Ông Đinh La Thăng hầu tòa trong phiên phúc thẩm

Bảo Hà 19/06/2018 06:07

Hôm nay, phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đinh La Thăng trong vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng.

Sáng 19/6, phiên tòa dự kiến khai mạc dưới sự điều hành của thẩm phán cao cấp, chủ tọa Nguyễn Vinh Quang. Ông Đinh La Thăng có 4 luật sư bào chữa. Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm kéo dài đến ngày 25/6.

Ông Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương, Oceanbank) được TAND Cấp cao tại Hà Nội triệu tập với tư cách nhân chứng. Ông Thắm bị kết án chung thân trong vụ cố ý làm trái xảy ra tại Oceanbank do bị cáo buộc ra chủ trương, chỉ đạo chi lãi ngoài trái luật hơn 1.500 tỷ đồng.

Bị án Hà Văn Thắm. Ảnh: Phạm Dự.

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 9/2008, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo và quyết định để tập đoàn này góp vốn vào Oceanbank. Ông biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, biết theo các quy định pháp luật khi muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng này phải báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Thủ tướng song cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới làm trái các quy định của Nhà nước.

Các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức lúc ấy là thành viên Hội đồng thành viên PVN cùng ông Nguyễn Xuân Sơn (phó tổng giám đốc), Ninh Văn Quỳnh (kế toán trưởng) đã thực hiện chỉ đạo và chủ trương của ông Thăng.

Do Oceanbank mắc nhiều sai phạm và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng vào giữa năm 2015, 800 tỷ đồng vốn góp của PVN bị mất. Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại 800 tỷ đồng, theo nhà chức trách do hành vi trái pháp luật của ông Đinh La Thăng và các bị cáo đồng phạm.

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN.

TAND Hà Nội cho rằng có đủ cơ sở kết luận ông Đinh La Thăng có thẩm quyền cao nhất tại PVN, có trách nhiệm quản lý, bảo toàn và phát triển vốn do Nhà nước giao, nhưng đã chỉ đạo và quyết định góp vốn vào Oceanbank trái quy định của pháp luật.

TAND Hà Nội tuyên phạt ông Thăng 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và buộc bồi thường cho PVN hơn 600 tỷ đồng.

Sáu người còn lại nhận các mức án từ 15 tháng cải tạo không giam giữ tới 7 năm tù về cùng tội danh. Riêng ông Ninh Văn Quỳnh còn bị cáo buộc chiếm đoạt tiền của Oceanbank thông qua ông Nguyễn Xuân Sơn nên cấp sơ thẩm tuyên phạt thêm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản với mức án 16 năm tù.

Vì sao PVN mất 800 tỷ đồng khi đầu tư vào OceanBank

Đồ họa: Tiến Thành.

Sau khi cấp sơ thẩm ra bản án, cả bảy người nói trên đều kháng cáo. Ông Đinh La Thăng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại cả về tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự cho bản thân.

Ông Thăng cho rằng bản án sơ thẩm đã không xem xét đến bối cảnh PVN quyết định đầu tư vào OceanBank chỉ là phương án giải quyết hệ lụy của việc không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt. Ông không có trách nhiệm với số tiền PVN bị thất thoát, vì thế việc cấp sơ thẩm tuyên buộc bản thân bồi thường hơn 600 tỷ đồng là không đúng.

Sáu bị cáo còn lại cũng chống án với nguyện vọng xin cấp phúc thẩm xem xét nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội để giám mức hình phạt cũng như mức bồi thường dân sự.

Riêng ông Nguyễn Xuân Sơn còn đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét, chấp nhận lời khai của bản thân về việc đã đưa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh số tiền 180 tỷ để thay Oceanbank “chăm sóc khách hàng là PVN”. Theo quan điểm của ông Sơn, việc cấp sơ thẩm chỉ kết luận ông Quỳnh nhận của mình 20 tỷ đồng với mục đích chi cho cá nhân là không chính xác.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Ông Đinh La Thăng hầu tòa trong phiên phúc thẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO