Ô tô và cả loạt hàng giá rẻ từ các nước CPTPP sẽ tràn vào Việt Nam?

Phi Long 10/03/2018 17:47

Nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã về 0% nhưng giá ô tô cùng hàng loạt các mặt hàng khác được dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm giá “sốc” khi Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức được ký kết.

Ô tô và hàng loạt mặt hàng giá rẻ từ các nước CPTPP sẽ tràn vào Việt Nam?

Ô tô "xịn" sẽ ngày càng rẻ

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, các nước thành viên CPTPP cam kết sẽ giảm hầu hết các mặt hàng cho Việt Nam về 0% khi xuất khẩu. Một trong những mặt hàng được rất nhiều người tiêu dùng Việt quan tâm chính là ô tô, vì mơ ước của nhiều gia đình người Việt vẫn là được sở hữu “xế hộp” để phục vụ cho nhu cầu đi lại hàng ngày. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, giá xe ô tô ở Việt Nam dù đã giảm mạnh trong năm 2017 nhưng vẫn đắt gấp 3- 5 lần so với giá xe tại các nước phát triển.

Đầu năm 2018 vừa qua, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, người tiêu dùng kỳ vọng được sở hữu ô tô giá rẻ. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại mới chỉ có lô hàng đầu tiên khoảng gần 2.000 xe của Honda cập cảng với mức giá bán được dự kiến sẽ giảm từ 200 – 240 triệu đồng/xe tùy từng phiên bản.

Mặc dù giá xe nhập khẩu từ các nước ASEAN đã giảm mạnh nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng mức xe sẽ còn giảm tiếp, dần tiến tới giá trị thực của nhà sản xuất hơn, đặc biệt là các dòng xe từ các nước như Nhật, Canada…có mức thuế sẽ về 0% sau khi Việt Nam trở thành thành viên của CPTPP.“Hầu hết các mặt hàng của các nước thành viên CPTPP sẽ được Việt Nam cam kết mở cửa hàng rào thuế quan sau 7 – 10 năm, riêng đối với mặt hàng ô tô là sau 7 năm với mức thuế suất sẽ về 0%”, ông Thái cho biết.

Tuy nhiên, cùng với “ông lớn” Vingroup đang hiện thực hóa giấc mơ ô tô của người Việt trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã về 0%, về lâu dài khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng thì thuế từ các nước CPTPP và nhiều nước khác cũng sẽ về 0%, nhiều người tiêu dùng lại lo tới việc khi mua được ô tô có khi giao thông ở Việt Nam chẳng còn chỗ để đỗ ô tô.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017, Việt Nam nhập 3.284 ô tô nguyên chiếc từ Nhật Bản và 52 chiếc từ Canada. Từ đầu năm 2018, lượng ô tô nguyên chiếc nói chung từ các thị trường đều giảm mạnh sau khi có Nghị định 116. Ngoài Nhật Bản, Canada, các nước còn lại trong khối CPTPP hầu hết cũng không có thế mạnh vượt trội về sản xuất ô tô.

Sau 7 năm nữa, ô tô "xịn" sẽ ngày càng rẻ ở Việt Nam (Ảnh: IT)

Việt Nam được ưu đãi thuế như thế nào?

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, một trong những yếu tố căn bản mang lại lợi ích cho các ngành kinh tế này từ Hiệp định CPTPP là các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của các nước CPTPP.

Theo đó, Australia cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 2,9 tỷ USD) ngay khi thực hiện Hiệp định CPTPP. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4;

Brunei cũng cam kết xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.

Canada cam kết xóa bỏ ngay 94,9% số dòng thuế, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (khoảng 0,88 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực và tổng số dòng thuế được xóa bỏ lên tới 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Các mặt hàng nông sản, điện, điện tử của Việt Nam được xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay thời điểm bắt đầu triển khai cam kết. Mặt hàng đồ nội thất, cao su sẽ được xóa bỏ hoàn toàn ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc vào năm thứ 5.

Chile cam kết xóa bỏ 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile (khoảng 76 triệu USD). Vào năm thứ 8, Chi-lê sẽ xóa bỏ 99,9% số dòng thuế, tương ứng với 100% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản (khoảng 10,5 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ khoảng 95,6% số dòng thuế vào năm thứ 11. Như vậy, so với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam – Nhật Bản, nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình. Đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nan được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ.... Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong CPTPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Malaysia cam kết xóa bỏ 84,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, số dòng thuế cam kết cắt giảm của Malaysia lên tới 99,9%.Mexico cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế, chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico, tương ứng với 282 triệu USD, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, và sẽ xóa bỏ 98% số dòng thuế vào năm thứ 10.

Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như cá tra, basa sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; tôm đông lạnh xóa bỏ vào năm thứ 13; tôm chế biến xóa bỏ vào năm thứ 12; cá ngừ chế biến xóa bỏ thuế vào năm thứ 16, trong đó giữ nguyên mức thuế cơ sở trong 5 năm đầu tiên rồi giảm dần về 0%.

Các mặt hàng nông sản như thóc, gạo lứt và gạo tấm sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng gạo xay xát sẽ giảm về 0% vào năm thứ 10; cà phê hạt Robusta sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 16; cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

New Zealand cam kết xóa bỏ 94,6% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 101 triệu USD). Vào năm thứ 7 kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.

Peru cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (khoảng 15,6 triệu USD) và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% tổng số dòng thuế vào năm thứ 17.

Các mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như hạt điều, chè, tiêu, rau quả, một số loại cà phê đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Riêng với Singgapo cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng của Việt Nam ngay khi thực hiện Hiệp định CPTPP.

Theo danviet.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Ô tô và cả loạt hàng giá rẻ từ các nước CPTPP sẽ tràn vào Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO