Ổn định hệ thống chính trị vùng giáo: Phát huy công tác dân vận
(Baonghean) - Thời gian qua, nhiều mô hình “dân vận khéo” đoàn kết lương - giáo xuất hiện ở nhiều khu dân cư. Từ những mô hình đó, sự lan tỏa về tình thương yêu, nghĩa đồng bào lương giáo các vùng, miền càng thêm gắn bó keo sơn. Đạt được Kết quả đó, bên cạnh sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể còn có sự vào cuộc tích cực của nhân dân.
Những mô hình “dân vận khéo”
Xóm 6, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên có 66hộ/100 hộ là giáo dân. Xóm trưởng, giáo dân Nguyễn Đăng Ngoạn vui vẻ chia sẻ: “Đây là mảnh đất truyền thống, nơi khởi sự của những phong trào đấu tranh yêu nước xứ Bùi Ngọa xưa. Vì thế, chúng tôi luôn quyết tâm là đơn vị đi đầu trong mọi phong trào “kính Chúa, yêu Nước”. Nói rồi, ông xóm trưởng dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh xóm. Dễ nhận thấy n[i đây là một làng quê chan hoà, làng trên xóm dưới đùm bọc yêu thương nhau, nhà ai có việc khó khăn hay “công buổi” thì tất cả mọi người đều xắn tay giúp đỡ. Có được kết quả đó là nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chi bộ, ban cán sự xóm và sự đoàn kết đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Quá trình đó, còn có sự vào cuộc của cha xứ Giáo xứ Bùi Ngọa trong việc ủng hộ các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp được quán triệt trên địa bàn xóm. Ông Hoàng Đức Nguyên, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng tiểu ban MTTQ xóm 6 cho biết: “Từ khi có chủ trương toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới và chọn xóm làm đơn vị điểm để xây dựng mô hình “dân vận khéo”, chúng tôi đã hoàn thành được rất nhiều việc như quy hoạch đất đai, dồn điền, đổi thửa, hoàn chỉnh các trục đường giao thông nội đồng, với tổng chi phí do nhân dân đóng góp là 200 triệu đồng. Hiện nay xóm 6 đã có 1 km đường giao thông liên thôn được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới”.
Cán bộ xóm 6, xã Hưng Trung trao đổi kinh nghiệm với Ban Dân vận Huyện ủy Hưng Nguyên. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều mô hình đoàn kết lương - giáo cùng chung tay xây dựng nông thôn mới như ở thôn 5, xã Hoa Sơn; thôn 7, xã Hùng Sơn; thôn 11, xã Tường Sơn của huyện Anh Sơn. Hay như ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, có 27 xóm, với 3.481 hộ dân, trong đó đồng bào giáo dân chiếm 36%, cư trú ở 18 xóm (7 xóm giáo toàn tòng) thuộc 2 Giáo xứ Cồn Cả và Vĩnh Giang. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, mọi chủ trương và phong trào nơi đây bà con đều hăng hái tham gia, điển hình bà con giáo dân đã tích cực hiến đất, làm đường xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian qua, bà con giáo dân huyện Quỳnh Lưu đã hiến 3.386m2 đất để làm mới và mở rộng đường giao thông nông thôn, tháo dỡ 1.935m2 bờ rào tường bao, ủng hộ 2.500 ngày công, làm mới 8,9 km đường bê tông, 2 km kênh mương. Còn bà con Giáo xứ Quy Hậu (Kỳ Tân, Tân Kỳ) hiến 2.500m2 đất và làm được 1 km đường bê tông, đào đắp 3 km đường cấp phối. Ở Giáo họ Vĩnh Mỹ và Tân Yên, phường Vinh Tân (TP. Vinh) đã hiến gần 600m2 đất xây dựng 2 tuyến đường chống ngập, đóng góp gần 50 triệu đồng và hàng trăm ngày công, xây dựng 200m đường bê tông.
Từ những chủ trương đúng đắn cùng sự vào cuộc tích cực của cán bộ khối xóm, việc tập hợp nhân dân trên địa bàn có đồng bào theo đạo từng bước thuận lợi. Có được sự đồng thuận đó là cả quá trình đồng hành sâu sát của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tăng cường công tác dân vận ở cơ sở.
Phát huy mối đoàn kết lương - giáo
Một trong những yếu tố tạo nên ổn định và phát triển của một địa phương có đồng bào theo đạo là việc lựa chọn được đội ngũ cán bộ xóm đoàn kết, nhất trí, gương mẫu, tận tâm vì phong trào chung. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Tâm, ở thôn 5, xã Hoa Sơn, Ban hành giáo, Giáo họ Quan Lạng, được cấp ủy Chi bộ thôn 5 chọn là người tiêu biểu trong phong trào “dân vận khéo” của thôn. Ông Tâm luôn vận động mọi người theo đạo rằng: “Việc đời và việc đạo phải hòa quyện, vì mình có cơm no áo ấm là nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước”. Còn ở xã Hưng Trung (Hưng Nguyên), địa bàn có tới 65% đồng bào theo đạo thì ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch HĐND xã được ví là người nhạc trưởng của các phong trào trong khu dân cư. Với ông, việc lựa chọn được những cán bộ “dân bầu xã cử” đúng người, đúng việc là yếu tố thành công của công tác yên dân tại những địa bàn có đạo. Theo ông, để làm tốt trách nhiệm, cán bộ cơ sở phải hy sinh, tận tâm và luôn phát huy được mối đoàn kết, đồng lòng của bà con lương - giáo.
Quá trình triển khai công tác dân vận trong đồng bào công giáo, huyện Hưng Nguyên tập trung củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cấp cơ sở. Qua triển khai, trên địa bàn huyện có 33 điển hình tập thể, cá nhân được tuyên dương trong phong trào “dân vận khéo”. Điển hình là mô hình dân vận, tăng cường đoàn kết lương - giáo chung tay xây dựng nông thôn mới ở các Giáo họ Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Châu. Còn với Đảng bộ và chính quyền các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành đã đẩy mạnh phối hợp với các linh mục tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện đúng quy trình trong chuyển đổi ruộng đất. Điển hình cách làm phù hợp với tình hình, tập quán, vận động, tuyên truyền để giáo dân không tự ý chuyển đổi sai mục đích đất trồng cây lâu năm ở Giáo xứ Hội Nguyên (Quỳnh Hồng), Giáo xứ Song Ngọc (Quỳnh Ngọc– Quỳnh Lưu), Đức Thành (Yên Thành)…
Những mô hình, bài học kinh nghiệm trong xây dựng khối đoàn kết lương - giáo ở các địa bàn nêu trên đã khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống chính trị vùng đặc thù, góp phần ổn định an ninh, trật tự, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội ở cơ sở.
Thanh Nga