Ổn định diện tích cao su tiểu điền ở Nghệ An khi giá mủ 'đóng băng'
(Baonghean.vn) - Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, giá mủ cao su giảm mạnh trong những năm qua. Vì thế, tuy năng suất tăng nhưng các hộ dân trồng cao su tiểu điền trên địa bàn huyện Tân Kỳ (Nghệ An) gặp nhiều khó khăn.
Nhiều diện tích cao su ở Tân Kỳ bước vào mùa thu hoạch. Ảnh Phương Thúy |
Khó khăn khi giá giảm
Từng được xem là “vàng trắng” khi đạt ngưỡng khoảng 25.000 đồng/kg mủ nhưng đến nay, giá cao su tiếp tục giảm sâu đã gây tâm lý lo lắng cho nhiều gia đình trồng cao su tiểu điền ở huyện Tân Kỳ. Từ giữa tháng 5, mùa khai thác cao su bước vào vụ mới, do giá cao su diễn biến lên xuống thất thường khiến người trồng cao su tiểu điền rơi vào bế tắc, khi thu không đủ chi.
Để đối phó với khó khăn trước mắt, nhiều chủ vườn cao su chỉ cạo cầm chừng, tiết giảm chi phí, hạn chế đầu tư, chuyển hướng sản xuất lấy “ngắn nuôi dài”, hay thậm chí chẳng màng đến việc khai thác.
Ông Nguyễn Trọng Hương, chủ quản lý 13 ha cao su, trong đó có 8 ha đang giai đoạn khai thác tại xóm Tân Minh, xã Tân Long cho hay: “Đối với nhiều gia đình vài ba ha có thể tự khai thác, còn diện tích lớn như chúng tôi có những thời điểm phải thuê 4 - 5 công nhân cạo và trút mủ nhưng vì giá cao su giảm mạnh, nên bây giờ chỉ thuê từ 2 - 3 công nhân để cắt giảm chi phí”.
Ngoài nỗi lo giá cao su giảm mạnh, hiện nay tình hình thời tiết diễn biến phức tạp khiến nhiều chủ vườn “điêu đứng”. Bà Trần Thị Lương (xóm Tân Phúc, xã Tân Long) cho biết: “Như mức giá hiện nay khoảng 7.000 đồng/kg mủ nước đạt tiêu chuẩn thì chủ vườn không cân đối được chi phí, trong khi mưa lũ xảy ra thường xuyên thì chẳng biết xoay xở làm sao. Hiện gia đình chờ giá thu mua mủ tăng mới khai thác.
Các hộ thu mủ cao su nhưng ở mức cầm chừng. Ảnh P.T |
Còn đối với gia đình ông Lê Đức Văn (xóm Tân Phúc - Tân Long), để đối phó với thực trạng giá cao su giảm, thu không đủ chi trong quá trình khai thác, ông Văn đang tính toán chuyển hướng gia tăng sản xuất trên vườn cao su độ tuổi thiết kế, trồng xen cây ngô, mía, lạc, kết hợp chăn nuôi để tận dụng diện tích, tăng thu nhập nhằm cải thiện đời sống.
Được biết, xã Tân Long có diện tích cao su nhiều nhất trên toàn huyện Tân Kỳ với tổng diện tích là 298,3 ha, trong đó 157 ha đang giai đoạn khai thác. Trước tình hình giá cao su giảm mạnh, các hộ tiểu điền chán nản, không muốn đầu tư, chăm sóc cho cây cao su, chuyển sang đầu tư các loại cây trồng khác, khiến nhiều vườn cao su giảm chất lượng, năng suất mủ thấp.
Nỗ lực ổn định diện tích
Vừa qua, UBND tỉnh họp bàn điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su tính đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, việc phát triển diện tích cao su tiểu điền không được UBND tỉnh chú trọng, mà chủ yếu phát triển cây cao su ở khối doanh nghiệp. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ giữ nguyên 713 ha như hiện nay. |
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Tân Kỳ cho biết: Tân Kỳ hiện có tổng diện tích cao su là 1.654 ha, trong đó có hơn 700 ha cao su tiểu điền, do người dân đầu tư trồng trên đất giao khoán của địa phương, còn lại thuộc đất do các công ty quản lý. Cây cao su sau khi trồng phải chăm sóc nhiều năm mới cho thu hoạch, do vậy người dân cần kiên nhẫn, chờ thời cơ thị trường tăng giá để thu hoạch.
Không riêng Tân Kỳ, người trồng cao su trên địa bàn toàn tỉnh đang khốn khó trước giá mủ cao su giảm mạnh trong những năm qua. Chính vì thế, diện tích cao su của tỉnh bị chững lại, không đạt kế hoạch giao trong giai đoạn 2013 – 2015. Đến nay, toàn tỉnh có 11.365 ha cao su/kế hoạch hơn 22.000 ha, trong đó diện tích cao su tiểu điền 713 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Kỳ.
Kết hợp trồng cao su độ tuổi còn non với các mô hình kinh tế khác như chăn nuôi, trồng xen cây ngô, mía, lạc.. để tận dụng diện tích, lấy ngắn nuôi dài. Ảnh P.T |
Tuy nhiên, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân vừa khai thác, vừa chăm sóc hợp lý để duy trì diện tích cao su một cách ổn định. Tránh tình trạng khi giá giảm mạnh thì thờ ơ, khi giá tăng lại không có để khai thác, vì để trồng được cây cao su cho thu hoạch phải đầu tư khá nhiều trong vòng 6 năm mới cho thu hoạch.
Trên địa bàn Nghệ An hiện có 11 công ty, doanh nghiệp trồng cao su, trong đó có 6 đơn vị chế biến mủ cao su dạng thô, với tổng công suất 5.450 tấn mủ khô/năm. Mục tiêu của tỉnh, đến năm 2020 diện tích cao su toàn tỉnh 17.000 ha, sản lượng mủ khô đạt 16.500 tấn/năm. Như vậy, trong 5 năm tới, toàn tỉnh trồng mới 5.535 ha cao su đại điền, quy hoạch trên 74 ha đất trồng mía, 9 ha đất trồng cây hàng năm và 5.552 ha trên đất rừng sản xuất.
Phương Thúy - Xuân Hoàng
TIN LIÊN QUAN |
---|