Olympic PyongChang: Khoảng lặng trước bão trong quan hệ Mỹ-Triều?
Tổng thống Mỹ Trump vừa công khai ý định tổ chức lễ diễu binh hoành tráng ở Washington dựa trên hình mẫu một số quốc gia sau.
Sự im lặng “đầy toan tính”
Bất chấp việc lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều có những lời lẽ cứng rắn nhằm vào đối phương trong những tháng qua, các chuyên gia cho rằng, cả hai bên sẽ “im lặng thủ thế” trong suốt thời gian diễn ra Olympic PyeongChang tại Hàn Quốc.
Ảnh minh họa: AP |
Ông Troy Stangarone, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Hàn Quốc có trụ sở tại Washington, nhận định, những lo ngại về việc Triều Tiên có thể “phá rối” trong quá trình diễn ra Thế Vận hội mùa Đông là hoàn toàn không có cơ sở.
“Việc thử vũ khí rầm rộ hay cố tình tìm cách ngăn trở Olympic diễn ra chỉ làm tăng thêm áp lực nhằm vào Triều Tiên”, ông Stangarone nói và cho biết Triều Tiên đã cam kết sẽ không tìm cách phá hoại kỳ Olympic tại Hàn Quốc và họ rất muốn thể hiện mình biết giữ lời.
Đồng tình với nhận định trên, ông Douglas Paal- Phó Chủ tịch Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment cho rằng, lợi ích chiến lược của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là duy trì sự im lặng trong suốt thời gian diễn ra Olympic.
“Thế Vận hội PyeongChang là cơ hội tốt nhất kể ông Kim Jong-un có thể thay đổi quan điểm của cộng đồng quốc tế về thiện chí trong việc hạ nhiệt căng thẳng của Triều Tiên và dồn mọi sức ép hiện nay sang Mỹ và Hàn Quốc”, ông Paal nói thêm.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là cũng sẽ “kiềm chế hơn mức thông thường” trong suốt kỳ Olympic. Các chuyên gia cho rằng, ông Trump đang tìm cách tạo điều kiện để Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cơ hội tiếp cận với phái đoàn Triều Tiên tại Olympic.
Cũng theo các chuyên gia, cả ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên đều không muốn hành động trước bởi họ không muốn bị coi là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng gia tăng tại kỳ Thế Vận hội lần này.
Triều Tiên “câu giờ”, Mỹ sốt ruột chờ "rèm buông"?
Các chuyên gia nhận định, Triều Tiên đã tính đến nhiều mục tiêu khi đồng ý tham gia kỳ Thế Vận hội tại Hàn Quốc. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là giảm áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế càng nhiều càng tốt.
“Dù có làm gì đi chăng nữa, Triều Tiên cũng mong muốn thuyết phục thế giới rằng, họ là một quốc gia sở hữu hạt nhân có trách nhiệm và Triều Tiên có thể tiếp tục thực thi chương trình hạt nhân của mình mà không phải chịu các lệnh trừng phạt như hiện nay”, ông Stangarone cho biết.
Tuy nhiên, ông Stangarone cảnh báo, Mỹ không đời nào công nhận chương trình hạt nhân của Triều Tiên và sẽ tìm mọi cách ngáng trở. Trong khi đó, Triều Tiên luôn tin rằng “chìa khóa” đối với sự tồn tại của họ chính là phải sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo các chuyên gia, niềm tin này xuất phát từ việc, cả nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay Kim Jong-un và thân phụ của ông, ông Kim Jong-il đều đã chứng kiến sự ra đi của các nhà lãnh đạo Libya và Iraq được cho là “có bàn tay can thiệp của Mỹ”.
Cho đến trước khi Olympic PyeongChang khai mạc, Mỹ đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Dù ông Trump từng tuyên bố sẵn sàng để ngỏ cánh cửa đối thoại trực tiếp với Triều Tiên và bày tỏ lạc quan về việc quan hệ liên Triều có thể ấm lên sau khi hai nước có những hoạt động chung để quảng bá cho Thế Vận hội mùa Đông lần này, vẫn có những lo ngại về việc Mỹ có thể sẽ “đánh phủ đầu” Triều Tiên bằng những đợt không kích dữ dội vào các cơ sở hạt nhân của nước này.
Điều này xuất phát từ việc, cả Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un đều không ngần ngại đưa ra những lời đe dọa mạnh mẽ nhất nhằm vào đối phương trước khi có quyết định im lặng chiến lược.
Trong khi ông Kim khẳng định đã sở hữu tên lửa có thể tấn công vào các mục tiêu trên đất liền của Mỹ thì Tổng thống Trump đáp trả rằng, việc tấn công vào quốc gia có nền quân sự hàng đầu thế giới như Mỹ sẽ là “sai lầm tồi tệ nhất” mà Triều Tiên dám làm.
Chính vì thế, theo các chuyên gia, thời gian diễn ra Olympic sẽ là khoảng lặng hết sức đáng sợ trước những biến cố lớn sắp dồn dập xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Hệ lụy từ những biến cố này được đánh giá là “hết sức khó lường”./.