của khách hàng. Nhất là vào thời điểm cận kề các ngày lễ Tết, nhiều người dân sống gần các tuyến đường buôn bán như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thị Minh Khai,… luôn than phiền rằng họ cảm thấy mệt mỏi khi phải chịu đựng tiếng âm thanh cực đại phát ra từ nhiều phía.

Không những vậy, vào các buổi tối, tình trạng này còn thường xuyên xảy ra tại các tuyến phố tập trung đông quán nhậu. Tiếng ồn ào chúc tụng, thêm vào đó là âm thanh từ những chiếc loa thùng của người hát rong, bán kẹo cao su,… khiến cho người dân phải chịu cảnh đinh tai nhức óc. Bùi Như Trang (sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Vinh) chia sẻ: Hàng đêm, tiếng ồn ào từ các quán ăn đêm, tiếng hát rong khiến em không thể tập trung học bài được. Phòng trọ bên cạnh còn có trẻ nhỏ, tiếng ồn khiến em bé đang ngủ cũng giật mình khóc suốt”.

Một “thủ phạm” khác góp thêm vào tình trạng ô nhiễm tiếng ồn hiện nay chính là các phương tiện tham gia giao thông. Mặc dù việc sử dụng và lắp đặt còi xe đã được quy định cụ thể song không ít chủ phương tiện giao thông vẫn cố tình lắp đặt và sử dụng một cách thiếu ý thức, gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh; thậm chí không ít vụ tai nạn xảy ra từ chính tiếng còi.

Khi hỏi ý kiến về vấn đề này từ một người ngoại quốc, Lan Robertson (người Scotland, giảng viên tại Trung tâm Anh ngữ Neoling) cho biết: “Tôi thấy ô nhiễm tiếng ồn ở thành phố Vinh và nhiều nơi khác ở Việt Nam khá báo động. Ở đất nước chúng tôi, không tổ chức hát karaoke trên đường phố, công trường xây dựng cũng không được hoạt động vào buổi đêm. Ngay cả việc đi trên xe buýt, tài xế cũng phải hỏi ý kiến của hành khách trước khi được phép mở nhạc...”.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, việc phải chịu đựng tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến sức khỏe con người như mất ngủ, đau đầu, ù tai, giảm hiệu suất làm việc,… Thế nhưng, thực tế này vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Khó trong xử lý

Từ năm 2010, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn được ban hành nêu rất rõ về đối tượng, phạm vi, giới hạn tối đa cho phép của tiếng ồn. Trong đó, ở quanh khu vực đặc biệt gồm cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học,… có giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 55 dBA trong thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và 45 dBA từ 21 giờ đến 6 giờ; khu vực thông thường gồm khu dân cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính có giới hạn cho phép về tiếng ồn là 70 dBA trong khoảng 6 giờ đến 21 giờ và 55 dBA từ 21 giờ đến 6 giờ.

Mặc dù đã có quy định khá chặt chẽ nhưng trên thực tế việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn vẫn còn nhiều bất cập. Khi người dân cảm thấy phiền phức bởi tiếng ồn, họ thường phản ánh lên phường, xã. Nhưng ở cấp đơn vị này, chính quyền chỉ có thể dựa trên quy định về thời gian giữ trật tự như sau 22 giờ hoặc dùng các biện pháp nhắc nhở, hòa giải là chính chứ không có các điều kiện về nhân lực và thiết bị đo âm thanh để xử phạt.

Thời gian qua, thành phố Vinh đã tiến hành xử phạt 5 cơ sở quán bar và karaoke để xảy ra vi phạm ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, ông Bùi Quang Phương - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Vinh thừa nhận, con số đó chưa thể nói lên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn hiện nay trên địa bàn thành phố.

Theo ông Phương, cái khó trong việc xử lý là khi nghe âm thanh bằng tai, tiếng ồn có thể gây bức xúc, khó chịu cho nhiều người nhưng nếu cơ quan chuyên môn kiểm tra, tiến hành đo thì tiếng ồn nằm trong mức quy định cho phép, do đó cũng không thể xử phạt.

Mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao làm gia tăng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: Thảo Phương
Mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao làm gia tăng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: Thảo Phương

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, việc xử lý vi phạm được phân cấp theo các đơn vị địa phương. Dựa trên phản ánh của người dân, chi cục sẽ phối hợp để tiến hành quan trắc, giám sát và đưa ra kết luận về mức độ vi phạm. Ông Dũng cho biết, đến thời điểm này số vụ việc được người dân trực tiếp phản ánh không nhiều nên chưa thể xử lý triệt để.

Như vậy, để hạn chế tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, bên cạnh ý thức giữ gìn môi trường sống yên tĩnh, người dân phải nâng cao trách nhiệm của mình, trình báo đến các cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm. Bên cạnh đó, chính quyền sở tại và các cơ quan chuyên môn cần tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành và các thiết bị chuyên dụng để xác định vi phạm; đồng thời bố trí lực lượng “cắm chốt” tại các địa điểm thường xuyên xảy ra vi phạm để có phương án kịp thời xử lý.

Việc xử lý các vi phạm về tiếng ồn trước đây được áp dụng tại Điều 17, Nghị định 179 (năm 2013), nay đã được thay thế bằng Nghị định 155 (năm 2016) mới có hiệu lực từ 1/2/2017. Nghị định mới có thêm quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA; các mức phạt tiền vẫn giữ như cũ (thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 160 triệu đồng). Ngoài ra, đối tượng vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng và kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả.

Thảo Phương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ô nhiễm tiếng ồn: Người dân bức xúc, cơ quan chức năng kêu khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO